TRƯỜNG DOANH NHÂN HBR - HBR BUSINESS SCHOOL ×

CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN LÀ GÌ? LỢI ÍCH VÀ CÁCH ỨNG DỤNG CHO DOANH NGHIỆP

Mục lục [Ẩn]

  • 1. Công nghệ Blockchain là gì?
    • 1.1. Định nghĩa Blockchain
    • 1.2. Công nghệ Blockchain ra đời như thế nào?
    • 1.3. Phân loại Blockchain
  • 2. Công nghệ Blockchain hoạt động như thế nào?
    • 2.1. Đặc điểm nổi bật của công nghệ Blockchain
    • 2.2. Tìm hiểu 4 thành phần chính của công nghệ Blockchain
    • 2.3. Các bước hoạt động của công nghệ Blockchain
  • 3. Công nghệ Blockchain được ứng dụng trong lĩnh vực nào?
    • 3.1. Lợi ích của Blockchain là gì?
    • 3.2. Lĩnh vực ứng dụng Blockchain
    • 3.3. Sự phát triển của Blockchain tại Việt Nam
  • 4. Một số câu hỏi thường gặp về công nghệ Blockchain là gì?
    • 4.1. Phân biệt công nghệ Blockchain và tiền điện tử Bitcoin
    • 4.2. Sự khác nhau của Blockchain, Cơ sở dữ liệu và Thuật toán đám mây
    • 4.3. Lưu ý khi ứng dụng Blockchain
    • 4.4. Xu hướng ứng dụng blockchain là gì?

Trong thời đại bùng nổ dữ liệu, việc quản lý và khai thác dữ liệu hiệu quả trở thành yếu tố then chốt cho sự thành công của doanh nghiệp. Công nghệ Blockchain với sự an toàn và chống giả mạo, nổi lên như một giải pháp đột phá cho các doanh nghiệp. Bài viết này Trường Doanh nhân HBR sẽ cung cấp thông tin về Blockchain, lợi ích, ứng dụng và những lưu ý quan trọng khi ứng dụng trong doanh nghiệp.

1. Công nghệ Blockchain là gì?

Blockchain đang được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Sự đa dạng các mô hình Blockchain cho phép đáp ứng nhu cầu của nhiều lĩnh vực và ứng dụng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu khái niệm, lịch sử ra đời và phân loại Công nghệ Blockchain.

1.1. Định nghĩa Blockchain

Công nghệ Blockchain, hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối, là một công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối và kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Đây là một cơ chế cơ sở dữ liệu kỹ thuật số phi tập trung, giúp ghi chép và lưu trữ các giao dịch một cách an toàn, minh bạch và không thể thay đổi. 

Công nghệ Blockchain là gì?
Công nghệ Blockchain là gì?

Công nghệ này được ví như một “cuốn sổ cái” công khai vì dữ liệu không được lưu trữ trên một máy chủ duy nhất, mà mọi người đều có thể truy cập và xem các giao dịch đã được thực hiện. Công nghệ Blockchain đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng to lớn để thay đổi nhiều ngành công nghiệp.

1.2. Công nghệ Blockchain ra đời như thế nào?

Lịch sử ra đời của Blockchain là hành trình đầy sáng tạo và không ngừng đổi mới. Từ ý tưởng ban đầu về bảo mật dữ liệu, Blockchain đã phát triển thành một công nghệ mang tính cách mạng, mở ra tiềm năng to lớn cho nhiều lĩnh vực.

Những năm 1970, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mật mã học, đặt nền tảng cho các ứng dụng bảo mật cao sau này. Năm 1991, hai nhà nghiên cứu là Stuart Haber và W. Scott Stornetta đã giới thiệu ý tưởng về "chuỗi khối" trong bối cảnh bảo mật tài liệu điện tử. Cho đến năm 2008, Satoshi Nakamoto xuất bản whitepaper mô tả Bitcoin, hệ thống tiền điện tử phi tập trung đầu tiên sử dụng Blockchain. Mạng Bitcoin chính thức hoạt động năm 2009 đã đánh dấu sự ra đời của Blockchain thế hệ đầu tiên.

Sự ra đời của Blockchain
Sự ra đời của Blockchain

Từ 2014 cho đến nay, công nghệ Blockchain bùng nổ với sự xuất hiện của nhiều nền tảng Blockchain mới, ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, y tế, quản trị bản quyền,...

1.3. Phân loại Blockchain

Công nghệ Blockchain được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên các tiêu chí như quyền truy cập, tính minh bạch hay mục đích sử dụng. Dưới đây là một số mô hình Blockchain phổ biến nhất:

4 mô hình Blockchain
4 mô hình Blockchain
  • Public Blockchain - Blockchain công khai: Đây là công nghệ Blockchain mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào mạng lưới, truy cập và xem các giao dịch. Ưu điểm là có tính bảo mật cao, minh bạch, có thể kiểm chứng và khả năng chống kiểm duyệt cao. Tuy nhiên, blockchain công khai có thể bị tắc nghẽn do lượng giao dịch lớn và mức độ bảo mật phụ thuộc và sức mạnh tính toán của mạng lưới. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum.
  • Private Blockchain - Blockchain riêng tư: Đây là công nghệ Blockchain mà chỉ có những người được uỷ quyền mới có thể tham gia vào mạng lưới và truy cập dữ liệu, thường ứng dụng trong các tổ chức và doanh nghiệp. Loại Blockchain này có tính bảo mật cao và kiểm soát truy cập tốt hơn, từ đó hiệu quả giao dịch được nâng cao. Ví dụ: Corda, Hyperledger Fabric.
  • Hybrid Blockchain - Blockchain lai: Là sự kết hợp các tính năng của cả blockchain riêng tư và công khai, với một phần dữ liệu được kiểm soát bảo mật và một phần được công khai. Công nghệ này phù hợp để ứng dụng trong các trường hợp cần sự linh hoạt và kiểm soát truy cập chi tiết, vì thế nó sẽ cần có thiết kế và cầu hình phức tạp hơn, đòi hỏi việc triển khai và quản lý nghiêm ngặt hơn. Ví dụ: Quorum, MultiChain.
  • Consortium Blockchain - Blockchain liên minh: Đây là công nghệ chuỗi khối được vận hành bởi một nhóm các tổ chức khác nhau, mỗi tổ chức đóng vai trò là một nút trong mạng lưới. Loại blockchain này có ưu điểm bảo mật cao, kiểm soát tốt, giao dịch hiệu quả và uy tín, phù hợp cho các ngành cần có sự tham gia của nhiều bên. Ví dụ: R3 Corda, IBM Blockchain Platform

2. Công nghệ Blockchain hoạt động như thế nào?

Việc hiểu rõ cách thức hoạt động của Blockchain sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt được công nghệ đột phá này và ứng dụng một cách hiệu quả.

2.1. Đặc điểm nổi bật của công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain vận hành dựa trên những đặc điểm nổi bật sau:

Đặc điểm của Blockchain là gì?
Đặc điểm của Blockchain là gì?
  • Không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi Blockchain: Theo như lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể giải mã Blockchain và công nghệ Blockchain biến mất khi không còn Internet trên toàn cầu.
  • Bất biến: Dữ liệu trong Blockchain không thể sửa (có thể sửa nhưng sẽ để lại dấu vết) và sẽ lưu trữ mãi mãi.
  • Bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong Blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối.
  • Minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi dữ liệu Blockchain đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
  • Hợp đồng thông minh: Là hợp đồng kỹ thuật số được nhúng vào đoạn code if-this-then-that (IFTTT), cho phép chúng tự thực thi mà không cần bên thứ ba.

>>> XEM THÊM: BUSINESS INTELLIGENCE (BI) LÀ GÌ? VAI TRÒ VÀ CÁCH ỨNG DỤNG

2.2. Tìm hiểu 4 thành phần chính của công nghệ Blockchain

Để hiểu rõ cách thức hoạt động của công nghệ Blockchain, trước hết cần nắm rõ các thành phần chính sau:

4 thành phần chính của Blockchain
4 thành phần chính của Blockchain
  • Khối (Block): Nơi lưu trữ dữ liệu giao dịch. Mỗi khối bao gồm thông tin về thời gian tạo, dữ liệu giao dịch, mã băm của khối trước và mã băm riêng của nó.
  • Mật mã hàm băm (Hash): Dãy ký tự duy nhất đại diện cho dữ liệu trong khối. Bất kỳ thay đổi nào đối với dữ liệu sẽ dẫn đến thay đổi mã hàm băm, giúp phát hiện gian lận.
  • Mạng lưới máy tính (Nodes): Gồm các máy tính lưu trữ bản sao của Blockchain và tham gia vào quá trình xác minh và cập nhật giao dịch.
  • Hợp đồng thông minh (Smart Contract): Chương trình tự động thực thi các điều khoản thỏa thuận khi các điều kiện được đáp ứng, loại bỏ trung gian và tiết kiệm chi phí. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia mạng lưới Blockchain sử dụng để tự quản lý các hợp đồng kinh doanh mà không cần sự hỗ trợ của bên thứ ba.

2.3. Các bước hoạt động của công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain vận hành dựa trên mạng lưới máy tính phân tán, thay vì thông qua trung gian như ngân hàng hay chính phủ. Cách thức hoạt động cơ bản của Blockchain như sau:

  • Bước 1 - Khởi tạo giao dịch: Người dùng thực hiện giao dịch, thông tin này sẽ được truyền vào mạng lưới Blockchain. Ví dụ như chuyển tiền hay trao đổi hàng hóa. 
  • Bước 2 - Xác minh giao dịch: Các máy tính trong mạng lưới, được gọi là nút (node), sẽ nhận và xác minh tính hợp lệ của giao dịch. Quá trình này có thể sử dụng các thuật toán đồng thuận khác nhau như Proof of Work (PoW) hoặc Proof of Stake (PoS).
  • Bước 3 - Thêm giao dịch vào khối: Giao dịch được xác minh sẽ được nhóm lại thành các "khối" (block). Mỗi khối chứa thông tin về các giao dịch, thời gian tạo và mã băm (hash) của khối trước.
  • Bước 4 - Mã hóa khối: Mã băm đóng vai trò đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu. Bất kỳ thay đổi nào đối với dữ liệu trong khối sẽ dẫn đến thay đổi mã băm, giúp phát hiện gian lận.
  • Bước 5 - Liên kết khối: Khối mới được liên kết với khối trước thông qua mã băm của khối trước, tạo thành một chuỗi khối (blockchain).
  • Bước 6 - Cập nhật sổ cái: Sau khi khối mới được tạo ra, tất cả các nút trong mạng lưới sẽ cập nhật sổ cái của họ với khối mới nhất. Nhờ vậy, mọi người tham gia đều có thể truy cập và kiểm tra thông tin giao dịch trên Blockchain.
Các bước hoạt động của công nghệ Blockchain
Các bước hoạt động của công nghệ Blockchain

>>> Ví dụ minh họa: A muốn gửi 10 USD cho B thông qua một mạng lưới công nghệ Blockchain. Quá trình thực hiện giao dịch trên blockchain diễn ra cơ bản theo các bước như sau:

Bước 1: A khởi tạo giao dịch, bao gồm thông tin về người gửi, người nhận và số tiền.

Bước 2: Giao dịch được truyền đến mạng lưới Blockchain.

Bước 3: Các nút trong mạng lưới xác minh giao dịch và đảm bảo A có đủ số dư để thực hiện giao dịch.

Bước 4: Giao dịch được xác minh sẽ được thêm vào một khối mới.

Bước 5: Khối mới được mã hóa và liên kết với khối trước, tạo thành chuỗi khối.

Bước 6: Tất cả các nút trong mạng lưới cập nhật sổ cái của họ với khối mới nhất, hoàn tất giao dịch và B nhận được 10 USD.

3. Công nghệ Blockchain được ứng dụng trong lĩnh vực nào?

Công nghệ Blockchain được ví như một "sổ cái kỹ thuật số" an toàn, minh bạch và hiệu quả, mở ra tiềm năng to lớn cho nhiều lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, y tế, quản trị bản quyền,...

3.1. Lợi ích của Blockchain là gì?

Công nghệ Blockchain mang đến nhiều lợi ích vượt trội so với các phương thức truyền thống, bao gồm:

Một số lợi ích nổi bật của công nghệ Blockchain là gì?
Một số lợi ích nổi bật của công nghệ Blockchain là gì?

1 - Tăng cường tính bảo mật và minh bạch: Dữ liệu được mã hóa và lưu trữ trên mạng lưới phi tập trung, giúp chống giả mạo, gian lận và thao túng dữ liệu. Mọi giao dịch đều được ghi chép công khai, tạo sự minh bạch và cho phép truy xuất dễ dàng. Ví dụ như các bệnh viện sử dụng Blockchain để lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử, bảo mật thông tin bệnh nhân và cho phép truy cập dễ dàng khi cần thiết.

2 - Nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí: Loại bỏ trung gian, tự động hóa quy trình và giảm thiểu thủ tục giấy tờ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Ví dụ như các ngân hàng sử dụng Blockchain để thực hiện thanh toán quốc tế nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí.

3 - Tăng cường sự tin tưởng và hợp tác: Ứng dụng công nghệ Blockchain mở ra nền tảng giao dịch an toàn, minh bạch, giúp xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa các bên tham gia. Doanh nghiệp sử dụng blockchain sẽ giúp khách hàng tự kiểm tra thông tin giao dịch liên quan đến họ, từ đó tăng được mức độ tin tưởng. 

4 - Cải thiện tính linh hoạt và khả năng thích ứng: Mạng lưới công nghệ chuỗi khối có thể dễ dàng tích hợp với các hệ thống hiện có của doanh nghiệp, tổ chức. Từ đó, cho phép mở rộng và điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu.

3.2. Lĩnh vực ứng dụng Blockchain

Nhờ những lợi ích ưu việt về tính bảo mật, bất biến và công khai, công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:

  • Tài chính: ứng dụng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư, quản lý tài sản,... Ví dụ: Bitcoin, Ethereum.
  • Chuỗi cung ứng: giúp doanh nghiệp theo dõi nguồn gốc sản phẩm, quản lý hàng tồn kho, chống hàng giả,... Ví dụ: IBM Food Trust, Everledger.
  • Y tế: dùng để lưu trữ hồ sơ bệnh án, quản lý dữ liệu y tế, theo dõi chuỗi cung ứng thuốc,... Ví dụ: Guardtime Health, BurstIQ.
  • Quản trị bản quyền: ứng dụng nhằm bảo vệ bản quyền nội dung số, theo dõi việc sử dụng và thanh toán cho tác giả,... Ví dụ: Maidsafe, Monegraph.
  • Chính phủ: giúp chính phủ quản lý danh tính, bỏ phiếu điện tử, thanh toán thuế,... Ví dụ: VNEID, Estonia e-Residency, Dubai Blockchain.
  • Giải trí: ứng dụng để bảo vệ bản quyền âm nhạc, phim ảnh, phát hành vé điện tử,... Ví dụ: Musicoin, Audius.
  • Bất động sản: giúp các doanh nghiệp quản lý danh sách tài sản, thực hiện giao dịch mua bán, tăng cường tính minh bạch trong thị trường bất động sản,...
Ứng dụng của Blockchain là gì?
Ứng dụng của Blockchain là gì?

Công nghệ Blockchain sở hữu tiềm năng to lớn để thay đổi nhiều ngành công nghiệp và cách thức chúng ta tương tác trong thế giới kỹ thuật số. Với khả năng mang lại sự an toàn, minh bạch, hiệu quả và tin cậy, Blockchain hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai của nền kinh tế số và của toàn xã hội.

3.3. Sự phát triển của Blockchain tại Việt Nam

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua việc ban hành nhiều Quyết định, Chương trình hành động khuyến khích ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực khác nhau.  Các văn bản và hoạt động được triển khai đã tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia vào lĩnh vực Blockchain.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, đánh giá nhu cầu và lựa chọn giải pháp phù hợp để ứng dụng Blockchain hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ Blockchain thành công là:

  • FPT Corporation: Ứng dụng nền tảng akaChain để định danh khách hàng, truy xuất nguồn gốc giao dịch, chống hàng giả, tự động hóa quy trình thanh toán,...
  • Masan Group: Ứng dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
  • Các ngân hàng BIDV, MB, VPBank, Vietcombank: Ứng dụng Blockchain trong các giao dịch tài chính như: thanh toán quốc tế, chuyển tiền, huy động vốn,...
  • Chính phủ Việt Nam ứng dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: dịch vụ công như cấp căn cước công dân, giấy khai sinh, khai thuế...; quản lý ngành tài chính, thanh toán xuyên biên giới; phát triển nông nghiệp, tối ưu quy trình vận chuyển và logistic...

4. Một số câu hỏi thường gặp về công nghệ Blockchain là gì?

Để giúp quý doanh nghiệp hiểu hơn về công nghệ chuỗi khối, Trường Doanh nhân HBR sẽ giải đáp một số câu hỏi phổ biến về Blockchain như sau:

4.1. Phân biệt công nghệ Blockchain và tiền điện tử Bitcoin

Blockchain và Bitcoin là hai khái niệm thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Nguyên nhân xuất phát từ việc Bitcoin là ứng dụng Blockchain được biết đến rộng rãi nhất, dẫn đến việc nhiều người nhầm lẫn Blockchain với Bitcoin.

Bitcoin là một loại tiền điện tử (cryptocurrency) sử dụng công nghệ Blockchain để vận hành. Bitcoin là một ứng dụng cụ thể của Blockchain, được phát minh bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2009. Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo bảng bên dưới:

Blockchain

Bitcoin

Khái niệm

Công nghệ cơ sở dữ liệu kỹ thuật số phi tập trung

Một loại tiền điện tử

Mục đích

Ghi chép và lưu trữ các giao dịch một cách an toàn, minh bạch

Thanh toán và trao đổi giá trị

Phạm vi ứng dụng

Rộng rãi, bao gồm nhiều lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, y tế,...

Chỉ thuộc lĩnh vực tiền tệ

Quyền sở hữu

Phi tập trung, thuộc về cộng đồng sử dụng

Thuộc về những người sở hữu Bitcoin

Giá trị

Không có giá trị cố định, biến động theo thị trường

Có giá trị dao động theo thị trường

So sánh Blockchain và Bitcoin

Tóm lại, Blockchain là nền tảng công nghệ, trong khi Bitcoin là một ứng dụng cụ thể chạy trên nền tảng đó.

4.2. Sự khác nhau của Blockchain, Cơ sở dữ liệu và Thuật toán đám mây

Công nghệ Blockchain, Cơ sở dữ liệu và Thuật toán đám mây đều là ba công nghệ tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số. Mỗi công nghệ này đều có những bản chất, nguyên lý hoạt động cũng như ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc hiểu rõ bản chất và ứng dụng của từng công nghệ sẽ giúp đưa ra lựa chọn phù hợp cho nhu cầu của doanh nghiệp.

  • Blockchain: là một công nghệ cơ sở dữ liệu kỹ thuật số phi tập trung, ghi chép và lưu trữ các giao dịch một cách an toàn, minh bạch và không thể thay đổi. Ví dụ như: Bitcoin, Ethereum, Hyperledger Fabric…
  • Cơ sở dữ liệu: Là hệ thống lưu trữ thông tin có cấu trúc, được tổ chức và truy cập một cách hiệu quả. Cơ sở dữ liệu có thể được lưu trữ tập trung tại một máy chủ hoặc phân tán trên nhiều máy tính. Ví dụ như MySQL, Oracle Database, MongoDB…
  • Thuật toán đám mây: Là mô hình cung cấp dịch vụ điện toán qua Internet, bao gồm máy tính lưu trữ, máy chủ, mạng lưới, cơ sở dữ liệu, phần mềm,... Người dùng có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ này mà không cần sở hữu hoặc quản lý hạ tầng cơ sở vật chất. Ví dụ như: Google Cloud Platform (GCP), Microsoft Azure, Amazon Web Services (AWS)...
Blockchain, Cơ sở dữ liệu và Thuật toán đám mây
Blockchain, Cơ sở dữ liệu và Thuật toán đám mây

Việc lựa chọn công nghệ nào là phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng cụ thể:

  • Công nghệ Blockchain: Phù hợp cho các ứng dụng cần tính minh bạch, an toàn và không thể thay đổi cao, ví dụ như theo dõi chuỗi cung ứng, quản lý danh tính,...
  • Cơ sở dữ liệu: Phù hợp cho các ứng dụng cần lưu trữ và truy cập dữ liệu có cấu trúc một cách hiệu quả, ví dụ như quản lý khách hàng, hệ thống bán hàng,...
  • Thuật toán đám mây: Phù hợp cho các doanh nghiệp cần giải pháp lưu trữ, tính toán và quản lý dữ liệu linh hoạt, có thể mở rộng và tiết kiệm chi phí.

4.3. Lưu ý khi ứng dụng Blockchain

Công nghệ Blockchain mang đến tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp. Để ứng dụng thành công và đem lại hiệu quả cao, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện bài bản. Sau đây là một số lưu ý:

  • Phân tích kỹ lưỡng các vấn đề và thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đó, xác định rõ ràng mục tiêu cụ thể mà doanh nghiệp muốn đạt được khi ứng dụng Blockchain. Đảm bảo rằng Blockchain là giải pháp phù hợp nhất cho nhu cầu của doanh nghiệp, so với các giải pháp truyền thống khác.

>>> Doanh nghiệp có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp thông qua MÔ HÌNH SWOT

  • Lựa chọn nền tảng Blockchain có khả năng đáp ứng nhu cầu về tính năng, hiệu suất, bảo mật và khả năng mở rộng của doanh nghiệp. Xem xét các yếu tố như: chi phí phát triển, cộng đồng người dùng, tính tương thích với các hệ thống hiện có,... và tham khảo tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực.
  • Xây dựng hệ thống an ninh mạng mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu, ngăn chặn tấn công mạng và đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống Blockchain. Ví dụ như như xác thực hai lớp, mã hóa dữ liệu, giám sát hệ thống liên tục.
  • Thiết lập chiến lược hợp tác hiệu quả để thuyết phục các bên liên quan tham gia vào hệ thống Blockchain. Xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, minh bạch và chia sẻ lợi ích một cách công bằng cho tất cả các bên tham gia.
  • Công nghệ Blockchain phát triển nhanh chóng và liên tục cập nhật. Vì thế, doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực Blockchain, cập nhật hệ thống khi cần thiết để đảm bảo hệ thống Blockchain luôn hoạt động hiệu quả và an toàn.
  • Thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) phù hợp để đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng Blockchain.
Một số lưu ý khi doanh nghiệp ứng dụng Blockchain là gì?
Một số lưu ý khi doanh nghiệp ứng dụng Blockchain là gì?

4.4. Xu hướng ứng dụng blockchain là gì?

Sau đây là một số xu hướng ứng dụng Blockchain nổi bật trong tương lai:

  • Tài chính phi tập trung (DeFi): bao gồm các dịch vụ tài chính không cần qua trung gian như ngân hàng hay tổ chức tài chính truyền thống. Ví dụ như cho vay, vay mượn, thanh toán, trao đổi tài sản... DeFi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cung cấp nhiều dịch vụ tài chính đa dạng và tiện lợi hơn, thu hút nhiều người dùng tham gia hơn.
  • Nhận dạng tự chủ (Self-Sovereign Identity): Cho phép cá nhân sở hữu và kiểm soát dữ liệu danh tính của họ một cách an toàn và bảo mật. Các giải pháp Nhận dạng tự chủ sử dụng Blockchain để lưu trữ và xác minh thông tin danh tính một cách phi tập trung. Trong tương lai, Self-Sovereign Identity sẽ trở nên phổ biến hơn, giúp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và cho phép cá nhân kiểm soát tốt hơn các thông tin của họ.
Xu hướng Blockchain tương lai
Xu hướng Blockchain tương lai
  • Chuỗi cung ứng (Supply Chain): Các giải pháp Blockchain giúp tăng cường tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu rủi ro, chống hàng giả và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
  • Internet vạn vật (IoT): Blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và quản lý an toàn hàng tỷ thiết bị IoT trong tương lai với khả năng đảm bảo tính bảo mật, tính toàn vẹn và khả năng truy xuất dữ liệu của các thiết bị này.
  • Nền tảng kinh tế mới: Blockchain tạo nền tảng cho các mô hình kinh tế mới, ví dụ như nền tảng kinh tế chia sẻ, nền tảng phi tập trung,... mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người dùng. Trong marketing 6.0, công nghệ blockchain được dự đoán là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng kinh tế mới, thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp và thị trường.

Tóm lại, Công nghệ Blockchain sở hữu tiềm năng to lớn để thay đổi nhiều ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế trong thế giới kỹ thuật số. Với những xu hướng ứng dụng đầy hứa hẹn trên đây, Blockchain hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai của nền kinh tế số và xã hội. Trường Doanh nhân HBR mong rằng bài viết đã cung cấp đến cho quý doanh nghiệp những thông tin hữu ích và thiết thực. 

Thông tin tác giả
Trường doanh nhân HBR ra đời với sứ mệnh là cầu nối truyền cảm hứng và mang cơ hội học tập từ các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế, cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất về lãnh đạo và quản trị từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Wharton, Harvard, MIT Sloan, INSEAD, NUS, SMU… Nhờ vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi ra biển lớn, tạo nên con đường ngắn nhất và nhanh nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger