TRƯỜNG DOANH NHÂN HBR - HBR BUSINESS SCHOOL ×

ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM LÀ GÌ? TOP 4 CHIẾN LƯỢC CẦN BIẾT

Mục lục [Ẩn]

  • 1. Đa dạng hoá sản phẩm là gì?
  • 2. Top 4 chiến lược đa dạng hoá sản phẩm tối ưu nhất 
    • 2.1. Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm (Concentric diversification)
    • 2.2. Chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang (Horizontal Diversification)
    • 2.3. Chiến lược đa dạng hóa tập đoàn (Conglomerate Diversification)
    • 2.4. Chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc (Vertical Diversification)
  • 3. Một số phương pháp giúp đa dạng hoá sản phẩm hiệu quả
    • 3.1. Thay đổi tên sản phẩm
    • 3.2. Điều chỉnh bao bì
    • 3.3. Định giá lại sản phẩm
    • 3.4. Thay đổi kích cỡ sản phẩm
    • 3.5. Mở rộng thương hiệu
    • 3.6. Mở rộng sản phẩm
  • 4. Ý nghĩa của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm
  • 5. Phương pháp đo lường hiệu quả của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm
  • 6. Một số lưu ý khi triển khai chiến lược đa dạng hoá sản phẩm

Chiến lược đa dạng hoá sản phẩm được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh nhằm mở rộng thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng doanh thu. Trong bài viết dưới đây, Trường Doanh Nhân HBR sẽ bật mí top 4 chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vượt trội mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. 

1. Đa dạng hoá sản phẩm là gì?

Đa dạng hóa sản phẩm (Product diversification) là một chiến lược kinh doanh trong đó doanh nghiệp sẽ mở rộng dòng sản phẩm của mình bằng cách giới thiệu các sản phẩm mới hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có.

Mục tiêu của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm là mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro kinh doanh và gia tăng doanh thu.

Đa dạng hoá sản phẩm là gì
Đa dạng hoá sản phẩm là gì

2. Top 4 chiến lược đa dạng hoá sản phẩm tối ưu nhất 

Hiện nay, có 4 loại chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thường được các doanh nghiệp sử dụng, đó là chiến lược đa dạng hóa đồng tâm, chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc, chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang và chiến lược đa dạng hóa tập đoàn. Tuỳ thuộc vào quy mô và mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn chiến lược đa dạng hoá sản phẩm phù hợp. 

2.1. Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm (Concentric diversification)

Đa dạng hóa đồng tâm (Concentric diversification) là chiến lược mở rộng sản phẩm của doanh nghiệp bằng cách bổ sung các sản phẩm mới có liên quan chặt chẽ đến sản phẩm hiện tại (về mặt công nghệ, tính năng, tiếp thị, mục tiêu khách hàng,…). Do đó, chiến lược đa dạng hóa đồng tâm còn được gọi là chiến lược đa dạng hoá có liên quan.

Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm cho phép doanh nghiệp tham gia vào những lĩnh vực hoạt động mới có liên quan đến hoạt động hiện tại về mặt công nghệ, marketing, sản xuất, quản lý vật tư, kênh phân phối…

Đặc trưng của chiến lược đa dạng hóa đồng tâm là nỗ lực bổ sung các sản phẩm mới vào lĩnh vực hoạt động hiện tại của doanh nghiệp trong khi vẫn tập trung vào các sản phẩm cốt lõi. Vì vậy, nó không làm thay đổi chiến lược đầu tư ban đầu. Ngược lại, nó cho phép doanh nghiệp tận dụng các lợi thế hiện có như cơ sở khách hàng, mức độ nhận diện thương hiệu, kênh phân phối và nguồn lực khác để thâm nhập thị trường mới. 

Do vậy, chìa khóa để thực hiện thành công chiến lược đa dạng hóa đồng tâm là tận dụng từng chút một các lợi thế có sẵn của doanh nghiệp.

Theo đó, các sản phẩm mới được phát triển trong chiến lược đa dạng hóa đồng tâm thường có các đặc điểm sau:

  • Sản phẩm mới có liên quan chặt chẽ tới sản phẩm hiện tại, vì vậy không khác biệt hoàn toàn mà chỉ khác biệt đôi chút so với sản phẩm hiện tại 
  • Sản phẩm mới sử dụng công nghệ tương tự đã được áp dụng trong các sản phẩm hiện có hoặc sử dụng công nghệ mới
  • Sản phẩm mới có thể phục vụ thị trường hiện tại (thị trường mà doanh nghiệp đã hướng đến với các sản phẩm hiện tại) và các thị trường mới 
  • Sản phẩm mới giải quyết các nhu cầu, mong muốn hoặc vấn đề của khách hàng hiện tại, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa mối quan hệ và sự hiểu biết về khách hàng
  • Cách phân phối sản phẩm mới tương tự như cách phân phối các sản phẩm hiện tại

Các trường hợp có thể áp dụng chiến lược đa dạng hóa đồng tâm:

  • Sản phẩm hiện tại của doanh nghiệp đã lỗi thời, chậm phát triển hoặc đang có dấu hiệu suy thoái
  • Khi doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi kinh doanh
  • Khi doanh nghiệp mong muốn lấp đầy khoảng trống nào đó của thị trường

Đánh giá ưu điểm và rủi ro khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa đồng tâm:

Ưu điểm: 

  • Cho phép doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi thế hiện có, đồng thời không cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh ban đầu, vì vậy hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất
  • Cho phép doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới, mang lại nguồn thu nhập bổ sung và tăng lợi nhuận tổng thể cho doanh nghiệp

Rủi ro:

  • Nếu chất lượng sản phẩm mới kém hơn sản phẩm cũ, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm cũ vì khách hàng đang xếp chúng vào một dòng 
  • Mặc dù liên quan đến sản phẩm cũ nhưng sản phẩm mới vẫn phải có những điểm khác biệt rõ rệt, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực đáng kể để nghiên cứu và nâng cao chất lượng sản phẩm 

Samsung là một ví dụ điển hình của chiến lược đa dạng hóa đồng tâm. Từ hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử như tivi và điện thoại thông minh, Samsung đã mở rộng sang lĩnh vực liên quan là sản xuất các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí. Bằng cách đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, Samsung có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng, nắm bắt thêm thị phần và gia tăng doanh số bán hàng. 

Vinamilk cũng là một ví dụ thành công khác của chiến lược đa dạng hóa đồng tâm. Từ hai dòng sản phẩm cốt lõi là sữa bột và sữa nước, Vinamilk đã phát triển thành công các dòng sản phẩm khác được chế biến từ sữa. Đó là sữa đặc, sữa chua, phô mai, kem. Vinamilk đã đạt được thành công lớn khi hầu hết các dòng sản phẩm của thương hiệu này đều thống lĩnh thị trường. Cụ thể, Vinamilk đang nắm giữ 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua và 50% thị phần sữa tươi. 

Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm
Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm

>>> XEM THÊM: 8 BƯỚC NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM ĐỂ CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG

2.2. Chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang (Horizontal Diversification)

Đa dạng hóa theo chiều ngang (Horizontal Diversification) là chiến lược thu hút thị trường hiện tại bằng cách bổ sung các sản phẩm mới, không liên quan đến sản phẩm hiện có nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng hiện tại. 

Đa dạng hóa theo chiều ngang hoạt động bằng cách xác định một nhu cầu mới của tệp khách hàng hiện tại, sau đó cố gắng đáp ứng nhu cầu đó bằng một sản phẩm chưa từng xuất hiện trước đây. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện khảo sát, phỏng vấn khách hàng hiện tại để phân tích thói quen và hành vi mua hàng của họ. Từ đó, xác định chính xác nhu cầu của khách hàng để phát triển sản phẩm mới phù hợp hoặc mua lại sản phẩm của thương hiệu khác. 

Các trường hợp có thể áp dụng chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang:

  • Doanh thu tăng lên khi bổ sung thêm các sản phẩm mới
  • Khi doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực có mức độ cạnh tranh cao hoặc lĩnh vực không có sự tăng trưởng
  • Kênh phân phối hiện tại có khả năng đưa các sản phẩm mới đến nhóm khách hàng hiện tại
  • Sản phẩm mới cạnh tranh với sản phẩm hiện tại

Đánh giá ưu điểm và rủi ro khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa đồng tâm:

Ưu điểm:

  • Sự quen thuộc với tệp khách hàng ở thị trường hiện tại giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng, thêm tự tin khi phát triển các sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu của họ
  • Giảm thiểu rủi ro khi doanh nghiệp không phải thâm nhập một thị trường hoàn toàn xa lạ
  • Giúp thu hút khách hàng hiện tại bằng cách cung cấp đa dạng các sản phẩm, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận

Rủi ro:

  • Việc cung cấp nhiều sản phẩm mới có thể khiến doanh nghiệp giảm tập trung vào các sản phẩm cốt lõi, khiến sản phẩm cốt lõi bị suy yếu 
  • Phát triển nhiều sản phẩm mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí và nguồn lực lớn, trong khi các sản phẩm này chưa chắc được khách hàng đón nhận

Trở lại với Vinamilk, khi theo đuổi chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang, công ty đã mở rộng sang thị trường nước giải khát để phục vụ nhu cầu của tệp khách hàng hiện tại. Theo đó, bên cạnh các dòng sản phẩm liên quan đến sữa, Vinamilk đã phát triển thêm nước trái cây V-fresh, trà V-fresh, nước tinh khiết, nước dừa tươi và nước chanh muối. Với dòng sản phẩm sữa, Vinamilk đã bổ sung thêm hai sản phẩm mới không liên quan đến sữa bò, đó là sữa đậu nành và sữa hạt. Kết quả là chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang đã giúp Vinamilk chiếm 39% thị trường tổng thể và nâng cao doanh số bán hàng một cách đáng kể. 

Chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang
Chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang

>>> XEM THÊM: CẢI TIẾN SẢN PHẨM: KHI NÀO NÊN BẮT ĐẦU VÀ 6 BƯỚC CẢI TIẾN CHI TIẾT

2.3. Chiến lược đa dạng hóa tập đoàn (Conglomerate Diversification)

Tại sao doanh nghiệp không được phụ thuộc vào một sản phẩm? | Mr. Tony Dzung

Đa dạng hóa tập đoàn (Conglomerate Diversification) là chiến lược bổ sung các sản phẩm hoàn toàn mới, không liên quan đến các dòng sản phẩm hiện có của doanh nghiệp, đồng thời nhắm mục tiêu đến các thị trường mới. "Tập đoàn" ở đây về cơ bản có nghĩa là "nhiều thứ khác nhau". 

Như vậy, nếu chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang nhắm vào khách hàng ở thị trường hiện tại thì chiến lược đa dạng hóa tập đoàn hướng đến các nhóm khách hàng ở những thị trường mới.

Không giống như chiến lược đa dạng hóa đồng tâm (thâm nhập vào các thị trường có liên quan), chiến lược đa dạng hóa tập đoàn phân nhánh sang các lĩnh vực và thị trường hoàn toàn khác nhau. 

Các trường hợp có thể áp dụng chiến lược đa dạng hóa tập đoàn:

  • Khi thị trường hiện tại đã bão hòa hoặc có tốc độ tăng trưởng chậm, đòi hỏi doanh nghiệp phải mở rộng sang các thị trường mới
  • Khi doanh nghiệp có nguồn lực dư thừa, đòi hỏi phải đa dạng hoá để tận dụng tối đa nguồn lực

Đánh giá ưu điểm và rủi ro khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa đồng tâm:

Ưu điểm:

  • Cho phép doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường tiềm năng mới, đồng thời phân tán rủi ro trên nhiều ngành hàng khác nhau

Rủi ro:

  • Đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô và vốn đầu tư lớn, đồng thời phải có sự mạo hiểm 
  • Đa dạng hóa tập đoàn khiến hoạt động kinh doanh trở nên phức tạp hơn, khó quản lý hơn và làm tăng thách thức trong việc hợp tác giữa các nhóm
  • Đòi hỏi doanh nghiệp phải có các kỹ năng mới và cần điều chuyển nhân viên sang các vị trí khác nhau, điều này có thể gây ra sự không hài lòng và cạnh tranh nội bộ gay gắt

Tata Group - một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ là một ví dụ điển hình của chiến lược đa dạng hóa tập đoàn. Khởi đầu là một công ty sản xuất dệt may nhưng đến nay, Tata đã mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất hoàn toàn khác nhau. Hiện nay, Tata Group hoạt động trong đa dạng các lĩnh vực như ô tô (Tata Motors), thép (Tata Steel), công nghệ thông tin (Tata Consultant Services), viễn thông (Tata Communications), khách sạn (Taj Hotels) và nhiều ngành khác. Việc mở rộng sang các lĩnh vực hoàn toàn mới này đã giúp Tata trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Ấn Độ và trên thế giới. 

Chiến lược đa dạng hóa tập đoàn
Chiến lược đa dạng hóa tập đoàn

>>> XEM THÊM: TOP 4 CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ SẢN PHẨM ĐỈNH CAO CHO DOANH NGHIỆP

2.4. Chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc (Vertical Diversification)

Đa dạng hóa theo chiều dọc (Vertical Diversification) là chiến lược mở rộng theo hướng thụt lùi hoặc tiến lên dọc theo chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Chiến lược này cho phép doanh nghiệp kiểm soát nhiều hơn một giai đoạn trong chuỗi cung ứng, ví dụ như mua lại nhà cung cấp hoặc nhà bán lẻ. 

Trong chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc, toàn bộ mạng lưới kinh doanh, từ việc mua nguyên vật liệu thô đến hoạt động bán thành phẩm có thể được hợp nhất trong cùng một công ty mẹ. Qua đó, nó giúp đơn giản hóa hoạt động sản xuất vì có ít bên tham gia hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các công ty khác.

Đa dạng hóa theo chiều dọc có thể được phân thành hai loại:

  • Hợp nhất thụt lùi (Backward integration): Lùi lại trong chuỗi cung ứng bằng cách mua nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu thô
  • Hợp nhất tiến lên (Forward integration): Tiến lên trong chuỗi cung ứng bằng cách mở cửa hàng để bán sản phẩm trực tiếp hoặc mua lại một cửa hàng hiện tại đang đảm nhận công việc này

Các trường hợp có thể áp dụng chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc:

  • Khi doanh nghiệp muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường
  • Khi doanh nghiệp muốn cắt giảm chi phí kinh doanh
  • Khi doanh nghiệp muốn kiểm soát chuỗi cung ứng

Đánh giá ưu điểm và rủi ro khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa đồng tâm:

Ưu điểm:

  • Giúp giảm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba trong chuỗi cung ứng
  • Chuỗi cung ứng vận hành trơn tru, suôn sẻ hơn và doanh nghiệp có thể đạt được lợi nhuận từ cả phía thượng nguồn và hạ nguồn
  • Giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát được những công nghệ bổ sung

Nhược điểm:

  • Rủi ro cao nếu thị trường mục tiêu không ổn định, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Nếu thị trường suy thoái, nhà máy sản xuất đắt tiền cũng trở nên vô dụng

Một ví dụ về đa dạng hóa theo chiều dọc là việc Apple đã tích hợp chuỗi cung ứng bằng cách tự sản xuất các phần cứng, chẳng hạn như bộ xử lý và màn hình của iPhone và iPad. Sự tích hợp theo chiều dọc này cho phép Apple kiểm soát tốt hơn chất lượng, chi phí và thời gian sản xuất, đồng thời tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách cung cấp các tính năng độc quyền của sản phẩm. Ngoài ra, nó làm giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba và nâng cao khả năng đổi mới sản phẩm của Apple để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.

Chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc
Chiến lược đa dạng hóa theo chiều dọc

Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là không được phụ thuộc vào một sản phẩm, do đó việc đa dạng hoá sản phẩm là điều vô cùng cần thiết đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Tuy nhiên, việc đa dạng hoá sản phẩm liên quan trực tiếp đến mô hình kinh doanh hiện tại, vậy nên cần cải tiến mô hình kinh doanh song hành cùng sản phẩm.

Nắm bắt nhu cầu này, Trường Doanh Nhân HBR tổ chức chương trình XÂY DỰNG VÀ CẢI TIẾN MÔ HÌNH KINH DOANH giúp chủ doanh nghiệp triển khai hiệu quả chiến lược đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với mô hình kinh doanh.

XÂY DỰNG & CẢI TIẾN MÔ HÌNH KINH DOANH

Anh/Chị đang kinh doanh trong lĩnh vực gì?
Bạn vui lòng điền đầy đủ thông tin!
Loading...
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ

3. Một số phương pháp giúp đa dạng hoá sản phẩm hiệu quả

Dưới đây là 6 phương pháp đa dạng sản phẩm hoá hiệu quả mà các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng. 

6 phương pháp đa dạng sản phẩm hoá hiệu quả
6 phương pháp đa dạng sản phẩm hoá hiệu quả

3.1. Thay đổi tên sản phẩm

Thay đổi tên là một trong những phương pháp tối ưu giúp đa dạng hoá sản phẩm hiệu quả. Với mục đích mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm bằng cách đổi tên của chúng. Đây là một cách hiệu quả để tăng sức hấp dẫn của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng.

Các sản phẩm mới có đặc điểm tương đồng với sản phẩm cũ nhưng được ra mắt trên thị trường với một tên gọi hoàn toàn mới. Bằng cách "thay tên đổi họ" và điều chỉnh phương thức tiếp thị, sản phẩm mới sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn khi tiếp cận thị trường mới.

Chẳng hạn, ở Úc, người ta dễ dàng bắt gặp một thương hiệu có biểu tượng và màu sắc tương tự như Burger King nhưng được gọi là "Hungry Jack’s" - một cái tên hoàn toàn không liên quan. Nguyên nhân là do một cửa hàng đồ ăn nhanh tại Adelaide đã đăng ký nhãn hiệu Burger King. Vì vậy, để tiếp tục hoạt động tại thị trường này, Burger King buộc phải thực hiện việc thay đổi tên.

>>> XEM THÊM: 6 BƯỚC LẬP CHIẾN LƯỢC MARKETING CHO 1 SẢN PHẨM CHI TIẾT NHẤT

3.2. Điều chỉnh bao bì

Bên cạnh việc thay đổi tên đổi họ, thay đổi bao bì cũng có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của sản phẩm. Với việc khoác lên mình tấm áo mới, sản phẩm sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với những khách hàng hiện tại và cũng thu hút sự chú ý của những khách hàng tiềm năng.

Vinamilk và câu chuyện thay áo mới là một minh chứng rõ nét cho phương pháp này. Theo đó, mỗi loại sản phẩm của Vinamilk đều được thiết kế bao bì với một màu sắc nổi bật, dễ phân biệt. Chẳng hạn như sữa tươi có đường sẽ có màu xanh lá, loại ít đường sẽ có màu xanh dương đậm, loại có hương dâu sẽ mang sắc đỏ tươi và loại có hương sôcôla sẽ mang màu nâu. Với phong cách thiết kế này, các sản phẩm của Vinamilk trở nên vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, giúp thương hiệu trở nên nổi bật và khác biệt trên thị trường.

>>> XEM THÊM: 7 PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC KHÁC BIỆT HOÁ SẢN PHẨM CHO DOANH NGHIỆP

3.3. Định giá lại sản phẩm

Sự biến động trong thị trường cung ứng có ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của sản phẩm. Tùy theo chiến lược cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng giá thành để đa dạng hoá sản phẩm

Thực tế, việc giảm giá hầu như không được áp dụng nhiều. Đa số các doanh nghiệp chọn cách tăng giá của sản phẩm sau khi ra mắt thị trường một thời gian. Để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng thị trường để đưa ra mức giá phù hợp nhất.

>>> XEM THÊM: GIÁ TRỊ SẢN PHẨM ĐƯỢC ĐỊNH NGHĨA NHƯ THẾ NÀO? TOP 5 CÁCH TĂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

3.4. Thay đổi kích cỡ sản phẩm

Điều chỉnh kích cỡ hoặc số lượng sản phẩm cũng là một giải pháp hiệu quả trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp. Thay đổi này nhằm mục đích phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau.

Chẳng hạn, thay vì chỉ sản xuất toner với dung tích 180ml, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc Dear Klairs đã sản xuất thêm dòng mini size với dung tích 30ml để phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập hạn chế.

3.5. Mở rộng thương hiệu

Đây là một phương pháp đa dạng hóa sản phẩm được ưa chuộng bởi các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng cao cấp như ô tô, trang sức, điện thoại thông minh. Các công ty này sẽ ra mắt các tính năng nâng cấp của dòng sản phẩm mà họ cung cấp cho khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cải thiện danh tiếng và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

>>> XEM THÊM: 6 BƯỚC PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU VƯỢT BẬC CHO DOANH NGHIỆP

3.6. Mở rộng sản phẩm

Phương pháp mở rộng sản phẩm được áp dụng phổ biến trên thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện phương pháp này bằng cách ra mắt các phiên bản khác nhau của sản phẩm trong cùng một dòng. Doanh nghiệp có thể thay đổi màu sắc, kiểu dáng, kích thước, tính năng và các yếu tố khác các sản phẩm cùng dòng.

Một ví dụ điển hình của phương pháp này việc Apple cho ra mắt các phiên bản khác nhau của Iphone 14. Với iPhone 14, Apple cho ra mắt 4 phiên bản: iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 14 Pro, iPhone 14 Pro Max. Các sản phẩm này có nhiều màu sắc khác nhau như Đen, Đỏ, Trắng, Tím, Xanh dương để đáp ứng nhu cầu của đa dạng người tiêu dùng.

4. Ý nghĩa của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm

Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Dưới đây là những lợi ích thiết thực của chiến lược này:

  • Giảm thiểu rủi ro kinh doanh: Nếu chỉ dựa vào một hoặc một vài sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự thay đổi thị hiếu của khách hàng, sự cạnh tranh từ đối thủ, biến động kinh tế. Đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp phân tán rủi ro bởi nếu một sản phẩm không thành công, doanh nghiệp vẫn có thể dựa vào các sản phẩm khác 
  • Tăng doanh thu và lợi nhuận: Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm giúp doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và mở rộng thị trường. Từ đó, gia tăng doanh thu và lợi nhuận
  • Tận dụng cơ hội thị trường: Việc phát triển sản phẩm mới có thể mở ra cơ hội khám phá các thị trường mới, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động. Điều này cũng giúp doanh nghiệp bắt kịp và tận dụng các xu hướng tiềm năng chưa được khai thác.
  • Tăng cường vị thế thương hiệu: Người tiêu dùng có xu hướng ghi nhớ những thương hiệu cung cấp nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu của họ. Vì vậy, chiến lược đa dạng hoá sản phẩm giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với khách hàng, từ đó tạo dựng niềm tin và sự trung thành
  • Duy trì sự ổn định và bền vững: Đa dạng hoá sản phẩm giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước sự xâm phạm của các đối thủ cạnh tranh. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể giữ vững vị thế trên thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh và duy trì sự ổn định

>>> XEM THÊM: 8 TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SẢN PHẨM KINH DOANH CHỦ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ NÊN BIẾT

5. Phương pháp đo lường hiệu quả của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm

Sau khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, doanh nghiệp cần đánh giá hiệu quả chiến lược để có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, thành công của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm có thể được đánh giá qua 3 tiêu chí dưới đây: 

  • Đánh giá doanh thu của sản phẩm: Doanh nghiệp cần tính toán xem sau khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, doanh thu có tăng trưởng tích cực hay không. Nếu doanh thu tăng cao như dự đoán, điều này chứng tỏ chiến lược đã áp dụng thành công và ngược lại
  • Đánh giá số lượng khách hàng: Để đánh giá sự thành công của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, hãy xem xét số lượng khách hàng của doanh nghiệp trước và sau khi thực hiện chiến lược. Con số này sẽ phản ánh xác suất và cơ hội tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp
  • Đánh giá thị phần: Doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả của việc đa dạng hóa sản phẩm bằng cách tính toán thị phần của từng sản phẩm. Thị phần càng cao chứng tỏ tiềm năng phát triển của sản phẩm càng lớn
Phương pháp đo lường hiệu quả của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm
Phương pháp đo lường hiệu quả của chiến lược đa dạng hoá sản phẩm

>>> XEM THÊM: CÁC CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG HIỆU QUẢ KINH DOANH QUAN TRỌNG CẦN NẮM CHẮC

6. Một số lưu ý khi triển khai chiến lược đa dạng hoá sản phẩm

Khi thực hiện chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, doanh nghiệp cần lưu ý một số điều sau để tránh mắc phải những sai lầm không mong muốn:

  • Xác định rõ mục tiêu (ví dụ như tăng doanh thu, mở rộng thị trường, giảm thiểu rủi ro) và lựa chọn chiến lược đa dạng hoá sản phẩm phù hợp
  • Đánh giá kỹ lưỡng các hạng mục đầu tư hiện tại của doanh nghiệp trước khi tiến hành đa dạng hóa sản phẩm để tránh lãng phí nguồn lực
  • Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính dồi dào để đầu tư cho các hoạt động trong chiến lược đa dạng hoá sản phẩm (bao gồm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sản xuất và marketing)
  • Doanh nghiệp cần hiểu rõ bối cảnh cạnh tranh trên thị trường trước khi áp dụng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm
  • Trước khi áp dụng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, doanh nghiệp cần hiểu rõ bối cảnh thị trường (bao gồm nhu cầu của khách hàng, xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh…) để đánh giá khả năng thành công của sản phẩm mới
  • Đa dạng hóa sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro (ví dụ như sản phẩm mới không được thị trường đón nhận, lãng phí tài chính…) nên doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại
  • Doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thường xuyên để thực hiện những điều chỉnh cần thiết nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra

Như vậy, bài viết đã chỉ ra khái niệm đa dạng hóa sản phẩm là gì và lợi ích của nó đối sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bật mí ý top 4 chiến lược đa dạng hóa sản phẩm phổ biến và một số phương pháp đa dạng hóa sản phẩm hiệu quả. Bên cạnh đó, gợi ý cách đo lường hiệu quả và những lưu ý khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Hy vọng rằng, những kiến thức mà Trường Doanh Nhân HBR đã chia sẻ trong bài viết sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm thành công, khẳng định vị thế của mình trên thị trường. 

Thông tin tác giả

Trường doanh nhân HBR ra đời với sứ mệnh là cầu nối truyền cảm hứng và mang cơ hội học tập từ các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế, cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất về lãnh đạo và quản trị từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Wharton, Harvard, MIT Sloan, INSEAD, NUS, SMU… Nhờ vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi ra biển lớn, tạo nên con đường ngắn nhất và nhanh nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger