Trường doanh nhân HBR ×

BRAND MANAGER LÀ GÌ? GIẢI MÃ TỪ A - Z CÔNG VIỆC CỦA BRAND MANAGER

Nội dung [Hiện]

Brand Manager là vị trí phổ biến trong các doanh nghiệp, nắm giữ vai trò quan trọng trong công tác quản trị thương hiệu. Trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay, nếu muốn giữ vững vị thế, doanh nghiệp bắt buộc phải đặt yếu tố thương hiệu lên hàng đầu. Vậy Brand Manager là gì và đảm nhận những công việc cụ thể nào, hãy cùng Trường Doanh Nhân HBR tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Brand Manager là gì?

Brand Manager là một thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành Marketing. "Brand" có nghĩa là "thương hiệu", chỉ những giá trị vô hình liên quan đến thuộc tính của sản phẩm, dịch vụ hoặc con người, bao gồm tên tuổi, bao bì, giá cả, câu chuyện đằng sau… Trong khi đó, “Manager” có nghĩa là "người quản lý". Như vậy, thuật ngữ “Brand Manager” được hiểu đầy đủ là “Người quản lý thương hiệu” hay “Giám đốc thương hiệu” của một công ty hay một sản phẩm cụ thể. 

Brand Manager là gì
Brand Manager là gì

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, vai trò của Brand Manager ngày càng được nhấn mạnh. Theo đó, Brand Manager đảm nhận những vai trò quan trọng sau:

  • Xác định hướng phát triển chiến lược: Thông qua nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh và định vị thương hiệu, Brand Manager đảm bảo rằng doanh nghiệp đang chạy đúng đường ray và đạt được mục tiêu đề ra
  • Quản lý thương hiệu: Brand Manager chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý thương hiệu. Họ tham gia vào quá trình sáng tạo thông điệp thương hiệu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm…để tạo dựng một hình ảnh thương hiệu thống nhất và thu hút
  • Tạo dựng sự nhận biết và thúc đẩy doanh số: Brand Manager hoạch định và triển khai các chiến dịch truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo, tiếp thị để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu cũng như thúc đẩy tăng trưởng doanh số
  • Tạo dựng và củng cố niềm tin: Brand Manager theo dõi và quản lý sự tương tác với khách hàng, đảm bảo rằng thương hiệu đáng tin cậy, đáp ứng đầy đủ mong đợi của khách hàng

2. Công việc của Brand Manager là gì?

Vị trí Brand Manager đòi hỏi người quản lý phải có chuyên môn cao, đồng thời tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tế để có đủ khả năng đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng. Với vai trò quản lý thương hiệu và đưa doanh nghiệp lên vị trí số một trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm, công việc của Brand Manager bao gồm nhiều khía cạnh, ẩn chứa nhiều cơ hội cũng như thử thách.

Công việc của Brand Manager
Công việc của Brand Manager

2.1. Nghiên cứu thị trường, “đọc vị” người dùng và đối thủ cạnh tranh

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là châm ngôn mà các Giám đốc thương hiệu luôn tâm đắc và sử dụng như một vũ khí sắc bén trên chiến trường kinh doanh. Mr. Tony Dzung, CEO Trường Doanh Nhân HBR từng khẳng định: “Bước đầu tiên khi xây dựng thương hiệu là đầu tư nghiên cứu thị trường để có bức tranh toàn cảnh về các đối thủ cạnh tranh, sau đó phải xác định thị trường ngách”. 

Trước hết, Brand Manager phải biết cách đọc hiểu thương hiệu đối thủ để nhận biết thứ hạng của họ trong lòng khách hàng, xác định điểm mạnh và lợi dụng điểm yếu của họ để vươn lên trên thị trường. Để làm được điều này, Brand Manager cần khảo sát và phân tích toàn cảnh thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Thứ hai, Brand Manager cần đọc vị khách hàng để nắm bắt tâm lý và nhu cầu của họ. Một thương hiệu thành công là một thương hiệu chiếm được lòng tin và tình cảm yêu mến của người tiêu dùng. Vì vậy, Brand Manager cần phân loại khách hàng theo từng phân khúc khác nhau, sau đó lấy ý kiến khảo sát để kịp thời nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của họ. 

Cuối cùng, Brand Manager phải là người hiểu rõ nhất thương hiệu của mình để xác định hướng đi đúng đắn. Theo đó, Brand Manager phải nắm vững các yếu tố cốt lõi như khách hàng mục tiêu, nhà cung cấp, nhà phân phối, điểm mạnh và điểm yếu so với các đối thủ cạnh tranh. 

XEM THÊM: PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG ĐÚNG ĐỂ KINH DOANH ĐÚNG HƯỚNG, HIỆU QUẢ

2.2. Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu

Sau khi nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cũng như người tiêu dùng, nhiệm vụ của Brand Manager là xây dựng chiến lược chi tiết để định vị thương hiệu. Quá trình này liên quan đến việc xác định những giá trị mà thương hiệu sẽ mang đến cho khách hàng. Những giá trị này được khái quát bằng mô hình 6Ps - kim chỉ nam của thương hiệu.

 

Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu
Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu

Mô hình 6Ps bao gồm 6 yếu tố dưới đây:

  • Proposition - “Lời hứa”: Proposition được hiểu là lời hứa của thương hiệu đối với khách hàng. Nói cách khác, đây là cách thương hiệu tiếp cận tâm trí của người tiêu dùng. Một thương hiệu uy tín là thương hiệu thể hiện đúng những giá trị mà người tiêu dùng mong muốn và yêu thích 
  • Product - “Chất lượng là giá trị cốt lõi”: Bất kể độ nổi tiếng của thương hiệu ra sao, giá trị cốt lõi mà người tiêu dùng quan tâm là chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, muốn tạo dựng thương hiệu thành công, trước hết phải đảm bảo chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm 
  • Place - “Điểm bán lý tưởng”: Không chỉ là nơi buôn bán sản phẩm đơn thuần, đây là một không gian kết hợp tất cả các hoạt động tri ân và ưu đãi, tạo ấn tượng tốt khiến khách hàng ghi nhớ về sản phẩm và thúc đẩy quá trình mua sắm
  • Price - “Đáng đồng tiền bát gạo”: Đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị và thu hút lưu lượng khách hàng cho thương hiệu
  • Packaging - “Tốt gỗ, tốt cả nước sơn”: Bên cạnh chất lượng sản phẩm, bao bì là một yếu tố quan trọng không kém bởi nó quyết định ấn tượng thị giác của khách hàng. Một thiết kế bao bì độc đáo và có tính ứng dụng cao sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng lãng quên sản phẩm nếu nó được thiết kế nhạt nhoà, không có dấu ấn nổi bật
  • Promotion - “Người kể chuyện” cho thương hiệu: Hãy tiếp cận người tiêu dùng một cách thông minh và khéo léo bằng cách kết hợp các phương tiện truyền thông để lan tỏa thông điệp một cách hiệu quả

XEM THÊM: TOP 9 CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU ĐỈNH CAO TẠO DỰNG TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

2.3. Xây dựng chiến lược, kế hoạch quản trị thương hiệu

Công việc tiếp theo của Brand Manager là xây dựng chiến lược và kế hoạch quản trị thương hiệu. Để xây dựng một chiến lược hiệu quả, Brand Manager cần lập ra kế hoạch quản trị thương hiệu ngắn hạn và dài hạn và đảm bảo rằng các kế hoạch này có thể bổ trợ lẫn nhau theo một định hướng phát triển thống nhất. Một chiến lược hiệu quả không chỉ là một kế hoạch độc đáo và khác biệt mà còn giữ được bản chất cốt lõi của thương hiệu, đó là sứ mệnh, tầm nhìn, và mục tiêu chung của doanh nghiệp.

2.4. Xây dựng, triển khai và đánh giá kế hoạch truyền thông

Phát triển thương hiệu, truyền thông và Marketing là ba trụ cột không thể tách rời. Phải khẳng định rằng, trong nỗ lực xây dựng danh tiếng và sức ảnh hưởng của thương hiệu, không thể thiếu sự hiện diện của truyền thông. 

Trên cơ sở kế hoạch ngắn hạn và dài hạn đã đề ra, Brand Manager có nhiệm vụ trao đổi với các phòng ban liên quan để triển khai thành các chiến dịch truyền thông cụ thể. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như sử dụng phương tiện truyền thông quảng cáo, PR, tiếp thị trực tuyến và sự kiện để tạo hiệu ứng lan truyền thông điệp của thương hiệu. Từ đó, Brand Manager sẽ quản lý các chiến dịch truyền thông thương hiệu bằng cách giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện và đo lường hiệu quả thông qua các chỉ số. 

Dựa trên kết quả đo lường, Brand Manager cần tiến hành điều chỉnh các kế hoạch tương lai hợp lý và hiệu quả hơn. Với Mr. Tony Dzung - CEO Trường Doanh Nhân HBR, nguyên tắc bất biến trong quản trị là “cái gì không đo lường được thì sẽ không cải tiến được”. 

Xây dựng, triển khai và đánh giá kế hoạch truyền thông
Xây dựng, triển khai và đánh giá kế hoạch truyền thông

XEM THÊM: THẾ NÀO LÀ TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU? 5 BƯỚC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU ĐỈNH CAO

2.5. Quản lý bộ phận thiết kế và sáng tạo

Mục đích của công việc quản lý bộ phận thiết kế và sáng tạo là đảm bảo tính nhất quán của thương hiệu. Tính nhất quán của thương hiệu không đồng nghĩa với sự đơn điệu và nhàm chán. Tính nhất quán nhằm góp phần tạo nên bộ phong cách đặc thù của thương hiệu, giúp phân biệt với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Bàn về sự khác biệt, Mr. Tony Dzung - CEO Trường Doanh Nhân HBR từng nói: “Những người biết cách xây dựng thương hiệu phải tập trung khiến sản phẩm của mình trở nên khác biệt hoá, đây là lý do chính khiến khách hàng xuống tiền mua sản phẩm. Sự khác biệt ấy chính là USP - lợi thế bán hàng độc nhất của doanh nghiệp. Nhờ USP mà doanh nghiệp có thể tạo ra đại dương xanh trong một đại dương đỏ”.  

Trên thực tế, nếu Brand Manager có khả năng truyền đạt thành công bộ phong cách thương hiệu đến nhóm thiết kế và sáng tạo, việc biến những ý tưởng trở thành hiện thực không phải là một thách thức lớn. Theo đó, thương hiệu cần thể hiện sự đột phá trong thiết kế logo, kiểu chữ, khẩu hiệu, hình ảnh đại diện, quy tắc phối màu cũng như tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những yếu tố trên đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thể hiện một cách chuyên nghiệp để đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

XEM THÊM: BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU GỒM NHỮNG GÌ? CÁCH XÂY DỰNG BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU ẤN TƯỢNG

2.6. Quản lý tài chính để điều chỉnh doanh thu phù hợp 

Bên cạnh quản lý bộ phận thiết kế và sáng tạo, quản lý tài chính cũng là một phần công việc của Brand Manager. Cụ thể, Brand Manager có trách nhiệm quản lý ngân sách và chi tiêu cho các hoạt động quản trị thương hiệu để kịp thời dự đoán và điều chỉnh doanh thu phù hợp. Không chỉ thiết lập các KPI liên quan đến mức độ nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng, Brand Manager còn phải đánh giá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp theo từng tháng, từng năm.

Ví dụ, Brand Manager phải điều phối ngân sách một cách thông minh để đảm bảo các hoạt động truyền thông được triển khai trong giới hạn tài chính cho phép. Như vậy, không những đảm bảo hiệu quả truyền thông mà còn tối ưu hóa ngân sách cho doanh nghiệp.

Quản lý tài chính để điều chỉnh doanh thu phù hợp
Quản lý tài chính để điều chỉnh doanh thu phù hợp

3. Brand Manager yêu cầu những kỹ năng gì?

Để trở thành một Brand Manager xuất sắc, người quản lý phải rèn luyện và tích luỹ bảy kỹ năng cần thiết sau đây:

Những kỹ năng cần có của Brand Manager
Những kỹ năng cần có của Brand Manager

3.1. Kỹ năng “đọc vị” khách hàng

“Đọc vị” khách hàng đồng nghĩa với khả năng thấu hiểu và nắm bắt tâm lý của họ. Tâm lý khách hàng bao gồm cảm xúc, niềm tin, nhu cầu và mong muốn của họ đối với thương hiệu. Thông qua việc nắm bắt tâm lý khách hàng, Brand Manager có thể nhận diện những yếu tố khiến thương hiệu trở nên hấp dẫn đối với họ. Đồng thời, xác định được những thay đổi phức tạp trong tâm lý và hành vi mua hàng. Trên cơ sở đó, Brand Manager sẽ hoạch định các chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy hình ảnh thương hiệu và tăng cường kết nối sâu sắc với khách hàng.

3.2. Am hiểu kiến thức Marketing

Về mặt kiến thức, Brand Manager bắt buộc phải nắm vững kiến thức chuyên môn liên quan đến lĩnh vực Marketing. Bởi lẽ, kiến thức Marketing là nền tảng công việc của Brand Manager. Nắm vững kiến thức Marketing sẽ giúp Brand Manager thông thạo các nguyên tắc, quy trình, công cụ và chiến lược Marketing, từ đó có khả năng xây dựng và triển khai những chiến lược thương hiệu xuất sắc. Đặc biệt, Brand Manager cần hiểu rõ về mô hình 6PS trong Marketing, bao gồm 6 yếu tố: định vị thương hiệu (Proposition), sản phẩm (Product), điểm bán (Place), giá cả (Price), bao bì (Packaging) và quảng cáo thương hiệu (Promotion). Ngoài ra, Brand Manager cần kết hợp những kinh nghiệm thực tế quý báu của cá nhân với kiến thức lý thuyết để hoạch định những chiến lược quản trị thương hiệu phù hợp. 

3.3. Thành thạo các nguyên tắc quản trị thương hiệu

Thành thạo các nguyên tắc quản trị thương hiệu và áp dụng linh hoạt trong thực tiễn là một kỹ năng quan trọng mà Brand Manager cần sở hữu. Một thương hiệu chỉ có thể đứng vững trong lòng khách hàng nếu nó phản ánh thành công giá trị và bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo nên tính nhất quán và khác biệt của thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, Brand Manager cần ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng sau đây:

  • Thương hiệu không đơn thuần là logo và cách kết hợp màu sắc. Thương hiệu là tập hợp những nhận thức và cảm xúc của khách hàng dành cho doanh nghiệp hay một sản phẩm, dịch vụ
  • Quản trị thương hiệu là một hành trình dài và gian nan, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ
  • Quản trị thương hiệu có thể tạo ra giá trị tiền tệ. Một thương hiệu mạnh mẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng doanh số và củng cố lòng trung thành từ phía khách hàng cũng như thu hút nhà đầu tư 
  • Quản trị thương hiệu đòi hỏi sự phối hợp thống nhất của toàn thể doanh nghiệp. Vì vậy, quá trình này yêu cầu các bộ phận phải có sự tuân thủ những nguyên tắc chung
Thành thạo các nguyên tắc quản trị thương hiệu
Thành thạo các nguyên tắc quản trị thương hiệu

XEM THÊM: BẬT MÍ CÁCH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU HIỆU QUẢ 

3.4. Kỹ năng biến các con số trở thành dữ liệu “biết nói”

Một Brand Manager chuyên nghiệp cần thành thạo kỹ năng nghiên cứu, phân tích và đo lường các chỉ số phức tạp liên quan đến mức độ hiệu quả của các chiến dịch quản trị thương hiệu. Kỹ năng này là công cụ hữu ích giúp Giám đốc thương hiệu vạch ra những chiến lược quản trị phù hợp. Đó là bởi với khả năng phân tích số liệu xuất sắc, Brand Manager sẽ có khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt dựa trên cơ sở thực tế thay vì căn cứ vào cảm tính và suy đoán chủ quan. 

3.5. Tư duy sáng tạo, đổi mới

Muốn thu hút và gây ấn tượng với khách hàng, thương hiệu cần sở hữu những đặc điểm khác biệt. Vì vậy, Brand Manager cần có tư duy sáng tạo và không ngừng đổi mới để đưa ra các ý tưởng độc đáo. Trên cơ sở đó, phát triển các chiến lược Marketing nắm bắt xu hướng mới và tổ chức các sự kiện hấp dẫn để thu hút nhóm khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, Brand Manager cũng cần đóng góp ý kiến trong quá trình phát triển sản phẩm, ví dụ như thiết kế bao bì, thiết kế logo và hình ảnh đại diện. 

3.6. Kỹ năng xử lý khủng hoảng và giải quyết vấn đề

Quản lý thương hiệu là một vị trí mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Trong quá trình làm việc, Brand Manager thường phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức liên quan đến chiến lược, định vị thương hiệu, quảng cáo, quản lý tài chính, cạnh tranh với các đối thủ. 

Do đó, Brand Manager cần có kỹ năng xử lý khủng hoảng để luôn giữ một cái đầu lạnh, một bộ óc tỉnh táo khi nhìn nhận và phân tích vấn đề. Từ đó, họ sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn và triển khai các giải pháp cần thiết để giải quyết vấn đề kịp thời, hiệu quả.

3.7. Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm hiệu quả

Kỹ năng lãnh là một yếu tố không thể thiếu nếu muốn trở thành một nhà quản lý thành công. Kỹ năng lãnh đạo giúp Brand Manager có tầm nhìn rõ ràng và sự điều phối, sắp xếp công việc giữa các thành viên một cách khoa học. Không chỉ đảm nhận vai trò điều phối công việc, Brand Manager cần biết cách truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, một người quản lý tài giỏi cũng cần có kỹ năng khuyến khích và thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhân viên nhằm nâng cao hiệu suất công việc. 

Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm hiệu quả
Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm hiệu quả

Về cơ bản, một nhà quản lý thương hiệu cần sở hữu cho mình rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Và thực trạng rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang loay hoay không biết làm thế nào để có thể tuyển dụng được người tài, không chỉ Brand Manager mà nhiều vị trí khác. Thấu hiểu nỗi đau này, Trường Doanh Nhân HBR đưa đến giải pháp TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ HIỆU QUẢ 4.0.

4. KPI công việc của Brand Manager là gì?

KPI công việc của Brand Manager bao gồm 3 yếu tố, đó là mức độ tương tác của các kênh bán hàng Online, độ nhận biết thương hiệu ở thị trường thực và chỉ số ROI.

KPI công việc của Brand Manager
KPI công việc của Brand Manager

4.1. Mức độ tương tác của các kênh bán hàng Online

Minh chứng đầu tiên cho hiệu quả làm việc của Brand Manager là mức độ tương tác trên các kênh bán hàng Online, qua đó phản ánh độ nhận diện thương hiệu ở thị trường trực tuyến. Các chỉ số về tương tác và lưu lượng trên các kênh truyền thông trực tuyến như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok, Website doanh nghiệp…hoặc các bài viết PR trên trên báo đài là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá sự thành công của hoạt động quản lý thương hiệu.

4.2. Độ nhận biết thương hiệu ở thị trường thực

KPI thứ hai đối với công việc Brand Manager là độ nhận biết thương hiệu ở thị trường thực. Ngoài lượt tương tác trên các kênh truyền thông trực tuyến, độ nhận biết thương hiệu còn được phản ánh qua sự quan tâm và thái độ của khách hàng đối với các ấn phẩm ngoài trời của thương hiệu, ví dụ như băng rôn, áp phích, video quảng cáo trong thang máy…Đây là các chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ nhận thức về thương hiệu trong công chúng. 

4.3. Chỉ số ROI

Chỉ số ROI là tỷ suất lợi nhuận/chi phí, dùng để đo lường mức độ hiệu quả của hoạt động đầu tư dựa trên phép so sánh giữa lợi nhuận thu về và chi phí bỏ ra. Như vậy, giá trị ROI tỷ lệ thuận với lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá trị ROI càng lớn, lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao. Đây là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả quản lý ngân sách của Brand Manager và mức độ hài lòng của khách hàng đối với thương hiệu. 

5. Những câu hỏi liên quan đến Brand Manager

Bên cạnh những câu hỏi xoay quanh công việc của Brand Manager, các yếu tố khác như thu nhập, ngành học và sự khác biệt so với Marketing Manager là vấn đề mà nhiều người quan tâm. 

5.1. Brand Manager có gì khác so với Marketing Manager?

Vị trí Brand Manager và Marketing Manager có thể được phân biệt theo những tiêu chí cơ bản sau:

Tiêu chí so sánh

Brand Manager

Marketing Manager

Nhiệm vụ

Quản trị thương hiệu

Thực hiện các chiến dịch Marketing

Mục đích

Phát triển mạnh mẽ hình ảnh thương hiệu, từ đó lôi kéo khách hàng trở thành thành “fan” trung thành của thương hiệu

Tìm kiếm và thôi thúc khách hàng đưa ra quyết định mua sản phẩm hay dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh số

Hoạt động

Tăng cường nhận thức về thương hiệu, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và định vị thương hiệu.

Lên kế hoạch, thực hiện và đo lường hiệu quả các chiến dịch Marketing. 

Quan hệ với đối tác

Tạo dựng và duy trì mối quan hệ với đối tác như nhà cung cấp và đại lý phân phối

Tạo dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác truyền thông như Agency truyền thông, báo chí,...

XEM THÊM: QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ? TẤT TẦN TẬT THÔNG TIN MARKETERS NÊN VIẾT

5.2. Mức lương triển vọng của Brand Manager là bao nhiêu?

Mức lương của vị trí Brand Manager phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là kinh nghiệm và hiệu quả làm việc. Theo số liệu khảo sát từ các kênh tuyển dụng uy tín tại Việt Nam như TopCV, Indeed, Vietnamwork, mức lương trung bình của Brand Manager tại Việt Nam năm 2024 là 55.000.000 đồng/tháng. Trên thực tế, vị trí Brand Manager có thu nhập dao động từ 30.000.000 đến 110.000.000 đồng/tháng. Trong thị trường việc làm hiện nay, đây được đánh giá là mức thu nhập hấp dẫn mà nhiều Brand Manager mơ ước. 

5.3. Học ngành gì để trở thành Brand Manager?

Vị trí Brand Manager đòi hỏi người quản lý phải được trang bị kiến thức đầy đủ về  Marketing, thương hiệu và kinh doanh. Vì vậy, để trở thành Brand Manager, các bạn có thể theo học các chuyên ngành như Marketing, Quản trị kinh doanh, Luật, Tài chính, Digital Marketing...

6. Kết luận

Bài viết trên đây của Trường Doanh Nhân HBR đã cung cấp những thông tin đầy đủ về khái niệm Brand Manager, những kỹ năng cần có và đặc thù công việc của Brand Manager. Hy vọng rằng, nếu bạn có ý định theo đuổi sự nghiệp Brand Manager hoặc muốn nâng cao hiệu quả quản trị thương hiệu nhưng chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, bài viết trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích. 

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger