Mục lục [Ẩn]
- 1. Câu chuyện “quả táo thối”
- 2. Bài học quản lý nhân sự rút ra từ câu chuyện “quả táo thối”
- 2.1. Nhìn mặt tốt để quý, góp ý những điều chưa tốt để đồng nghiệp sửa đổi
- 2.2. Lãnh đạo hiểu điểm mạnh và điểm yếu của nhân sự để đưa ra kế hoạch đào tạo phù hợp
- 2.3. Xây dựng văn hoá học tập và đổi mới không ngừng trong tổ chức
- 3. VIDEO Nghệ thuật gắn kết nhân sự trong doanh nghiệp
Công sở như một xã hội thu nhỏ bởi tại đây tập trung nhiều cá tính, phong cách sống, mục đích làm việc. Chính vì thế, những mâu thuẫn “được lòng người này, mất lòng người kia” là điều không thể tránh khỏi. Đứng trước những vấn đề này, nhiệm vụ của nhà quản lý nhân sự giỏi là phải tìm được những giải pháp giúp cân bằng giữa các nhân viên. Bài học về “quả táo thối” dưới đây rất đáng để suy ngẫm cho dù bạn là nhân viên, nhà quản lý hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
1. Câu chuyện “quả táo thối”
Ở một công ty nọ, ngài tổng giám đốc đã đưa ra quyết định nhằm xây dựng văn hóa công ty. Ông đã nghĩ ra ý tưởng độc đáo với mong muốn nhân viên tham gia đóng góp ý kiến.
Ngày hôm sau, trong buổi họp của công ty, ông đưa ra yêu cầu, mỗi nhân viên của các phòng ban ngày nào cũng phải mang theo bên mình một túi đựng táo. Mỗi quả táo sẽ khắc tên một nhân viên mà họ thấy rằng người này thiếu năng lực, không phù hợp với công ty, cần phải thay đổi cách làm việc hay thậm chí cần phải thuyên chuyển hoặc nghỉ việc, kể cả tên các trưởng phòng, phó phòng và giám đốc.
Số táo trong túi của họ sẽ không bị giới hạn. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận riêng của nhân viên đó về những đồng nghiệp xung quanh mình. Điều quan trọng là mọi người cần tuyệt đối giữ bí mật về những cái tên trong túi táo của mình. Chỉ có tổng giám đốc mới được biết bên trong mỗi túi táo có gì. Quá trình này sẽ kéo dài 4 tuần, cá nhân nào có đóng góp tích cực nhất sẽ được nhận phần thưởng 10.000 đô la.
Ngay khi chương trình diễn ra, mọi người trong công ty đều bàn tán và hồ hởi, lục tìm những lỗi lầm trước đó của những người đồng nghiệp.
Tuần thứ nhất kết thúc, có những người có túi táo rất nhẹ. Nhưng cũng có những người đã phải mang vác khệ nệ. Không khí trong phòng làm việc vô cùng căng thẳng. Mọi người thận trọng và không ngừng quan sát nhằm bắt bẻ, bới móc những lỗi lầm của nhau. Cứ như vậy số táo trong túi của mỗi người cứ tăng lên mỗi ngày.
Sang tuần thứ 2, một vài người đã cảm thấy mệt mỏi và khó chịu vì sức nặng của túi táo. Tồi tệ hơn là mùi táo thối đã bắt đầu bay ra. Họ phải buộc thật chặt túi táo của mình để ngăn chặn mùi. Tới tuần thứ ba, không ai còn muốn thêm một quả táo nào vào túi của mình nữa, mùi táo thối bao trùm lấy công ty. Có những người còn phải vừa vác túi táo nặng, vừa ngửi mùi thối suốt cả ngày.
Đến tuần cuối cùng, mọi người dường như đã hiểu ra điều gì đó. Họ cảm thấy xấu hổ vì việc mình luôn đi bắt lỗi những người cộng sự của mình. Họ ân hận vì mình đã không có cái nhìn thiện cảm và bỏ qua hoàn toàn những điểm tốt của những người đồng nghiệp mình đã khắc tên lên quả táo.
Ngày cuối cùng của hoạt động, không ai còn muốn hùng biện và thuyết trình về những lỗi lầm mình đã phát hiện ra nữa. Khi bỏ được túi táo vào sọt rác họ cảm thấy nhẹ nhõm và giải thoát. Họ nhìn nhau một cái thoải mái, ai cũng thấy những người đồng nghiệp của mình thật dễ mến và tài giỏi. Họ bắt tay nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc được giao.
Mọi người còn thực sự xúc động khi nghe lời chia sẻ của ngài Tổng giám đốc:
“Các đồng nghiệp thân mến của tôi, tôi muốn chia sẻ với các bạn trong những kinh nghiệm quý báu nhất cuộc đời mà tôi đã trải qua thì đây chính là bài học sâu sắc mà tôi đã được học và bây giờ tôi muốn chia sẻ lại với các bạn.
Túi táo thối mà các bạn đang cầm trên tay chính là tâm trạng của bạn khi bạn coi thường, ghét bỏ, kì thị hay định kiến về một ai đó. Chính những cảm xúc tiêu cực này làm ô nhiễm trái tim bạn và bạn sẽ phải chịu đựng nó ở bất cứ nơi nào bạn tới.
Không ai trên đời hoàn hảo cả, ai cũng còn những mặt tốt mà những người khác không biết đến, lấy đâu ra một viên ngọc óng ánh mà chưa qua mài giũa, phải không? Tất cả chúng ta, ai cũng có những mặt tích cực của họ để chúng ta hi vọng, động viên và khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ. Nếu bạn không thể chịu được mùi táo thối trong một thời gian ngắn ngủi đó thì tôi tin các bạn cũng chẳng thể chịu được mùi hôi thối của ghét bỏ, thù hận , kì thị và định kiến trong lòng trong suốt cả cuộc đời rất dài của bạn.
Tôi thật vui mừng vì các bạn đã tìm được bí quyết tốt nhất để đóng góp cho sự phát triển của công ty, đó chính là nỗ lực phối hợp và tương trợ lẫn nhau, dựa trên tấm lòng bao dung rộng mở và cái nhìn luôn thiện tâm đối với những người khác. Cám ơn các bạn vì sự đóng góp này”
>>> XEM THÊM: BÀI HỌC VỀ LƯƠNG THƯỞNG QUA CÂU CHUYỆN VUA THỎ VÀ CỦ CÀ RỐT
2. Bài học quản lý nhân sự rút ra từ câu chuyện “quả táo thối”
Ngài giám đốc trong câu chuyện quả táo thối là một người có tầm nhìn, tài trí và tinh tế. Ông đã giúp công ty của mình giải quyết được một vấn đề muôn thuở đó chính là “bài toán điều hành nhân sự”. Vậy những nhà quản trị rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên?
2.1. Nhìn mặt tốt để quý, góp ý những điều chưa tốt để đồng nghiệp sửa đổi
Lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá dựa trên những mặt tích cực của nhân viên, khám phá và tôn trọng những giá trị đặc biệt mà họ mang đến cho tổ chức. Bằng cách này, nhà quản trị sẽ tạo động lực và sự tự tin cho nhân viên để phát triển và đóng góp hơn.
Bên cạnh đó, khi nhận thấy một nhân viên có sai sót hoặc cần cải thiện, lãnh đạo, quản lý nên tiếp cận vấn đề này một cách bình tĩnh. Thay vì chỉ trích mạnh mẽ hoặc công kích ngay lập tức, bạn nên tìm cách giải thích và hướng dẫn nhân viên cách cải thiện vấn đề đó. Ngược lại, một khi nhân viên đã đạt được thành công hoặc có những đóng góp xuất sắc, bạn nên khen ngợi và thưởng cho họ một cách kịp thời nhanh chóng.
Có 3 chỉ số để đánh giá xem một doanh nghiệp có mang lại sự hài lòng của nhân viên hay không đó là:
-
Chỉ số eNPS (Employee Net Promoter Scores): Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên, mang lại cho nhân viên cái nhìn bao quát cụ thể hơn về mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp đang hướng tới
-
Chỉ số ESI (Employee Satisfaction Index): ESI là một chỉ số được sử dụng để đo mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc và môi trường làm việc.
-
Chỉ số ETR (Employee Turnover Rate): ETR đo lường tỷ lệ nhân viên rời bỏ công ty trong một khoảng thời gian nhất định
>>> XEM THÊM: BÀI HỌC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ TỪ BÀN CỜ VUA, CỜ TƯỚNG
2.2. Lãnh đạo hiểu điểm mạnh và điểm yếu của nhân sự để đưa ra kế hoạch đào tạo phù hợp
Muốn đào tạo ra những nhân sự tài năng, thái độ tốt, có sự cam kết cao, lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên để đưa ra những giải pháp kịp thời. Có 3 cách để nhà lãnh đạo có thể thấu hiểu được nhân sự của mình đó là:
-
Giao tiếp và đối thoại: Lãnh đạo nên thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với nhân viên để tìm hiểu về họ, công việc của họ và ý kiến của họ về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Cuộc trò chuyện có thể diễn ra thông qua cuộc họp cá nhân, buổi hội thảo hoặc các cuộc phỏng vấn định kỳ.
-
Đánh giá hiệu suất và phản hồi: Quá trình đánh giá này sẽ giúp xác định những khía cạnh mà nhân viên làm tốt và những khía cạnh cần cải thiện. Phản hồi cụ thể và xây dựng sẽ giúp nhân viên hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình.
-
Khảo sát và phỏng vấn 360 độ: Lãnh đạo có thể sử dụng các khảo sát hoặc phỏng vấn 360 độ để thu thập ý kiến và phản hồi từ đồng nghiệp, cấp dưới và cấp trên của nhân viên. Những thông tin này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về điểm mạnh và điểm yếu của nhân viên từ nhiều góc độ khác nhau.
>>> XEM THÊM: THỰC HIỆN CHUẨN QUY TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN SỰ ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI
2.3. Xây dựng văn hoá học tập và đổi mới không ngừng trong tổ chức
Kinh doanh 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi, suy nghĩ và hành động nhanh chóng. Văn hóa học hỏi, sáng tạo và đổi mới giúp tổ chức thích ứng với những thay đổi này và tồn tại trong môi trường cạnh tranh.
Bằng cách khám phá ý tưởng mới, áp dụng phương pháp làm việc hiệu quả hơn và đổi mới trong sản phẩm/ dịch vụ, doanh nghiệp sẽ có thể trao cho khách hàng giá trị khác biệt. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh “độc nhất” trên thị trường giúp doanh nghiệp không phải rơi vào cuộc chiến về giá đầy khắc nghiệt. Vậy làm thế nào để xây dựng văn hóa học tập và đổi mới không ngừng trong tổ chức?
-
Tạo sự nhận thức và cam kết: Lãnh đạo cần giúp nhân viên có sự nhận thức về tầm quan trọng của học hỏi, sáng tạo và đổi mới. Họ cần cam kết và thể hiện sự ủng hộ cho việc khám phá ý tưởng mới và thử nghiệm các phương pháp mới.
-
Khuyến khích việc chia sẻ ý tưởng: Tạo ra các cơ hội để mọi người chia sẻ ý tưởng của họ, bằng cách sử dụng các kênh giao tiếp nội bộ, nhóm làm việc, cuộc họp ý tưởng hoặc các nền tảng trực tuyến. Không chỉ khuyến khích việc chia sẻ ý tưởng, mà còn tạo điều kiện để những ý tưởng này được tiếp nhận và đánh giá một cách công bằng.
-
Thúc đẩy học tập liên tục: Khuyến khích việc học tập và phát triển cá nhân. Cung cấp các khóa đào tạo, chương trình học tập và tài liệu hỗ trợ để nhân viên có thể cập nhật kiến thức, kỹ năng và công nghệ mới.
-
Xây dựng mạng lưới kết nối: Tạo ra các cơ hội để nhân viên kết nối với nhau, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Có thể xây dựng các nhóm làm việc đa chức danh hoặc tổ chức các sự kiện như buổi chia sẻ kinh nghiệm, buổi thảo luận và cuộc thi ý tưởng.
3. VIDEO Nghệ thuật gắn kết nhân sự trong doanh nghiệp
Quản trị doanh nghiệp hiệu quả chính là chìa khoá giúp tổ chức gặt hái được thành công, thế nhưng tại Việt Nam hơn 90% chủ doanh nghiệp đang kinh doanh theo bản năng bởi đi lên từ dân chuyên môn nên việc quản trị thường gặp rất nhiều khó khăn. Thấu hiểu điều này, Mr. Tony Dzung đã tổ chức chương trình TƯ VẤN QUẢN TRỊ NHÂN SỰ giúp chủ doanh nghiệp tối ưu các hoạt động quản trị hiệu quả đưa tổ chức đi lên.
Bài học quả táo thối mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết và hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển cũng như cách quản lý nhân sự trong tổ chức. Áp dụng bài học này vào tổ chức có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự phát triển và thành công chung. Mong rằng với bài viết này, doanh nghiệp có thể tạo ra những nhân sự tuyệt vời, đồng hành cùng tổ chức đi lên.