Mục lục [Ẩn]
- 1. 12 cách quản lý nhân sự hiệu quả
- 1.1. Chọn phong cách quản lý nhân sự riêng
- 1.2. Có những phản hồi rõ ràng và lắng nghe những quan điểm bất công từ nhân viên
- 1.3. Nắm rõ năng lực của từng nhân viên để giao việc
- 1.4. Luân chuyển những nhân viên giỏi thường xuyên
- 1.5. Đặt ra các mục tiêu công việc và tiêu chuẩn đánh giá cho từng cấp bậc
- 1.6. Tạo động lực khích lệ nhân viên làm việc mỗi ngày
- 1.7. Tạo môi trường làm việc nhóm hiệu quả cho toàn nhân viên
- 1.8. Công nhận và khen thưởng cho sự tiến bộ, hiệu quả của nhân viên
- 1.9. Nghiêm túc giải quyết tình trạng kém hiệu quả lặp lại trong tập thể
- 1.10. Quyết định kết thúc đúng thời điểm
- 1.11. Sử dụng các phần mềm quản lý hỗ trợ
- 1.12. Quản lý khối lượng công việc của nhân viên sát sao
- 2. 15 kỹ năng quản lý nhân sự nhà quản trị cần có
- 2.1. Giúp nhân sự thành công trong công việc
- 2.2. Lãnh đạo với sự đồng cảm và thấu hiểu
- 2.3. Quản trị sự thay đổi của tổ chức
- 2.4. Tích cực lắng nghe ý kiến từ nhân viên
- 2.5. Kỹ năng ứng biến linh hoạt
- 2.6. Kỹ năng đào tạo huấn luyện
- 2.7. Kỹ năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- 2.8. Luôn ủng hộ nhân viên
- 2.9. Kỹ năng giải trình khi có vấn đề cấp thiết
- 2.10. Thấu hiểu doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp
- 2.11. Kỹ năng kinh doanh
- 2.12. Kỹ năng phân tích dữ liệu
- 2.13. Kỹ năng tập hợp và tìm kiếm nhiều quan điểm
- 2.14. Luôn phát triển niềm tin
- 2.15. Kỹ năng tuyển dụng
- 3. Kết luận
Con người là yếu tố vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp và để doanh nghiệp hoạt động tốt, phát triển bền vững, người quản lý cần biết cách quản lý nhân sự hiệu quả, linh hoạt. Trong bài viết dưới đây, Trường Doanh Nhân HBR chia sẻ đến các nhà quản trị 15 kỹ năng và 12 cách quản lý nhân sự hiệu quả nhất!
1. 12 cách quản lý nhân sự hiệu quả
Để quản lý nhân sự hiệu quả, nhà quản trị cần giữ “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” mới có thể dùng người đúng việc, hiệu quả. Dưới đây là 12 cách quản lý nhân sự được chia sẻ từ các chuyên gia và nhà lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý.
1.1. Chọn phong cách quản lý nhân sự riêng
Mỗi người quản lý đều có cách quản trị và tương tác với nhân viên theo phong cách riêng của họ. Chính vì thế, trước hết, người quản lý phải lựa chọn và làm chủ được phong cách quản trị riêng của mình để áp dụng. Phong cách quản lý nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của nhà quản trị.
Trước khi lựa chọn phong cách quản lý, hãy cân nhắc một số yếu tố dưới đây:
-
Tính cách và sở thích của người quản lý: Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phong cách quản trị nhân sự bởi vì hầu như phong cách sống, tính cách cá nhân ảnh hưởng nhiều đến cách làm việc và ứng xử. Ví dụ nếu một người sếp có phong cách sống tự do, phóng khoáng sẽ có xu hướng là người thoải mái và rất tâm lý với nhân viên
-
Môi trường kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp: Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tác phong làm việc, phong cách quản lý nhân sự. Ví dụ nếu làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, nhà quản lý sẽ cần tập trung vào kết quả. Nếu như môi trường làm việc có tính sáng tạo cao, nhà quản lý sẽ có xu hướng quản lý tập trung vào nhân sự
-
Mục tiêu của doanh nghiệp: Những mục tiêu chung của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng nhiều đến phong cách quản trị của người quản lý. Ví dụ doanh nghiệp có mục tiêu tăng trưởng nhanh, người quản lý cũng sẽ tập trung vào kết quả. Nếu doanh nghiệp hướng đến xây dựng môi trường làm việc tích cực, người quản lý cũng sẽ có phong cách tập trung quan tâm hơn đến cách làm việc của nhân viên
Dựa vào các yếu tố quan trọng đó, người quản lý có thể xác định phong cách riêng của mình, dưới đây là một số phong cách quản lý nhân sự phổ biến hiện nay:
-
Phong cách tự do: Ưu tiên trao quyền cho nhân viên tự thực hiện và quyết định công việc của mình. Tuy nhiên phong cách này phù hợp với việc quản lý nhân sự có năng lực, kinh nghiệm và làm việc trong môi trường linh hoạt
-
Phong cách tập trung vào kết quả: Đây là phong cách phù hợp với doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh và môi trường cạnh tranh cao
-
Phong cách tập trung vào nhân viên: Phù hợp với nhà quản lý chú trọng đến sự phát triển năng lực và sự thoải mái của nhân viên. Đây là phong cách phù hợp với môi trường doanh nghiệp năng động, xây dựng văn hóa tích hợp
Nhà quản trị nhân sự cũng có thể kết hợp các phong cách quản lý với nhau để tạo ra cách quản trị nhân sự phù hợp và hiệu quả nhất. Ví dụ Tim Cook - CEO Apple có phong cách quản lý vừa tập trung vào kết quả, vừa tập trung vào nhân viên để xây dựng môi trường làm việc độc tập, tự tin và chủ động cải tiến công việc hiệu quả.
XEM THÊM: 9 PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO ĐỂ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ KẾ CẬN TÀI NĂNG
1.2. Có những phản hồi rõ ràng và lắng nghe những quan điểm bất công từ nhân viên
Để nhận được sự kính nể từ nhân viên, nhà quản lý nên rèn luyện khả năng lắng nghe và thấu hiểu những quan điểm bất đồng từ nhân viên. Trước khi đưa ra những lời phê bình và chỉ trích, hãy dành thời gian để giải thích cho họ hiểu về vấn đề họ đang làm sai và lắng nghe tâm tư, chia sẻ. Đồng thời, thay vì chỉ trích sự sai phạm, hãy đưa ra hướng giải quyết giúp nhân viên khắc phục.
Giao tiếp giữa sếp và nhân viên là cuộc trao đổi hai chiều, trong đó người quản lý cần phải sẵn sàng lắng nghe quan điểm từ nhân viên. Lắng nghe quan điểm từ nhân viên là cách giúp nhà quản lý tìm ra nguyên nhân của vấn đề và biết cách xử lý thích đáng.
1.3. Nắm rõ năng lực của từng nhân viên để giao việc
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng" - nhà quản trị nhân sự cần biết cách nhìn người và dùng người. Đánh giá đúng năng lực của nhân viên sẽ giúp nhà quản trị tối ưu được quy trình quản lý và giao việc cho đúng người, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của từng cá nhân, tập thể.
Mỗi nhân viên đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, vì thế, nhà quản trị cần nghiên cứu kỹ về các mặt này của họ. Từ đó, cân nhắc và cẩn trọng hơn trong việc sắp xếp đội ngũ nhân viên với các vị trí phù hợp nhất.
Tránh trường hợp giao sai việc, sai người sẽ khiến kết quả không việc không tốt và ngược lại còn khiến nhân viên chán nản, áp lực và dễ dàng nghỉ việc.
1.4. Luân chuyển những nhân viên giỏi thường xuyên
Honda được biết đến là một trong những công ty có chính sách luân chuyển huấn luyện nhân viên hiệu quả. Các nhà quản trị thường sẽ có xu hướng giữ lại những nhân viên xuất sắc không điều chuyển đi các bộ phận khác nhau.
Tuy nhiên xét về mặt dài hạn, việc luân chuyển nhân viên giỏi sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho công ty. Bởi trên thực tế nếu cứ làm lặp đi lặp lại công việc quá lâu, hết năm này qua năm khác, có thể sẽ khiến họ cảm thấy nhàm chán và không được học hỏi hay phát triển thêm năng lực. Vì thế nếu như không “thay máu", luân chuyển nhân viên giỏi sẽ khiến doanh nghiệp giậm chân tại chỗ, hoặc có thể đi thụt lùi.
Hãy đưa ra các chính sách luân chuyển, đào tạo nhân viên giỏi thường xuyên để những kiến thức của họ được làm mới, năng lực của họ ngày càng phát triển và phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn.
1.5. Đặt ra các mục tiêu công việc và tiêu chuẩn đánh giá cho từng cấp bậc
Đánh giá nhân viên là hoạt động quan trọng không thể thiếu mà các nhà quản trị nhân sự nên thực hiện nếu như muốn đưa doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Để đưa ra tiêu chuẩn đánh giá cho từng cấp nhân viên có thể dựa trên hiệu suất, số giờ làm việc, KPI mẫu. Thông qua đó, nhà quản trị có thể đưa ra các mức đánh giá mức độ làm việc của từng nhân sự, từ đó, theo định kỳ có thể điều chỉnh mức độ công việc, thăng chức, tăng chính sách phúc lợi phù hợp với mức độ cống hiến của nhân viên.
Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng chính sách đánh giá này khá hiệu quả. Cụ thể đó là thể hiện thông qua các đợt review tăng lương định kỳ cho nhân sự hằng năm vào tháng 6, tháng 12…
XEM THÊM: BẬT MÍ CÁCH XÂY DỰNG KPI CHO PHÒNG MARKETING HIỆU QUẢ
1.6. Tạo động lực khích lệ nhân viên làm việc mỗi ngày
Sự khích lệ, động viên sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với sự trì triết và chỉ trích. Tất cả nhân viên đều có mong muốn khi cống hiến sẽ được ghi nhận. Vì thế, nhà quản trị nên có các chính sách thưởng, khích lệ nhân viên để cổ vũ tinh thần làm việc mỗi ngày của họ.
Một nhà quản trị sẽ thành công khi biết tạo động lực cho nhân viên, biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư tình cảm và thấu hiểu sự nỗ lực của nhân viên. Làm tốt điều này, chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ giữ được những nhân viên tận tâm nhất.
1.7. Tạo môi trường làm việc nhóm hiệu quả cho toàn nhân viên
Trong doanh nghiệp, teamwork thực sự rất quan trọng. Xây dựng một môi trường làm việc nhóm hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho hiệu suất công việc tốt hơn, sự gắn kết và hợp tác của các nhân sự với nhau cũng hiệu quả hơn.
Để có thể làm được điều này, nhà quản lý cần có chiến lược quản trị nhân sự hằng ngày liên tục thúc đẩy sự cộng tác giữa các đội nhóm. Đặc biệt, trong quá trình làm việc nhóm, nhà quản lý nên nắm bắt rõ nhu cầu và khả năng của từng người để sắp xếp công việc chung sao cho phù hợp nhất.
1.8. Công nhận và khen thưởng cho sự tiến bộ, hiệu quả của nhân viên
Sự công nhận, khen thưởng sự tiến bộ cho nhân viên rất quan trọng. Đây là phong cách hiệu quả giúp loại bỏ những nhân viên lười biếng và không có trách nhiệm. Hãy đưa ra các chính sách khen thưởng bằng cả tinh thần và vật chất cho nhân viên, thường xuyên nói lời “cảm ơn”, khen “làm tốt lắm" để nhân viên càng có thêm tinh thần nỗ lực cống hiến.
Ví dụ như người quản lý có thể đưa ra những phần thưởng nhỏ như một bữa ăn, một ly cafe… Những phần thưởng tuy nhỏ nhưng lại chính là điều khích lệ tinh thần nhân viên hiệu quả vô cùng.
1.9. Nghiêm túc giải quyết tình trạng kém hiệu quả lặp lại trong tập thể
Nếu như có tình trạng nhân viên thể hiện hiệu suất làm việc kém, người quản lý nên xử lý tình trạng này nhanh chóng và nghiêm túc. Nếu người quản lý ngó lơ đi một vài tình trạng này, đôi khi sẽ làm ảnh hưởng đến các thành viên làm việc tích cực khác, khiến họ cũng dần thờ ơ với công việc. Nhìn nhận thực tế, giải quyết vấn đề không có lợi cho tập thể sẽ giúp bộ phận, doanh nghiệp hướng tới những điều tốt đẹp nhất.
1.10. Quyết định kết thúc đúng thời điểm
Nhà quản trị giỏi là người biết đưa ra quyết định kết thúc đúng thời điểm. Đặc biệt đối với những nhân viên coi thường quy định chung, làm việc không hiệu quả, có những tác động xấu ảnh hưởng đến công việc chung của toàn doanh nghiệp thì việc sa thải ngay là điều nên làm. Bởi giữ lại nhân viên không làm tốt nhiệm vụ sẽ có những hậu quả xấu sau này và khiến toàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp này, nhà quản trị nhân sự đưa ra quyết định càng sớm càng tốt và cần phải đúng thời điểm.
1.11. Sử dụng các phần mềm quản lý hỗ trợ
Hiện nay, với thời đại công nghệ số, việc quản trị nhân sự đã đơn giản hơn khá nhiều. Đặc biệt là đối với những nhà quản trị nắm giữ vai trò quản lý hàng tră, hàng nghìn… nhân sự. Các phần mềm quản lý nhân sự, phân tích khối lượng công việc, đánh giá hiệu suất nhân viên ngày càng nhiều, điều này giúp doanh nghiệp có thể tối ưu được quy trình quản lý nhân viên và tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.
Một số phần mềm quản trị nhân sự hiệu quả mà các nhà quản lý và doanh nghiệp có thể tham khảo đó là: Phần mềm BambooHR, phần mềm Simplehrm, phần mềm VnResource, phần mềm Fast HRM…
Các nhà quản trị nhân sự cũng cần phải nắm rõ cách sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý nhân viên của mình. Bởi thời đại công nghệ số hiện nay, việc số hoá toàn bộ quy trình là xu hướng và là điều tất yếu mà bất cứ nhà quản lý nào cũng cần biết.
1.12. Quản lý khối lượng công việc của nhân viên sát sao
Trong quá trình quản lý nhân sự, sếp cần phải quản lý khối lượng công việc của nhân viên phù hợp và sát sao. Cụ thể, hãy thường xuyên đánh giá xem nhân viên có đang làm việc quá công suất khiến họ kiệt sức, mệt mỏi và không đảm bảo hiệu suất hay không, cần thay đổi và giảm bớt công việc đi bao nhiêu…
Việc quản lý công việc của nhân viên không chỉ đơn giản nhìn vào kết quả, xét nét xem nhân sự có hoàn thành toàn bộ công việc được giao hay chưa mà người quản lý cần quan tâm đến việc nhân viên có thoải mái với khối lượng công việc được giao hay không. Nhà quản lý cần tránh việc bóc lột sức lao động của nhân viên, bởi khi phải làm việc quá sức, nhân viên sẽ không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Khai phá nghệ thuật xây dựng & dẫn dắt đội ngũ đạt hiệu suất tối đa bằng công cụ quản trị nhân sự, kết hợp cùng việc thiết lập phong cách lãnh đạo mang bản sắc cá nhân thông qua khóa đào tạo XÂY DỰNG NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NHÓM với 4 phần nội dung chính:
- Xây dựng nền tảng lãnh đạo: thấu hiểu bản thân & quản trị chính mình
- Nắm chắc các nguyên tắc xây dựng và dẫn dắt đội nhóm vững mãnh
- Kiến tạo tầm nhìn đưa doanh nghiệp tăng trưởng bền vững
- Phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận cho tổ chức
2. 15 kỹ năng quản lý nhân sự nhà quản trị cần có
Để có thể quản trị nhân sự thành công, giữ được người tài, dùng người đúng việc, nhà quản lý cần trau dồi và phát triển nhiều kỹ năng quan trọng. Dưới đây là 15 kỹ năng mà nhà quản lý cần có:
2.1. Giúp nhân sự thành công trong công việc
Hãy trở thành người có thể giúp nhân viên của mình thành công trong công việc, giúp họ đóng góp được nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là kỹ năng mà còn là sứ mệnh của nhà quản lý nhân sự. Kỹ năng này đòi hỏi nhà quản lý phải tích hợp cách dùng người, nhìn người, sắp xếp công việc phù hợp cho từng người và có chiến lược khích lệ tinh thần, xử lý vấn đề nhân viên gặp phải hợp lý.
2.2. Lãnh đạo với sự đồng cảm và thấu hiểu
Kỹ năng lãnh đạo với sự đồng cảm và thấu hiểu là khả năng của nhà lãnh đạo trong việc hiểu rõ cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của nhân viên, từ đó tạo dựng mối quan hệ tin cậy và hợp tác với họ. Kỹ năng này là vô cùng quan trọng đối với nhà lãnh đạo, bởi nó giúp nhà lãnh đạo:
-
Tạo dựng mối quan hệ tin cậy với nhân viên.
-
Giải quyết các vấn đề của nhân viên một cách hiệu quả.
-
Tạo động lực và khuyến khích nhân viên phát triển.
Để có kỹ năng lãnh đạo với sự đồng cảm và thấu hiểu, nhà lãnh đạo cần phải:
-
Hiểu rõ bản thân: Nhà lãnh đạo cần hiểu rõ bản thân mình, bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và niềm tin của mình. Điều này sẽ giúp nhà lãnh đạo thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của người khác một cách tốt hơn
-
Hiểu rõ nhân viên: Nhà lãnh đạo cần dành thời gian để lắng nghe và tìm hiểu về nhân viên, bao gồm nhu cầu, mong muốn, điểm mạnh và điểm yếu của họ
-
Thể hiện sự đồng cảm: Nhà lãnh đạo cần thể hiện sự đồng cảm với nhân viên, cho họ thấy rằng mình hiểu và chia sẻ cảm xúc của họ
-
Tạo môi trường làm việc tích cực: Nhà lãnh đạo cần tạo môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên cảm thấy thoải mái và được tôn trọng
Từ việc đồng cảm và thấu hiểu, sếp có thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến tinh thần, cảm xúc của nhân viên khi làm việc, đưa ra hướng giải quyết vấn đề hiệu quả nhất để khích lệ và duy trì tinh thần hăng hái làm việc cho nhân viên. Đặc biệt, sự thấu hiểu sẽ kéo các mối quan hệ lại gần nhau hơn, tạo ra những sự tương tác có ý nghĩa hơn trong công việc.
2.3. Quản trị sự thay đổi của tổ chức
Quản trị sự thay đổi (Change Management) rất quan trọng đối với nhà quản trị trong các doanh nghiệp hiện nay. Quản trị sự thay đổi là việc quản lý và điều hướng sự thay đổi trong môi trường làm việc để đảm bảo các sự thay đổi đó được thực hiện hiệu quả và ít tác động đến hoạt động chung của doanh nghiệp.
Nhà quản trị nhân sự cần tập trung vào từng cá nhân trong tổ chức. Họ cần biết cách hướng dẫn, thuyết phục và hỗ trợ nhân viên thích nghi với sự thay đổi đó, giúp nhân viên học hỏi và phát triển các kỹ năng mới. Điều quan trọng nhất, người quản lý cần truyền đạt cho nhân viên hiểu lý do của sự thay đổi, giá trị của sự thay đổi đó và giúp học sẵn sàng thay đổi cách làm việc, quan điểm. Nói cách khác, quản lý cần tập trung vào việc khuyến khích, đào tạo, hỗ trợ nhân viên để giúp họ đón nhận, thích nghi với sự thay đổi của doanh nghiệp.
Đây là kỹ năng thực sự cần thiết, bởi thực tế, không ai thích làm việc với quá nhiều sự thay đổi trong quy trình, nếu người quản lý không biết cách xử lý vấn đề này sẽ không giữ được nhân sự gắn bó lâu dài.
Để hiểu rõ hơn về kỹ năng quản trị sự thay đổi, hãy tham khảo bài viết dưới đây:
XEM THÊM: 4 NGUYÊN TẮC VÀNG GIÚP QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI THÀNH CÔNG
2.4. Tích cực lắng nghe ý kiến từ nhân viên
Kỹ năng tích cực lắng nghe ý kiến của nhân viên vô cùng quan trọng đối với nhà quản trị, bởi nó giúp nhà quản trị có thể:
-
Hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của nhân viên: Khi nhân viên trình bày những nhu cầu, mong muốn trong công việc, người quản lý nên dành thời gian lắng nghe, suy xét và giải quyết trong phạm vi hợp lý nhất có thể
-
Giải quyết các vấn đề của nhân viên một cách hiệu quả: Trong quá trình làm việc, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mà nhân viên không giải quyết được, khi họ trình bày, hãy sẵn sàng hỗ trợ giải quyết, không nên tỏ thái độ chỉ trích và phê bình, chê bai năng lực của nhân viên
-
Tạo dựng mối quan hệ tin cậy với nhân viên: Việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng và hỗ trợ nhân viên hết mình sẽ xây dựng mối quan hệ tin cậy, tích cực giữa sếp - nhân viên, điều này giúp công việc hiệu quả và môi trường làm việc dễ chịu hơn
Để có kỹ năng tích cực lắng nghe nhân viên, nhà quản trị cần:
-
Tập trung lắng nghe: Khi nhân viên đang nói, nhà quản trị cần tập trung lắng nghe, không ngắt lời, không làm việc riêng.
-
Thể hiện sự quan tâm: Nhà quản trị cần thể hiện sự quan tâm đến những gì nhân viên đang nói, chẳng hạn như gật đầu, sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực.
Sự lắng nghe tích cực từ nhà quản trị cũng là cơ sở xây dựng niềm tin của nhân viên với sếp, thúc đẩy giao tiếp tích cực, giải quyết các vấn đề thẳng thắn hơn, tránh được việc tạo ra môi trường làm việc tiêu cực và không có sự thấu hiểu giữa sếp với nhân viên.
2.5. Kỹ năng ứng biến linh hoạt
Trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thời điểm có sự hỗn loạn, thay đổi, không chắc chắn về kế hoạch. Vì thế nhà lãnh đạo quản lý nhân sự cần có tính linh hoạt, thành thạo trong việc dẫn dắt và truyền đạt sự thay đổi với nhân viên, thúc đẩy nền văn hoá doanh nghiệp bền vững dù trong bất cứ tình huống nào. Tính ứng biến linh hoạt của người quản lý cũng là cơ sở giúp tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho nhân viên khi làm việc.
2.6. Kỹ năng đào tạo huấn luyện
Kỹ năng đào tạo huấn luyện đối với nhà lãnh đạo rất quan trọng. Việc huấn luyện, đào tạo nhân viên sẽ giúp cải thiện kỹ năng, năng lực của nhân viên trong lĩnh vực làm việc, đồng thời tăng mức độ gắn kết với doanh nghiệp và tổ chức. Song song với kỹ năng đào tạo, huấn luyện, nhà quản trị cũng cần phải học hỏi liên tục, tự nâng cấp trình độ của bản thân để kịp thời có thể truyền đạt lại cho nhân viên cấp dưới của mình hiệu quả nhất.
Ví dụ như khi có nhân sự mới vào công ty, nhà quản lý cần tổ chức các buổi đào tạo hộp nhập, đào tạo sản phẩm, training về quy trình làm việc… cho nhân viên của mình. Việc này vừa giúp nhân viên hòa nhập nhanh chóng đồng thời bắt kịp công việc một cách hiệu quả từ đó nâng cao hiệu suất chung của cả bộ phận.
2.7. Kỹ năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp tốt chính là môi trường giữ được chân nhân tài và tạo ra những giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Để xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững, nhà lãnh đạo cần có các kỹ năng tạo dựng ra các yếu tố sau:
-
Xây dựng giá trị và niềm tin cho nhân viên: Khiến nhân viên cảm nhận được giá trị của bản thân mình khi cống hiến cho doanh nghiệp
-
Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Xây dựng môi trường làm việc tích cực được xây dựng dựa trên các giá trị và niềm tin của doanh nghiệp, tạo ra cảm giác thoải mái và gắn bó cho nhân viên. Tạo không gian làm việc có sự lắng nghe, thấu hiểu, giúp nhân viên cảm thấy mình được trân trọng và nhận lợi ích tương xứng
Việc xây dựng văn hóa vững chãi mang lại nhiều lợi ích cho bộ phận và doanh nghiệp ví dụ như:
-
Thu hút và giữ chân nhân tài
-
Tăng cường sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp
-
Tăng cường năng suất và hiệu quả làm việc của nhân viên
Để có thể xây dựng văn hóa vững chãi, cá nhân ban lãnh đạo cần rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong vừng cử chỉ, hành vi và tác phong làm việc, giao tiếp với nhân viên.
2.8. Luôn ủng hộ nhân viên
Các nhà lãnh đạo nên tập trung vào việc giúp đỡ các thành viên trong nhóm làm việc, tăng cường việc hỗ trợ để giúp nhân viên hoàn thành công việc tốt nhất. Sự ủng hộ, hỗ trợ là cơ sở tạo dựng niềm tin của nhà lãnh đạo và nhân viên. Nếu một nhân viên cảm nhận được họ luôn được ủng hộ, luôn nhận được sự quan tâm từ sếp, từ những người xung quanh, chắc chắn họ sẽ vui vẻ cống hiến và có mong muốn làm việc lâu dài hơn.
2.9. Kỹ năng giải trình khi có vấn đề cấp thiết
Kỹ năng giải trình khi có vấn đề cấp thiết của nhà quản trị là khả năng trình bày một cách rõ ràng, ngắn gọn và thuyết phục về tình trạng của vấn đề, nguyên nhân gây ra vấn đề, cách thức giải quyết vấn đề và kết quả đạt được. Kỹ năng này là vô cùng quan trọng đối với nhà quản trị, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp, cần có sự giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.
Một nhà quản trị có kỹ năng giải trình tốt sẽ có thể:
-
Giúp cấp trên, đồng nghiệp và nhân viên hiểu rõ tình trạng của vấn đề, nguyên nhân gây ra vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp các bên liên quan cùng thống nhất và phối hợp để giải quyết tình trạng cấp bách hiệu quả nhất
-
Tạo dựng niềm tin và sự tin tưởng của cấp trên, đồng nghiệp và nhân viên. Một nhà quản trị có thể giải trình vấn đề một cách rõ ràng, thuyết phục sẽ được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo và xử lý tình huống
-
Giảm thiểu tác động tiêu cực của vấn đề. Việc nhàn quản trị giải trình vấn đề một cách hợp lý sẽ giúp giảm thiểu sự lo lắng, hoang mang của cấp trên, đồng nghiệp và nhân viên, từ đó giúp ổn định tình hình và tập trung giải quyết vấn đề hiệu quả hơn
Để có kỹ năng giải trình khi có vấn đề cấp thiết, nhà quản trị cần:
-
Hiểu rõ tình trạng của vấn đề đang gặp phải
-
Xác định mục tiêu của việc giải trình
-
Chuẩn bị nội dung giải trình rõ ràng, có sức thuyết phục
Để việc giải trình các vấn đề cấp bách hiệu quả, các nhà quản lý nên lưu ý những vấn đề sau đây:
-
Giải trình bằng văn bản nếu vấn đề phức tạp hoặc có nhiều thông tin cần cung cấp
-
Giải trình trực tiếp nếu vấn đề đơn giản hoặc cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan
-
Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giải trình và nêu ví dụ cụ thể để minh họa cho vấn đề
-
Chuẩn bị sẵn sàng các câu hỏi thường gặp để trả lời
Nhà quản trị cần rèn luyện kỹ năng này thường xuyên để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức và đem lại sự yên tâm cho nhân viên trong quá trình làm việc.
2.10. Thấu hiểu doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp
Để có thể phát triển kế hoạch làm việc cho nhân viên hiệu quả, nhà quản lý cần phải hiểu rõ doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp. Bởi chỉ khi nắm rõ nhu cầu của người dùng, nhà quản lý mới có thể tuyển dụng, sử dụng nhân sự phù hợp với việc tạo ra sản phẩm/ giá trị đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cho doanh nghiệp.
Không những thế, việc thấu hiểu doanh nghiệp cũng giúp nhà quản lý có thêm kiến thức chuyên môn để truyền đạt, đào tạo nhân viên mới của mình làm việc theo tôn chỉ, mục tiêu chung.
2.11. Kỹ năng kinh doanh
Kỹ năng kinh doanh sẽ giúp nhà quản trị nhân sự có thể giao tiếp tốt hơn và xây dựng chiến lược liên ngành hiệu quả. Hiện nay kiến thức về tài chính, công nghệ, kinh doanh thực sự rất cần thiết. Vì thế, khi đã làm việc trong một doanh nghiệp, nhà quản trị nhân sự không thể không trau dồi kiến thức về kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay giữa rừng kiến thức hỗn tạp và truyền tải qua nhiều phương tiện khác nhau, nhà quản trị cần chắt lọc thật kỹ thông tin trước khi học tập. Và để có thể hệ thống kiến thức cũng như kỹ năng kinh doanh một cách hợp lý, mời độc giả tham khảo các chương trình đào tạo bài bản của Trường Doanh Nhân HBR.
2.12. Kỹ năng phân tích dữ liệu
Hiện nay, dữ liệu đã trở thành big data, trí tuệ nhân tạo phổ biến, các dữ liệu kỹ thuật số hầu như đều xuất hiện trong mọi công việc. Vì thế, nhà quản trị phải trau dồi kỹ năng phân tích dữ liệu để quản lý nhân viên và theo dõi, đánh giá hiệu suất công việc tốt hơn. Việc hiểu và phân tích dữ liệu cũng giúp nhà quản lý có thể tối ưu quy trình làm việc và nâng cao hiệu suất quản lý của mình.
2.13. Kỹ năng tập hợp và tìm kiếm nhiều quan điểm
Nhà quản lý nên hiểu rằng tất cả các vấn đề, câu chuyện đều có nhiều mặt. Vì thế, họ cần rèn luyện kỹ năng tập hợp, tìm kiếm và nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh, quan điểm khác nhau, tránh nhìn nhầm và quy chụp một chiều. Điều này sẽ giúp nhà quản lý có thể thấu hiểu nhân viên hơn, giải quyết các vấn đề liên quan đến bất đồng quan điểm của nhân sự hiệu quả hơn.
2.14. Luôn phát triển niềm tin
Các nhà quản trị nhân sự cần phát triển niềm tin trong tổ chức. Bởi lẽ nhà quản lý nhân sự không chỉ sử dụng nhân viên để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà song song với đó phải đảm bảo đáp ứng lợi ích cho nhân viên tương xứng với công sức của họ. Việc khéo léo trong việc xử lý 2 chiều này sẽ giúp nhà quản lý nhân sự có thể tạo dựng niềm tin với nhân viên và phát triển mối quan hệ khăng khít giữa nhân viên với doanh nghiệp theo hướng tích cực.
2.15. Kỹ năng tuyển dụng
Kỹ năng tuyển dụng rất quan trọng đối với nhà quản lý. Trong đó kỹ năng tuyển dụng bao gồm việc tìm kiếm nguồn ứng viên, phỏng vấn, sàng lọc CV, đàm phán lương thưởng và đưa ra các đề nghị. Nắm vững quy trình và cách thực hiện tuyển dụng nhân sự như trên sẽ giúp nhà quản lý có thể chủ động tìm kiếm được nhân viên phù hợp với vị trí mà mình đang mong muốn. Không chỉ riêng với những nhà quản trị nhân sự mà bất cứ vị trí quản lý nào cũng nên rèn luyện kỹ năng này!
XEM THÊM: 9 BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TUYỂN DỤNG HIỆU QUẢ ĐỂ THU HÚT NHÓM ỨNG VIÊN TÀI NĂNG
3. Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về các cách quản lý nhân sự hiệu quả mà các nhà quản trị nên hiểu rõ và ứng dụng. Hy vọng các quý lãnh đạo sẽ biết cách dùng người đúng việc và hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững!