TRƯỜNG DOANH NHÂN HBR - HBR BUSINESS SCHOOL ×

CÁCH TÍNH VÒNG QUAY HÀNG TỒN KHO VÀ CÁCH QUẢN LÝ KHO TỐI ƯU

Mục lục [Ẩn]

  • 1. Vòng quay hàng tồn kho là gì? Vì sao doanh nghiệp phải quan tâm hệ số này?
    • 1.1. Vòng quay hàng tồn kho là gì?
    • 1.2. Tìm hiểu ý nghĩa của hệ số vòng quay hàng tồn kho
    • 1.3. Ai sẽ quan tâm đến vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp?
  • 2. Cách tính vòng quay hàng tồn kho thế nào cho chuẩn?
    • 2.1. Công thức tính vòng quay hàng tồn kho cho doanh nghiệp
    • 2.2. Ví dụ cách tính vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp sản xuất
    • 2.3. Ví dụ cách tính vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp thương mại
  • 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số vòng quay hàng tồn kho
  • 4. Vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu là tốt?
  • 5. Phương pháp quản lý vòng quay hàng tồn kho hiệu quả doanh nghiệp nên biết
    • 5.1. Xác định ngưỡng tối đa và tối thiểu cho từng mặt hàng
    • 5.2. Thực hiện kiểm kê định kỳ các mặt hàng trong kho
    • 5.3. Đa dạng hóa mô hình kinh doanh
    • 5.4. Xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp trong ngành
    • 5.5. Xuất hàng theo nguyên tắc FIFO “Nhập trước - Xuất trước”
    • 5.6. Sử dụng công cụ, phần mềm quản lý kho hiệu quả

Vòng quay hàng tồn kho là một hệ số quan trọng trong các báo cáo tài chính, giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng vốn, khả năng thanh khoản và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong bài viết này Trường Doanh nhân HBR sẽ chia sẻ đến cách tính, ý nghĩa, các yếu tố tác động đến hệ số vòng quay và cách quản lý hàng tồn kho hiệu để giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động kinh doanh. 

1. Vòng quay hàng tồn kho là gì? Vì sao doanh nghiệp phải quan tâm hệ số này?

Trước khi tìm hiểu cách tính vòng quay của hàng tồn kho, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm và lý do doanh nghiệp quan tâm hệ số này.

1.1. Vòng quay hàng tồn kho là gì?

Vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover Ratio) là một hệ số quan trọng trong quản lý tài chính, phản ánh tốc độ luân chuyển hàng hóa trong kho của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (năm, quý, tháng - được gọi là kỳ). Hệ số này được tính bằng cách: Lấy giá vốn hàng bán (Cost of Goods Sold) chia cho giá trị hàng tồn kho bình quân (Average Inventory Value).

Khi xác định vòng quay của hàng tồn kho, doanh nghiệp thường quan tâm đến một hệ số kèm theo là Số ngày của một vòng quay (Days Inventory on Hand - DIO). Đây là hệ số phản ánh thời gian trung bình cần thiết để bán hết một lượng hàng tồn kho nhất định. DIO được xác định bằng cách: Lấy giá trị hàng tồn kho bình quân chi cho giá vốn hàng bán mỗi ngày.

Hệ sống vòng quay hàng tồn kho là gì
Hệ sống vòng quay hàng tồn kho là gì

1.2. Tìm hiểu ý nghĩa của hệ số vòng quay hàng tồn kho

Từ công thức tính số vòng quay của hàng tồn kho, có hai trường hợp thay đổi hệ số hàng tồn kho mà doanh nghiệp sẽ quan tâm:

  • Hệ số vòng quay tăng: điều này xảy ra khi doanh nghiệp đang bán hàng nhanh chóng hơn hoặc quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn. Tuy nhiên hệ số tăng cũng đến từ nguyên nhân số lượng hàng trong kho đang giảm mạnh, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt hàng hoá.
  • Hệ số vòng quay giảm: điều này xảy ra ở các ngành hàng có chu kỳ bán hàng dài hoặc do chính sách của doanh nghiệp chủ động giữ mức hàng tồn kho cao để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng. Tuy nhiên, hệ số giảm cũng có thể phản ánh tình hình kinh doanh kém phát triển, quản lý kho chưa hiệu quả.

Như vậy, hệ số vòng quay hàng tồn kho và số ngày của một vòng quay ​​phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đây là những lợi ích cụ thể khi theo dõi hệ số vòng quay của hàng tồn kho trong doanh nghiệp:

  • Đánh giá hiệu quả quản lý hàng tồn kho: hệ số vòng quay phản ánh tốc độ bán hàng giúp doanh nghiệp điều chỉnh lượng hàng hoá tồn kho, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và bán hàng nếu hàng hoá tồn nhiều.
  • Quản lý dòng tiền và khả năng thanh khoản: hệ số vòng quay thể hiện khả năng thu hồi vốn nhanh hay chậm của một doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp có thể điều chỉnh mức độ đầu tư phù hợp.
  • Dự báo và lập kế hoạch sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường: phân tích hệ số vòng quay cùng với số liệu hàng tồn kho thực tế giúp doanh nghiệp biết rõ khả năng đáp ứng hàng hoá đối với nhu cầu trên thị trường, kịp thời tăng sản xuất, tăng nhập hàng nếu nhận thấy khả năng cung ứng chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.
Theo dõi hệ số vòng quay giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh doanh
Theo dõi hệ số vòng quay giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh doanh

1.3. Ai sẽ quan tâm đến vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp?

Vòng quay hàng tồn kho là một chỉ số quan trọng đối với nhiều bên liên quan trong một doanh nghiệp, bao gồm:

  • Ban lãnh đạo doanh nghiệp: Sử dụng hệ số vòng quay hàng tồn kho để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý hàng tồn kho, đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
  • Nhà đầu tư, ngân hàng: Sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời, rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư hoặc cho vay vốn.
  • Khách hàng B2B: Sử dụng để đánh giá khả năng đáp ứng hàng hoá của một nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định.
  • Nhân viên bán hàng: Vòng quay hàng tồn kho có thể giúp nhân viên bán hàng hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và tập trung vào việc bán những sản phẩm có nhu cầu cao. Từ đó, các seller có thể gia tăng doanh số và cải thiện dịch vụ khách hàng.

2. Cách tính vòng quay hàng tồn kho thế nào cho chuẩn?

Tìm hiểu cách tính hệ số vòng quay của hàng tồn kho ở các doanh nghiệp sản xuất và thương mại cùng các ví dụ chi tiết.

2.1. Công thức tính vòng quay hàng tồn kho cho doanh nghiệp

Các chỉ số cần quan tâm:

  • Hệ số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Bình quân giá trị hàng tồn kho
  • Bình quân giá trị hàng tồn kho = (Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ) / 2
  • Số ngày của 1 vòng quay = Số ngày của kỳ kế toán / Hệ số vòng quay
Các bước tính hệ số vòng quay cho các mặt hàng tồn kho
Các bước tính hệ số vòng quay cho các mặt hàng tồn kho

Bước 1: Xác định đối tượng hàng tồn kho và thời gian muốn tính hệ số vòng quay.

  • Doanh nghiệp nên xác định rõ các đối tượng hàng tồn kho và phân loại chi tiết theo mã hàng, theo nhóm hàng để có thể dễ dàng theo dõi và kiểm soát khi quản lý kho.
  • Thời gian muốn tính hệ số vòng quay, gọi là kỳ có thể được tính theo tháng, quý, năm. Thông thường các doanh nghiệp sản xuất sẽ tính theo quý, năm. Còn các doanh nghiệp thương mại, bán lẻ sẽ tính hệ số vòng quay theo tháng.

Bước 2: Thu thập đầy đủ các thông tin về Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ, Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ, Giá vốn hàng bán.

Bước 3: Đưa lần lượt các chỉ số vào công thức để tính Bình quân giá trị hàng tồn kho => Hệ số vòng quay của hàng tồn kho => Số ngày của 1 vòng quay

2.2. Ví dụ cách tính vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp sản xuất

Doanh nghiệp X sản xuất sản phẩm may mặc có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán cuối kỳ năm 2023 như sau (đơn vị: tỷ đồng)

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023

(đơn vị: triệu đồng)

1. Doanh thu bán hàng 

20.000

2. Các khoản giảm trừ doanh thu

5.000

3. Doanh thu thuần bán hàng

18.500

4. Giá vốn hàng bán

16.000

BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

Ngày 31/12/2023

Số cuối kỳ

Số đầu kỳ (CK)

Hàng tồn kho

5360

2622

Từ hai bảng thông tin trên có thể tính toán được như sau:

  • Giá trị hàng tồn kho bình quân = (536 + 2622) / 2 = 3991
  • Hệ số vòng quay của hàng tồn kho = 16000 / 3991 = 4,01 vòng/ năm
  • Số ngày một vòng quay = 365 / 1,81 = 91,02 ngày

Như vậy, hàng tồn kho của doanh nghiệp X năm 2023 luân chuyển 4,01 vòng mỗi năm và trung bình khoảng 91,02 ngày thì công ty hoàn thành một chu ký mua nguyên vật liệu và bán được hàng.

>>> XEM THÊM: CÁCH XỬ LÝ HÀNG TỒN KHO HIỆU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP DÀI HẠN CHO DOANH NGHIỆP

2.3. Ví dụ cách tính vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp thương mại

Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, doanh nghiệp có thể sử dụng Giá trị xuất kho như giá vốn hàng bán để tính toán. 

Doanh nghiệp Y hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, bên dưới là Bảng nhập – xuất – tồn kho tháng 5/2024:

đơn vị: triệu đồng

Giá trị tồn đầu tháng

Giá trị nhập trong tháng

Giá trị xuất bán trong tháng

GT tồn cuối tháng

Mặt hàng A

3,65

2,5

4,1

2,05

  • Giá trị hàng tồn kho bình quân = (3,65 + 2,05) / 2 = 2,85
  • Hệ số vòng quay của mặt hàng A đang tồn kho = 4,1 / 2,85 = 1,44 vòng/ tháng
  • Số ngày một vòng quay = 30 / 1,44 = 20,83

Như vậy, mặt hàng A của công ty bán lẻ Y luân chuyển được 1,44 vòng mỗi tháng; trung bình mất 20, 83 ngày thi doanh nghiệp Y hoàn thành một chu kỳ nhập hàng và bán ra mặt hàng A.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số vòng quay hàng tồn kho

Có 7 yếu tố ảnh hưởng đến hệ số vòng quay hàng tồn kho mà doanh nghiệp phải quan tâm:

    • Lĩnh vực kinh doanh và loại hình sản phẩm: Sản phẩm doanh nghiệp kinh doanh thuộc nhóm tiêu dùng thiết yếu hay xa xỉ, giá trị vòng đời sản phẩm dài hay ngắn sẽ tác động đến khả năng kinh doanh trong kỳ, tác động đến hệ số vòng quay của hàng tồn kho. Ví dụ như kinh doanh hải sản tươi sống thì vòng quay ngắn hơn là kinh doanh thiết bị điện gia dụng.
    • Nhu cầu của khách hàng: Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến hệ số vòng quay. Nhu cầu của người tiêu dùng cao thì doanh nghiệp có khả năng bán hàng nhanh hơn, dẫn đến vòng quay cao hơn. Ngược lại, nhu cầu thấp sẽ khiến hàng tồn kho ứ đọng, dẫn đến vòng quay thấp hơn.
    • Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội: Sự tác động của các yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu khách hàng, khả năng phát triển của doanh nghiệp, tạo ra cơ hội hoặc rào cản trong kinh doanh, dẫn đến sự thay đổi của các biến số trong hệ số vòng quay.
    • Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp: Bao gồm các doanh nghiệp thiết lập chiến lược giá cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến bán hàng bằng các chiến lược tiếp thị và mở rộng kênh phân phối. Cách doanh nghiệp triển khai hoạt động bán hàng sẽ quyết định khả năng sản phẩm được bán nhanh hay chậm trong các kỳ kinh doanh.
  • Phương pháp quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp: Một số doanh nghiệp không có sự chặt chẽ trong quản lý kho hàng dẫn đến số liệu sai sót, làm hệ số vòng quay hàng tồn kho có khi tăng cao có khi giảm thấp; không phản ánh chính xác tình hình kinh doanh thực tế.
  • Chiều dài của kênh phân phối: Các doanh nghiệp sản xuất hoặc thương mại có nhà cung cấp ở xa (ví dụ hàng nhập khẩu, nguyên liệu khan hiếm, hàng hóa khai thác theo mùa) thì sẽ có xu hướng nhập hàng tồn kho nhiều. Do đó, hệ số vòng quay cùng sẽ thấp hơn.
  • Chính sách mua hàng của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chấp nhận trữ lượng hàng hoá nhiều để nhận được các ưu đãi cụ thể về giá nhập hàng, chiết khấu, quà tặng... nên làm tăng số ngày của một vòng quay của một số mặt hàng tồn kho.
Các yếu tố tác động đến hệ số vòng quay của các mặt hàng tồn kho
Các yếu tố tác động đến hệ số vòng quay của các mặt hàng tồn kho

4. Vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu là tốt?

Hệ số vòng quay của các mặt hàng tồn kho bao nhiêu là tốt hoặc xấu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề kinh doanh, mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Từ ví dụ ở phần 2 và phân tích các yếu tố ảnh hưởng ở phần 3 có thể thấy, hệ số vòng quay và số ngày của 1 vòng quay có sự khác biệt rất lớn giữa các mô hình kinh doanh sản xuất và thương mại.

Dưới đây là ước tính số vòng quay theo năm trung bình của các doanh nghiệp theo từng ngành nghề và loại hình sản phẩm:

  • Ngành bán lẻ có tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhanh, nên hệ số vòng quay hàng tồn kho cao hơn so với các ngành khác, thường dao động từ 4 - 6 lần/năm.
  • Ngành bán buôn có tốc độ tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào nhu cầu của các khách hàng bán lẻ. Số vòng quay của hàng tồn kho tối ưu cho ngành bán buôn thường dao động từ 3 - 5 lần/năm.
  • Ngành sản xuất tốc độ tiêu thụ sản phẩm chậm hơn so với ngành bán lẻ, do cần thời gian để sản xuất hàng hóa. Số vòng quay tối ưu cho ngành sản xuất thường dao động từ 2 - 4 lần/năm.
  • Các đại lý xe hơi cung cấp mặt hàng giá trị cao thì chỉ số vòng quay khá thấp, dao động 2 đến 3 vòng/ năm.
  • Các cửa hàng thời trang cung cấp mặt hàng tiêu dùng thường xuyên thì có chỉ số vòng trung bình sẽ nằm trong khoảng 4 - 5/ năm.
  • Các cửa hàng kinh doanh tạp hóa chuyên dòng sản phẩm thiết yếu thì hệ số sẽ thường khoảng 12 - 14 vòng/ năm.

Để xác định được hệ số vòng quay của các mặt hàng tồn kho bao nhiêu là tối ưu thì doanh nghiệp cần tiến hành các bước nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng cũng như cần có quá trình thử nghiệm thực tế và điều chỉnh lại sao cho hợp lý. 

Ví dụ vòng quay hàng tồn kho của các doanh nghiệp
Ví dụ vòng quay hàng tồn kho của các doanh nghiệp

5. Phương pháp quản lý vòng quay hàng tồn kho hiệu quả doanh nghiệp nên biết

Sau đây Trường Doanh nhân HBR sẽ chia sẻ đến quý doanh nghiệp 6 phương pháp hỗ trợ quản lý kho và hệ số vòng quay hiệu quả:

5.1. Xác định ngưỡng tối đa và tối thiểu cho từng mặt hàng

Việc xác định ngưỡng tối đa và tối thiểu cho từng mặt hàng giúp doanh nghiệp kiểm soát lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý. Từ đó, doanh nghiệp nâng cao được khả năng thanh khoản, dễ dàng thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư hợp lý. 

Nếu kiểm kê số lượng hàng hoá ở mức gần tối đa, doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng nhập hàng hoá để tránh tránh tình trạng tồn kho ứ đọng, lãng phí vốn. Buộc doanh nghiệp sau đó phải xử lý hàng tồn kho, thất thoát doanh thu. Ngược lại, khi hàng hoá ở mức chạm tối thiểu thì doanh nghiệp cần sản xuất, mua hàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.

Kiểm soát từng mặt hàng trong một ngưỡng an toàn giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ bị thiếu hụt hàng nếu nhà cung ứng gặp trục trặc, đảm bảo đủ nguồn hàng hoá cung cấp cho khách hàng, tránh tình trạng thiếu hụt hàng làm thị phần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh.

Xác định mức hàng hóa tối đa  - tối thiểu để kiểm soát lượng hàng tồn kho phù hợp
Xác định mức hàng hóa tối đa  - tối thiểu để kiểm soát lượng hàng tồn kho phù hợp

Ví dụ: Cơ sở sản xuất túi xách A quy định ngưỡng tồn kho của từng mặt hàng như sau:

  • Da thuộc: 50m2 - 150m2 đảm bảo đủ sản xuất cho 1 - 2 tháng.
  • Phụ kiện (khóa, dây kéo, móc...): 50 - 150 sản phẩm, đủ dùng 1 - 2 tháng.
  • Keo dán công nghiệp: 2000 - 5000 lọ, đủ dùng cho 6 tháng - 1 năm.

Như vậy mức nhập hàng của cơ sở này sẽ đảm bảo cho việc sản xuất trong một thời gian nhất định, tuy nhiên số lượng nhập mỗi loại khác nhau. Loại da thuộc làm túi có thể cần thay đổi nhanh theo xu hướng thời trang; các phụ kiện rất dễ mua và dễ bị hư hại nên không cần nhập nhiều; trong khi keo dán công nghiệp là phụ liệu cần thiết và dễ bảo quản doanh nghiệp mua nhiều để có giá nhập hàng ưu đãi hơn.

5.2. Thực hiện kiểm kê định kỳ các mặt hàng trong kho

Kiểm kê hàng hóa giúp doanh nghiệp xác định số lượng hàng hóa thực tế có trong kho tại một thời điểm nhất định, phát hiện sớm các sai sót, thất thoát hoặc tồn kho ứ đọng nếu có và lên phương án giải quyết kịp thời.

Dựa trên kết quả kiểm kê, doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý hàng tồn kho, bao gồm tốc độ quay vòng hàng tồn kho, chi phí lưu kho, chi phí bảo quản, chất lượng bảo quản, mức độ hao hụt hàng hóa... Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định những điểm yếu trong hoạt động quản lý hàng tồn kho và đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp.

Doanh nghiệp nên kiểm tra hàng hoá theo kỳ kế toán, ví dụ theo từng tháng, theo từng quý. Tuy nhiên với kỳ theo năm kéo dài thì doanh nghiệp có thể chia thành 2 lần kiểm kê mỗi 6 tháng để đảm bảo số liệu thực tế và phát hiện các trường hợp hàng hoá cần ưu tiên xử lý như hàng hoá sắp lỗi thời, hàng hoá gần ngày hạn sử dụng…

Kiểm kê định kỳ để cập nhật chính xác các số liệu
Kiểm kê định kỳ để cập nhật chính xác các số liệu

5.3. Đa dạng hóa mô hình kinh doanh

Doanh thu bán hàng trong mỗi kỳ có tác động trực tiếp lên hệ số vòng quay hàng tồn kho. Doanh thu bán hàng càng cao, hàng hóa được bán ra càng nhanh, dẫn đến tốc độ quay vòng hàng tồn kho càng cao. Ngược lại, doanh thu bán hàng thấp, hàng hóa bán ra chậm, dẫn đến tốc độ quay vòng hàng tồn kho thấp. Do đó, nâng cao hiệu quả kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chỉ số này.

Khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào một kênh bán hàng, rủi ro kinh doanh sẽ cao hơn. Ví dụ doanh nghiệp chỉ bán trực tiếp tại một cửa hàng, trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa ngừng kinh doanh thời gian dài, hàng hoá ứ đọng trong kho và có nguy cơ phá sản. 

Đa dạng hóa mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bằng cách tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Đồng thời, kinh doanh đa kênh mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới, thu hút nhiều khách hàng mới và mở rộng cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán hàng nhiều kênh sẽ tận dụng tốt hơn các nguồn lực sẵn có, như nhân viên, nhà xưởng, kho bãi,...

Ví dụ như doanh nghiệp kinh doanh Thực phẩm chay có thể vừa bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng qua chuỗi cửa hàng, vừa phân phối vào các siêu thị Coopmart, Big C; đồng thời mở gian hàng bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tik Tok Shop.

Mở rộng kênh kinh doanh để tăng doanh thu bán hàng
Mở rộng kênh kinh doanh để tăng doanh thu bán hàng

5.4. Xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp trong ngành

Nguồn hàng hoá ổn định sẽ duy trì hệ số vòng quay hàng tồn kho ổn định. Do đó, việc xây dựng các mối quan hệ tốt với nhà cung cấp sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh. Trong một số trường hợp hàng hóa khan hiếm, doanh nghiệp cũng có thể tìm được các đơn vị cung cấp khác nhau để nhập thêm hàng hoặc vay mượn tạm thời để đáp ứng các nhu cầu cho khách hàng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ với các đối tác cung cấp uy tín sẽ kiểm soát chất lượng hàng hóa từ đầu vào tốt hơn, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hàng hóa chất lượng sẽ giảm nguy cơ hư hỏng trong quá trình bảo quản, doanh nghiệp có thể nhập nhiều hàng để được giá ưu đãi mà vẫn an tâm về chất lượng. Khi đó dù chỉ số vòng quay của hàng hoá tồn kho trong kỳ thấp nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn được đảm bảo.

Xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp
Xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp

5.5. Xuất hàng theo nguyên tắc FIFO “Nhập trước - Xuất trước”

Theo nguyên tắc xuất hàng này, những sản phẩm được nhập kho trước sẽ được xuất kho trước, giúp doanh nghiệp tránh tình trạng bán những sản phẩm cũ, có thể bị lỗi thời, hư hỏng hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc lưu trữ hàng hóa trong kho sẽ được đảm bảo tối ưu hơn.

Hàng hóa lưu thông nhanh chóng sẽ giảm thiểu thời gian hàng hóa lưu kho. Tốc độ quay vòng hàng tồn kho cao giúp doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả, giảm chi phí lưu kho và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, tốc độ quay vòng hàng tồn kho cao cũng sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với những thay đổi của thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng.

Lưu ý, đây là nguyên tắc về xuất hàng hoá, không liên quan đến nguyên tắc định giá hàng hóa trong kế toán. Việc doanh nghiệp tính giá hàng xuất trong kế toán theo phương pháp nhập trước - xuất trước; nhập sau - xuất trước hay bình quân là do chính sách của doanh nghiệp, không liên quan đến việc xuất hàng để tối ưu vòng quay hàng tồn kho.

Nguyên tắc xuất hàng này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá như nhà hàng, quán cafe, các loại thực phẩm, mỹ phẩm và các mặt hàng thời trang có tính chạy theo xu hướng thị trường. 

Nên ưu tiên xuất hàng hoá nhập kho sớm
Nên ưu tiên xuất hàng hoá nhập kho sớm

5.6. Sử dụng công cụ, phần mềm quản lý kho hiệu quả

Để tối ưu hoạt động quản lý kho hàng và theo dõi chỉ số vòng quay hiệu quả, doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ, phần mềm. 

Công cụ quản lý kho giúp doanh nghiệp tự động hóa nhiều quy trình quản lý hàng tồn kho, như: nhập kho, xuất kho, theo dõi số lượng hàng tồn kho,... và cung cấp báo cáo một cách chính xác. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định mức độ tồn kho của các mặt hàng, đối chiếu với ngưỡng tối thiểu - tối đa để có phương án giải quyết kịp thời.

Một số công cụ quản lý kho phổ biến hiện nay mà doanh nghiệp có thể tham khảo:

  • Salework: Phần mềm quản lý hàng tồn kho đa sàn thương mại điện tử.
  • Sapo POS: Công cụ quản lý kho hiệu quả cho các chủ cửa hàng bán lẻ và chuỗi cửa hàng.
  • MISA SME.NET: Phần mềm có chức năng quản lý phiếu xuất kho kiêm vận chuyển và quản lý vật tư hàng hóa theo nhóm, theo chủng loại…
  • KiotViet: Phù hợp cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhiều mô hình kinh doanh khác nhau với mức phí phải chăng.
  • Upserve: Một phần mềm quản lý kho hiệu quả dành cho các các nhà hàng, quán ăn.
  • FOSO ERP: Được ứng dụng nhiều tại các doanh nghiệp dệt may, với các chức năng quản lý kho phụ liệu - nguyên liệu, quản lý bán hàng, quản lý khách hàng,..
  • Faceworks: Phần mềm chuyên về quản lý sản xuất cơ khí, giúp doanh nghiệp tính toán chi phí, xác định mức sản xuất và giá thành sản phẩm.
  • carCRM: Phần mềm quản lý kho dành riêng cho các cơ sở kinh doanh ô tô cho phép doanh nghiệp kiểm kê các mặt hàng, nguyên liệu, phụ tùng…
Sử dụng công cụ để tối ưu quản lý kho
Sử dụng công cụ để tối ưu quản lý kho

Như vậy, Trường Doanh nhân HBR đã chia sẻ đến quý doanh nghiệp những nội dung quan trọng về vòng quay hàng tồn kho, ý nghĩa hệ số, cách tính chi tiết và các yếu tố ảnh hưởng. Hy vọng các thông tin trên cùng những phương pháp mà chúng tôi đã gợi ý sẽ giúp quý doanh nghiệp có thể tối ưu hiệu quả quản lý kho và các chỉ số về vòng quay của hàng tồn kho.

Thông tin tác giả

Trường doanh nhân HBR ra đời với sứ mệnh là cầu nối truyền cảm hứng và mang cơ hội học tập từ các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế, cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất về lãnh đạo và quản trị từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Wharton, Harvard, MIT Sloan, INSEAD, NUS, SMU… Nhờ vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi ra biển lớn, tạo nên con đường ngắn nhất và nhanh nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger