Mục lục [Ẩn]
- 1. Supply Chain là gì?
- 2. Vai trò của Supply Chain trong doanh nghiệp
- 3. Các mô hình Supply Chain
- 3.1. Mô hình dòng chảy liên tục (Continuous Flow Model)
- 3.2. Mô hình chuỗi nhanh (Fast Chain Model)
- 3.3. Mô hình chuỗi cung ứng linh hoạt (Flexible Supply Chain Model)
- 3.4. Mô hình chuỗi cung ứng hợp tác (Collaborative Supply Chain Model)
- 3.5. Mô hình chuỗi cung ứng theo nhu cầu (Demand-Driven Supply Chain Model)
- 2. Hoạt động quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management)
- 2.1. Lập kế hoạch
- 2.2. Thu mua
- 2.3. Sản xuất
- 2.4. Kho bãi và lưu trữ
- 2.5. Phân phối
- 2.6. Dịch vụ khách hàng
- 3. Giải pháp vận hành chuỗi cung ứng - Supply Chain hiệu quả cho doanh nghiệp
- 4. Xu hướng phát triển của Supply Chain trong tương lai
Theo một nghiên cứu của Gartner, có 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý rằng Supply Chain là yếu tố then chốt cho sự thành công trong tương lai. Một chuỗi cung ứng hiệu quả giúp doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao năng suất lao động. Hãy cùng Trường Doanh nhân HBR khám phá giải pháp để tối ưu hoạt động chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.
1. Supply Chain là gì?
Supply Chain, hay còn gọi là chuỗi cung ứng, là một hệ thống liên kết các tổ chức, hoạt động, thông tin và nguồn lực liên quan đến việc sản xuất và phân phối sản phẩm từ nguyên liệu thô đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Nói một cách đơn giản, Supply Chain bao gồm tất cả các bước cần thiết để đưa sản phẩm từ ý tưởng ban đầu đến tay khách hàng, bao gồm: tìm kiếm nguồn cung ứng, mua sắm, sản xuất, kho bãi, lưu trữ, phân phối, dịch vụ khách hàng…
Ví dụ về Supply Chain:
- Chuỗi cung ứng thực phẩm: Bao gồm các nhà sản xuất nông nghiệp, nhà chế biến thực phẩm, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và siêu thị.
- Chuỗi cung ứng may mặc: Bao gồm các nhà sản xuất dệt may, nhà thiết kế thời trang, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và cửa hàng thời trang.
- Chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại thông minh: Bao gồm các nhà cung cấp linh kiện điện tử, nhà sản xuất điện thoại, nhà phân phối và đại lý bán lẻ.
2. Vai trò của Supply Chain trong doanh nghiệp
Ngành logistics và chuỗi cung ứng chiếm hơn 10% GDP toàn cầu (13,5 nghìn tỷ USD vào năm 2022) tạo ra hơn 350 triệu việc làm trên toàn thế giới và dự kiến thị trường quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đạt giá trị 24,5 tỷ USD vào năm 2026.
Supply Chain đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một tổ chức hoặc một hệ thống sản xuất. Vai trò chính của Supply Chain là đảm bảo các nguồn lực, vật liệu, thông tin và dịch vụ cung cấp từ ý tưởng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Supply Chain mang lại những lợi ích sau đây:
- Đảm bảo nguồn cung ổn định: Supply Chain giúp doanh nghiệp tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp uy tín, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, vật liệu ổn định để sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách kịp thời.
- Tối ưu hóa chi phí: Supply Chain hiệu quả giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vận chuyển, lưu kho, sản xuất và phân phối bằng cách sắp xếp hợp lý các hoạt động trong chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí và nâng cao lợi nhuận.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra thông quan quản lý chuỗi cung ứng. Từ đó, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ.
- Tăng khả năng cạnh tranh: Một Supply Chain hiệu quả giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. Ví dụ như cung cấp sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả tốt hơn, đáp ứng các nhu cầu nhanh chóng và hiệu quả hơn
- Phát triển thị trường: Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Ví dụ như phân phối sản phẩm đến nhiều khu vực khác nhau, tiếp cận các phân khúc khách hàng mới với nhu cầu đa dạng.
- Xây dựng hình ảnh thương hiệu: Một chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng, thể hiện cam kết của mình về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
3. Các mô hình Supply Chain
Có nhiều mô hình chuỗi cung ứng khác nhau, mỗi mô hình có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp với những ngành nghề và tình huống cụ thể. Dưới đây là một số mô hình Supply Chain phổ biến:
3.1. Mô hình dòng chảy liên tục (Continuous Flow Model)
Phù hợp cho các sản phẩm có nhu cầu ổn định và dự báo được chính xác. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng được thực hiện liên tục, đồng bộ với nhau để đảm bảo sản phẩm được lưu thông suôn sẻ. Thường ứng dụng trong sản xuất ô tô, sản xuất đồ điện tử, sản xuất nước giải khát...
3.2. Mô hình chuỗi nhanh (Fast Chain Model)
Phù hợp cho các sản phẩm có vòng đời ngắn và nhu cầu thay đổi nhanh chóng. Các hoạt động trong Supply Chain được thực hiện nhanh chóng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Ví dụ như thời trang, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng...
3.3. Mô hình chuỗi cung ứng linh hoạt (Flexible Supply Chain Model)
Phù hợp cho các sản phẩm có nhu cầu khó dự đoán và thị trường biến động mạnh cần phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường. Điển hình như công nghiệp hàng không, sản xuất thiết bị y tế...
3.4. Mô hình chuỗi cung ứng hợp tác (Collaborative Supply Chain Model)
Dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và rủi ro. Mục tiêu của mô hình này là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của toàn bộ chuỗi cung ứng. Ví dụ như Supply Chain của bia Heineken, thương hiệu máy tính Dell
3.5. Mô hình chuỗi cung ứng theo nhu cầu (Demand-Driven Supply Chain Model)
Tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng được điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Ví dụ: ngành bán lẻ trực tuyến, ngành dịch vụ khách hàng...
Ngoài ra, còn có một số mô hình Supply Chain khác như mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu, mô hình chuỗi cung ứng xanh,... Việc chọn lựa mô hình Supply Chain cần phù hợp với đặc thù ngành nghề kinh doanh, sản phẩm và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
2. Hoạt động quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management)
Báo cáo Viện Quản lý Chuỗi Cung Ứng (Institute for Supply Chain Management - ISCM) năm 2023, đã khảo sát hơn 1.000 chuyên gia Supply Chain trên toàn cầu và kết quả 95% chuyên gia đồng ý rằng quản lý Supply Chain hiệu quả có tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy quản lý chuỗi cung ứng là hoạt động như thế nào?
Quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management - SCM) bao gồm việc quản lý các hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên vật liệu, sản xuất, vận chuyển, phân phối và bán hàng để đảm bảo sản phẩm được đưa đến tay khách hàng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Quá trình quản lý chuỗi cung ứng cơ bản sẽ bao gồm các bước sau:
2.1. Lập kế hoạch
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quản lý chuỗi cung ứng. Ở bước này, doanh nghiệp sẽ xác định nhu cầu thị trường, dự báo doanh số, lập kế hoạch sản xuất...
Dựa trên kế hoạch, doanh nghiệp sẽ xác định nguồn nguyên liệu, nhà cung cấp, công suất sản xuất cần thiết. Lập kế hoạch hiệu quả giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu rủi ro và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt nhất.
>>> XEM THÊM: 9 BƯỚC LẬP KẾ HOẠCH BÁN HÀNG CHI TIẾT, HIỆU QUẢ
2.2. Thu mua
Doanh nghiệp sẽ lựa chọn nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng nguyên liệu và linh kiện đầu vào. Việc thu mua hiệu quả giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu giá tốt, chất lượng cao, đảm bảo tiến độ sản xuất và giảm thiểu rủi ro thiếu hụt vật liệu.
2.3. Sản xuất
Sản xuất là giai đoạn biến đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm hoàn chỉnh. Doanh nghiệp cần đảm bảo quy trình sản xuất hiệu quả, an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, tự động hóa quy trình sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
2.4. Kho bãi và lưu trữ
Sản phẩm sau khi sản xuất cần được lưu trữ trong kho bãi an toàn, đảm bảo điều kiện bảo quản phù hợp để tránh hư hỏng. Doanh nghiệp cần quản lý kho bãi hiệu quả để theo dõi số lượng hàng hóa, tối ưu hóa diện tích kho và giảm thiểu chi phí lưu kho.
2.5. Phân phối
Sản phẩm sau khi lưu kho sẽ được phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ hoặc trực tiếp đến tay khách hàng. Doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp, đảm bảo sản phẩm được giao hàng đúng thời hạn, nguyên vẹn và tiết kiệm chi phí.
2.6. Dịch vụ khách hàng
Dịch vụ khách hàng là một phần quan trọng trong vận hành của một chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần cung cấp dịch vụ khách hàng chu đáo, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ khách hàng kịp thời để tạo dựng lòng tin và giữ chân khách hàng. Dịch vụ khách hàng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và tạo dựng hình ảnh thương hiệu uy tín.
Quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, SCM giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, phát hiện nguy cơ tiềm ẩn về nguyên vật liệu đầu vào đến chất lượng thành phẩm.
3. Giải pháp vận hành chuỗi cung ứng - Supply Chain hiệu quả cho doanh nghiệp
Theo Garnet, 80% doanh nghiệp coi quản lý chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để thành công và 70% doanh nghiệp đang đầu tư vào việc cải thiện chuỗi cung ứng của họ. Vậy các doanh nghiệp làm thế nào để quản lý Supply Chain hiệu quả?
Sau đây là một số giải pháp hiệu quả dành cho doanh nghiệp:
- Quản lý chuỗi cung ứng theo thời gian thực: Bao gồm sử dụng các công nghệ như RFID và IoT để theo dõi vị trí hàng hóa trong thời gian thực, giúp doanh nghiệp xác định và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng việc phần mềm quản lý dựa trên đám mây với khả năng để truy cập dữ liệu và phân tích theo thời gian thực và dùng các mô hình dự báo nhu cầu để tối ưu hóa hàng tồn kho và tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa sản phẩm.
- Duy trì mối quan hệ hợp tác phát triển với các nhà cung ứng: Trước hết doanh nghiệp cần chọn các nhà cung cấp có khả năng cung cấp sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và giao hàng đúng hạn. Hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp bằng cách chia sẻ thông tin và kế hoạch để đảm bảo sự đồng bộ trong hoạt động.
- Ứng dụng công nghệ để cải thiện quy trình: Sử dụng công nghệ giúp tự động hoá các quy trình thủ công tốn kém thời gian và dễ sai sót. AI và Machine Learning có khả năng phân tích dữ liệu, dữ báo nhu cầu, tối ưu các quy trình và hỗ trợ ban lãnh đạo ra quyết định hiệu quả hơn.
Dưới đây là một số phần mềm, công cụ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả được tin dùng hiện nay:
- SAP: Là phần mềm quản lý chuỗi cung ứng toàn diện, được sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Không chỉ cung cấp đầy đủ các tính năng quản lý chuỗi cung ứng, từ thu mua, sản xuất, kho bãi đến phân phối, phần mềm này còn có khả năng tích hợp cao với các hệ thống khác trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư phần mềm này khá cao.
- Oracle Cloud: Là phần mềm quản lý chuỗi cung ứng dựa trên đám mây, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai và sử dụng. Chi phí vận hành vì thế cũng thấp hơn so với phần mềm SCM truyền thống. Công cụ này cung cấp đầy đủ các tính năng quản lý chuỗi cung ứng, với khả năng mở rộng linh hoạt. Tuy nhiên, cần có kết nối internet mới sử dụng được.
- Infor: Là phần mềm được thiết kế với các tính năng chuyên sâu cho các ngành công nghiệp cụ thể, như sản xuất, bán lẻ... Phần mềm này có khả năng tùy chỉnh cao nên chi phí phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
- JDA: Là phần mềm có nhiều tính năng mạnh mẽ để tối ưu hóa hàng tồn kho, vận chuyển, sản xuất... giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Phần mềm này yêu cầu người sử dụng có chuyên môn cao.
- Manhattan: Là phần mềm quản lý chuỗi cung ứng phù hợp với các các doanh nghiệp có hoạt động kho bãi và phân phối phức tạp.
4. Xu hướng phát triển của Supply Chain trong tương lai
Báo cáo của Deloitte: "Global Supply Chain Trends: 2023 and Beyond" đã xác định 10 xu hướng chính của chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2023 và những năm tới. Cụ thể như sau:
- Thương mại năng lượng toàn cầu: Nắm bắt hoạt động thương mại năng lượng và các mối quan hệ ngày càng năng động
- Áp dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI): Khai thác sức mạnh của Generative AI cho các giải pháp đổi mới và tạo ra giá trị mới.
- Chuỗi cung ứng tuần hoàn: Triển khai chuỗi cung ứng để hỗ trợ đầu tư tuần hoàn.
- Tăng cường tính bền vững và niềm tin: Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình để xây dựng niềm tin với khách hàng và các bên liên quan.
- Chuỗi cung ứng linh hoạt: Phát triển chuỗi cung ứng có khả năng thích ứng nhanh chóng với những gián đoạn và thay đổi.
- Chuỗi cung ứng gần: Tận dụng sản xuất và chuỗi cung ứng gần để giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng phục hồi.
- Chuỗi cung ứng số: Tăng cường sử dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến để tự động hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
- Chuỗi cung ứng theo nhu cầu: Phản ứng nhanh chóng với nhu cầu của khách hàng và thị trường bằng cách điều chỉnh sản xuất và phân phối linh hoạt.
- Chuỗi cung ứng nhân lực: Phát triển và thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng trong tương lai.
- Chuỗi cung ứng có mục đích: Sử dụng chuỗi cung ứng để tạo ra tác động xã hội và môi trường tích cực.
Ví dụ về doanh nghiệp áp dụng các xu hướng Supply Chain là:
- Alibaba: Xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu kết nối các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới, giúp cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí
- IKEA: Sử dụng các nguyên vật liệu tái chế và năng lượng tái tạo trong sản xuất, giúp giảm thiểu tác động môi trường.
- Procter & Gamble: Sử dụng AI để dự đoán nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa quy trình sản xuất, giúp giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận.
Từ các xu hướng phát triển của Supply Chain và ví dụ ở trên, các doanh nghiệp có thể áp dụng một số hoạt động để thích ứng và tiên phong phát triển như:
- Đầu tư vào công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, AI, Big Data và Blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
- Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt: Có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường và nhu cầu của khách hàng.
- Cam kết phát triển bền vững: Giảm thiểu tác động môi trường và xã hội của chuỗi cung ứng và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm.
- Hợp tác với các bên liên quan: Hợp tác với nhà cung cấp, khách hàng, nhà vận chuyển và các bên liên quan khác để cùng nhau nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng.
Supply Chain đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, sự phát triển của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa. Do đó, để thích ứng với những thay đổi này, chuỗi cung ứng trong tương lai cần hướng đến sự linh hoạt, hiệu quả và bền vững.
Tóm lại, Supply Chain là một hoạt động quan trọng đảm bảo sự vận hành thông suốt, hiệu quả và bền vững cho doanh nghiệp. Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín trong lòng người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh. Trường Doanh nhân HBR mong rằng, qua bài viết này quý doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thông tin để ứng dụng vào cải thiện chất lượng quản lý chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp.