TRƯỜNG DOANH NHÂN HBR - HBR BUSINESS SCHOOL ×

CÁC CÁCH LÀM CHỦ KỸ NĂNG KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Mục lục [Ẩn]

  • 1. Khám phá bản thân là gì?
  • 2. Ý nghĩa của việc khám phá bản thân
  • 3. Các cách giúp khám phá bản thân hiệu quả
    • 3.1. So sánh bản thân ở hiện tại và trong quá khứ
    • 3.2. Học cách chấp nhận
    • 3.3. Lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh
    • 3.4. Tránh so sánh bản thân với người khác
    • 3.5. Lập kế hoạch chinh phục mục tiêu cá nhân
    • 3.6. Kiên trì trên hành trình khám phá bản thân
    • 3.7. Tham gia các khóa học kỹ năng
    • 3.8. Sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ
  • 4. Những phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả
    • 4.1. Thực hành Mindfulness (Thiền chánh niệm)
    • 4.2. Áp dụng mô hình SWOT
    • 4.3. Thực hiện một số trắc nghiệm khám phá bản thân
      • 4.3.1. Trắc nghiệm khám phá sở thích nghề nghiệp Holland
      • 4.3.2. Trắc nghiệm nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ)
      • 4.3.3. Trắc nghiệm đánh giá nghề nghiệp của Dick Knowdell
      • 4.3.4. Trắc nghiệm tính cách 
      • 4.3.5. Trắc nghiệm Indigo

Khám phá bản thân là hành trình đầy gian nan và thử thách, nhưng cũng vô cùng thú vị và ý nghĩa. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Trường Doanh Nhân HBR tìm hiểu các cách khám phá bản thân hiệu quả giúp mỗi người tìm ra mục tiêu và ý nghĩa trong cuộc sống.

1. Khám phá bản thân là gì?

Khám phá bản thân là quá trình tự nhận thức và thấu hiểu chính mình, bao gồm việc nhận thức rõ bản thân là ai, giá trị cá nhân, sở thích, đam mê, điểm mạnh và điểm yếu. Quá trình này giúp mỗi người tìm ra mục tiêu và hướng đi trong cuộc sống, từ đó phát triển bản thân một cách toàn diện và tăng cường sự tự tin.

Khám phá bản thân yêu cầu mỗi người dũng cảm đối mặt với cảm xúc, suy nghĩ, và hành động của chính mình một cách trung thực, đồng thời tránh việc tự đánh giá bản thân một cách quá tiêu cực.

Khám phá bản thân là gì?
Khám phá bản thân là gì?

2. Ý nghĩa của việc khám phá bản thân

Khám phá bản thân giúp mỗi người nhận ra giá trị thực sự của chính mình, đồng thời xác định được mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống. Theo đó, khám phá bản thân mang lại những ý nghĩa quan trọng sau:

  • Hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để có phương pháp phát huy và cải thiện thích hợp
  • Xác định được những điều thực sự quan trọng với bản thân, từ đó đặt ra mục tiêu để theo đuổi, khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn
  • Giúp mỗi người khám phá ra cách tương tác và giao tiếp với người khác hiệu quả hơn, từ đó có cái nhìn khách quan về thế giới xung quanh
  • Khám phá ra những điểm khác biệt của mình với mọi người xung quanh, từ đó nhận thức được giá trị của bản thân và gia tăng sự tự tin
  • Có dũng khí thử thách bản thân trong nhiều lĩnh vực mới để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm
  • Mở rộng cơ hội phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp
Ý nghĩa của việc khám phá bản thân
Ý nghĩa của việc khám phá bản thân

3. Các cách giúp khám phá bản thân hiệu quả

Vậy làm thế nào để bắt đầu hành trình khám phá bản thân? Dưới đây là 8 cách giúp khám phá bản thân chính xác và hiệu quả. 

8 cách giúp khám phá bản thân chính xác và hiệu quả
8 cách giúp khám phá bản thân chính xác và hiệu quả

3.1. So sánh bản thân ở hiện tại và trong quá khứ

Đây là thời điểm bạn cần dũng cảm đối diện với bản thân trong quá khứ và so sánh với hiện tại để hiểu hơn về mình. Sau khi trải qua những thành công, thất bại trong cuộc sống, hãy dành thời gian suy ngẫm lại để đúc kết những bài học ý nghĩa cho bản thân. Từ đó, tìm cách cải thiện phù hợp trong tương lai.

Một số câu hỏi mà mỗi người có thể tự đặt ra để khám phá bản thân bao gồm:

  • Điều gì trong quá khứ khiến tôi cảm thấy tự ti hoặc sợ hãi? Điều gì khiến tôi cảm thấy tự tin và có động lực? Những điều đó có thay đổi ở thời điểm hiện tại không?
  • Tại sao trong hoàn cảnh ấy, tôi lại hành động như vậy? Tôi có đang sống đúng với chính mình không?
  • Những suy nghĩ tiêu cực trong quá khứ ảnh hưởng thế nào đến tinh thần và lối sống của tôi?
  • Tôi có thái độ ra sao khi đối mặt với thử thách ngày hôm qua và hôm nay? Tôi đã học được gì từ trải nghiệm đó?
  • Tôi có đang yêu thương mình đúng cách không?

3.2. Học cách chấp nhận

Bạn phải học cách chấp nhận một sự thật là bản thân không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu luôn khao khát được mọi người yêu mến, bạn sẽ tìm cách thay đổi bản thân theo ý muốn của người khác mà quên đi ước mơ, mong muốn của chính mình. Điều này sẽ khiến bạn dần đánh mất bản thân và trở nên tự ti.

Ngoài ra, bạn cũng cần học cách chấp nhận sự khác biệt và đa dạng trong quan điểm của người khác. Điều này giúp bạn không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá của họ, đồng thời tự tin hơn trong việc theo đuổi những điều mình yêu thích.

Học cách chấp nhận
Học cách chấp nhận

3.3. Lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh

Cách bạn nhìn nhận chính mình có thể mang tính chủ quan và phiến diện. Do đó, lắng nghe những ý kiến nhận xét khách quan từ người khác có thể giúp bạn khám phá ra những điều thú vị về bản thân.

Đừng ngần ngại hỏi bạn bè, đồng nghiệp và cấp trên về cách mà họ nhìn nhận về bạn để kịp thời khắc phục những thiếu sót nếu có. Đồng thời, hãy đón nhận những ý kiến đó bằng một tâm thế cởi mở, tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý tiếp thu ý kiến một cách có chọn lọc để không bị ảnh hưởng bởi những nhận xét mang tính chủ quan, tiêu cực. 

3.4. Tránh so sánh bản thân với người khác

Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu và con đường riêng cần theo đuổi. Việc so sánh bản thân với những ưu điểm và thành tích nổi bật của người khác có thể khiến bạn cảm thấy tự ti, thậm chí đố kỵ. 

Vì vậy, hãy tập trung vào mục tiêu bản thân thay vì mãi ngước nhìn hình bóng của người khác. Hãy so sánh bản thân của ngày hôm nay với ngày hôm qua để đánh giá sự tiến bộ của chính mình. Đồng thời, hãy biến việc so sánh với người khác trở thành động lực để cố gắng hơn mỗi ngày. 

Tránh so sánh bản thân với người khác
Tránh so sánh bản thân với người khác

3.5. Lập kế hoạch chinh phục mục tiêu cá nhân

Anatole France từng nói: “Những đam mê của chúng ta phản ánh chính bản thân ta.” Điều này có nghĩa là các mục tiêu trong cuộc sống sẽ hình thành nên phiên bản của bạn trong tương lai. Vì vậy, lập kế hoạch chinh phục mục tiêu cá nhân là cơ hội tuyệt vời để phát huy toàn bộ khả năng của bản thân. 

Bạn có thể thiết lập các mục tiêu ngắn hạn (theo ngày hoặc tuần) và dài hạn (theo năm hoặc nhiều năm) để xác định những gì bạn có thể đạt được. Khi xác định các đích đến rõ ràng trên từng chặng đường, bạn sẽ dễ dàng khám phá và phát triển bản thân hơn. 

3.6. Kiên trì trên hành trình khám phá bản thân

Trên hành trình khám phá bản thân, những khó khăn và thử thách có thể khiến bạn trở nên nản chí và mất phương hướng. Tuy nhiên, nếu dễ dàng từ bỏ thì câu hỏi “tôi là ai” sẽ mãi bị bỏ ngỏ. Vì vậy, bạn cần nuôi dưỡng lòng quyết tâm và kiên trì để đi đến cuối con đường. 

Để nuôi dưỡng sự kiên trì, hãy nghĩ về mục tiêu và đích đến phía trước của mình, đồng thời luôn duy trì suy nghĩ tích cực. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh để vượt qua những khó khăn, thử thách. 

Kiên trì trên hành trình khám phá bản thân
Kiên trì trên hành trình khám phá bản thân

3.7. Tham gia các khóa học kỹ năng

Tham gia các lớp học về kỹ năng yêu thích giúp bạn khám phá ra sở thích và những tài năng tiềm ẩn. Các lớp học này cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng đam mê. Điều này không chỉ mở rộng mối quan hệ mà còn tạo ra một mạng lưới hỗ trợ trong quá trình khám phá và phát triển bản thân.

3.8. Sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ

Những trải nghiệm mới mẻ giúp bạn mở rộng kiến thức và tầm nhìn, thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy đa chiều. Nhờ đó, tăng cường sự tự tin và nâng cao khả năng thích ứng của bạn với những thay đổi trong cuộc sống. 

Do đó, hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Điều này có thể bao gồm việc học một kỹ năng mới, đảm nhận một vai trò mới, khám phá một địa điểm mới, tìm hiểu về một nền văn hóa khác hoặc gặp gỡ những người mới.

Sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ
Sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ

4. Những phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả

Dưới đây là 3 phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả:

3 phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả
3 phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả

4.1. Thực hành Mindfulness (Thiền chánh niệm)

Thực hành Mindfulness là một hình thức thiền tập trung vào giây phút hiện tại một cách tỉnh thức và không phán xét.

Mindfulness giúp rèn luyện khả năng quan sát và nhận thức các suy nghĩ, cảm xúc, trạng thái cơ thể của bản thân trong từng khoảnh khắc mà không bị cuốn theo chúng. Qua đó, giúp người thực hành cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc, đạt được sự an nhiên, cân bằng tâm lý và hiểu rõ hơn về bản thân. 

Dưới đây là các bước thực hành Mindfulness hiệu quả:

  • Chọn không gian: Tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái để thực hành thiền
  • Đặt giới hạn thời gian: Nếu mới bắt đầu thiền, hãy chọn một khoảng thời gian ngắn (ví dụ từ 5 đến 10 phút)
  • Chú ý tư thế ngồi: Ngồi thẳng lưng trên ghế hoặc trên sàn, có thể ngồi xếp bằng hoặc để chân chạm đất, sau đó đặt tay lên đùi
  • Chú ý hơi thở: Nhắm mắt lại và nhẹ nhàng hít vào, thở ra
  • Nhận biết suy nghĩ và cảm xúc: Khi thiền, bạn có thể nhận thấy các suy nghĩ, cảm xúc khác xuất hiện. Đừng cố gắng đẩy chúng đi, chỉ cần nhận biết chúng và nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại với hơi thở
  • Quan sát mà không phán xét: Quan sát những suy nghĩ, cảm xúc một cách bình thản mà không phán xét
  • Kết thúc thiền: Từ từ mở mắt và dành một chút thời gian để cảm nhận cơ thể trước khi đứng dậy

4.2. Áp dụng mô hình SWOT

Áp dụng mô hình SWOT là một phương pháp hiệu quả để xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân. SWOT là sự kết hợp của 4 từ: Strength (Điểm mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunity (Cơ hội) và Threat (Thách thức)

Cụ thể như sau:

  • Strength: Khám phá những ưu điểm nổi trội của bản thân so với người khác để phát huy tối đa khả năng 
  • Weakness: Nhận diện những hạn chế, thiếu sót của bản thân để dũng cảm đối mặt với thực tế và tìm cách cải thiện
  • Opportunity: Nhận diện những cơ hội trong cuộc sống mà bản thân có thể nắm bắt để phát triển tốt hơn
  • Threat: Xác định rõ các thách thức phía trước để tìm cách vượt qua chúng

4.3. Thực hiện một số trắc nghiệm khám phá bản thân

Dưới đây là 5 bài test giúp khám phá bản thân hiệu quả nhất hiện nay mà bạn có thể tham khảo. 

5 bài test trắc nghiệm giúp khám phá bản thân
5 bài test trắc nghiệm giúp khám phá bản thân

4.3.1. Trắc nghiệm khám phá sở thích nghề nghiệp Holland

Trắc nghiệm Holland được xây dựng dựa trên mô hình phân loại tính cách của bác sĩ tâm lý người Mỹ John Holland. Đây là một phương pháp giúp bạn nhận biết đặc điểm tính cách của mình, từ đó có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và thế mạnh của bản thân.  

Theo mô hình Holland, tính cách con người được phân chia thành 6 nhóm khác nhau, tương ứng với sáu nhóm ngành nghề chuyên biệt. Đó là: 

  • Enterprising: Nhóm người có khả năng làm các công việc quản lý, lãnh đạo
  • Conventional: Nhóm người có khả năng làm các công việc liên quan đến nghiệp vụ
  • Investigative: Nhóm người phù hợp làm các công việc liên quan đến nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu khoa học
  • Artistic: Nhóm người phù hợp làm các công việc liên quan đến nghệ thuật, ví dụ như hội hoạ, âm nhạc…
  • Social: Nhóm người phù hợp làm các công việc xã hội, ví dụ như hội chữ thập đỏ, công đoàn…

4.3.2. Trắc nghiệm nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ)

Bảng hỏi MIPQ là công cụ đánh giá khả năng trí tuệ nổi bật của từng cá nhân, dựa trên Lý thuyết đa trí thông minh của Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner.

Bảng hỏi nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ) bao gồm 35 câu hỏi và cần tối đa 20 phút để hoàn thành. Điểm số được đánh giá trên thang điểm 100 cho từng loại trí thông minh. Hiện nay, MIPQ phân loại trí thông minh thành 9 loại như sau:

  • Trí thông minh xã hội: Khả năng tương tác và thấu hiểu người khác
  • Trí thông minh Nội tâm: Khả năng nhận thức và thấu hiểu bản thân
  • Trí thông minh logic/Toán học: Khả năng xử lý số liệu, dữ liệu và các vấn đề liên quan đến toán học
  • Trí thông minh ngôn ngữ: Khả năng sử dụng và hiểu ngôn từ
  • Trí thông minh không gian: Khả năng tưởng tượng và hiểu biết về không gian
  • Trí thông minh vận động: Khả năng điều khiển cơ thể và thực hiện các hoạt động thể chất
  • Trí thông minh âm nhạc: Khả năng cảm nhận và tạo ra âm thanh, giai điệu
  • Trí thông minh thiên nhiên: Khả năng quan sát, nhận biết và tương tác với các yếu tố thiên nhiên như động vật, thực vật
  • Trí thông minh triết học: Khả năng tư duy trừu tượng và khám phá các vấn đề sâu sắc về cuộc sống 

4.3.3. Trắc nghiệm đánh giá nghề nghiệp của Dick Knowdell

Bộ thẻ của Knowdell Card Sorts là công cụ hữu ích giúp bạn khám phá con đường sự nghiệp phù hợp với bản thân và xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng hơn. Bộ thẻ bao gồm 4 bộ thẻ riêng biệt sau:

  • Career Values - Giá trị nghề nghiệp: Những giá trị nghề nghiệp nào phù hợp với giá trị cá nhân của bạn?
  • Motivated Skill - Kỹ năng tạo động lực: Những kỹ năng nào giúp bạn tạo và duy trì động lực?
  • Occupational Interest - Sở thích nghề nghiệp: Những hoạt động hàng ngày bạn thích làm là gì? Bạn có thể làm nó được không?
  • Leisure/Retirement Activities - Hoạt động giải trí/khi về hưu: Những nghề nghiệp hoặc công việc khiến bạn cảm thấy hứng thú?

4.3.4. Trắc nghiệm tính cách 

Các bài kiểm tra tính cách sẽ giúp con người nhận biết được sở thích, đam mê và lý giải được cách bản thân hành động trong cuộc sống. 

1 - Trắc nghiệm tính cách theo lý thuyết MBTI

Công cụ tìm hiểu tính cách theo lý thuyết MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là một phương pháp đánh giá tính cách dựa trên lý thuyết của Carl Jung và được phát triển bởi Isabel Briggs Myers và Katharine Cook Briggs. Công cụ này phân loại tính cách con người thành 16 kiểu tính cách khác nhau, dựa trên bốn cặp đối lập sau:

  • Introversion (I) - Extraversion (E): Hướng nội hay hướng ngoại
  • Sensing (S) - Intuition (N): Cảm giác hay trực giác
  • Thinking (T) - Feeling (F): Lý trí hay cảm xúc
  • Judging (J) - Perceiving (P): Đánh giá hay nhận thức

>>> LÀM MBTI TEST CÙNG HBR

2 - Trắc nghiệm tính cách dựa trên thang đo bền chí 

Thang đo bền chí là công cụ đánh giá khả năng duy trì sự nỗ lực và quyết tâm của mỗi người trong các tình huống khó khăn, thử thách. Nó được thiết kế dựa trên công trình nghiên cứu về sự bền chí của Angela Duckworth.

Bài trắc nghiệm theo công cụ thang đo bền chí gồm 14 câu hỏi được đánh giá trên thang điểm 5. Điểm 5 phản ánh mức độ bền chí cao nhất, cho thấy bạn là người kiên trì theo đuổi mục tiêu. Nếu điểm số thấp hơn thì bạn cần tìm giải pháp để duy trì và nâng cao sự bền bỉ, quyết tâm của mình. 

4.3.5. Trắc nghiệm Indigo

Công cụ Indigo được sử dụng để phát triển cá nhân, tư vấn nghề nghiệp bằng cách cung cấp cái nhìn sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và sự thành công của mỗi người.

Cụ thể, trắc nghiệm Indigo sẽ phân tích 3 tiêu chí sau: 

  • Hành vi: Đánh giá các kiểu hành vi dựa trên hệ thống DISC, bao gồm Quyết đoán (Dominance), Ảnh hưởng (Influence), Kiên định (Steadiness), Tuân thủ (Compliance). Qua đó thể hiện cách mỗi người phản ứng trong các tình huống hàng ngày
  • Động lực: Xác định các động lực nội tại của mỗi người, dựa trên nghiên cứu về giá trị và động cơ của con người. Từ đó lý giải động lực thúc đẩy hành vi của mỗi người
  • Kỹ năng: Công cụ đánh giá 23 năng lực quan trọng cho sự thành công trong công việc, bao gồm các kỹ năng cá nhân và tương quan. Những kỹ năng có điểm cao nhất có thể là những khía cạnh mà bạn đã biết hoặc chưa từng biết đến trước đây

Như vậy, bài viết đã bật mí các cách và phương pháp khoa học giúp khám phá bản thân hiệu quả. Trường Doanh Nhân HBR hy vọng rằng, những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp mỗi người sớm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai” để đạt được thành công trong cuộc sống.

Thông tin tác giả

Trường doanh nhân HBR ra đời với sứ mệnh là cầu nối truyền cảm hứng và mang cơ hội học tập từ các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế, cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất về lãnh đạo và quản trị từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Wharton, Harvard, MIT Sloan, INSEAD, NUS, SMU… Nhờ vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi ra biển lớn, tạo nên con đường ngắn nhất và nhanh nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger