Mục lục [Ẩn]
- 1. Sơ lược về marketing du kích
- 1.1. Định nghĩa marketing du kích
- 1.2. Đặc điểm của marketing du kích
- 2. 5 chiến thuật marketing du kích phổ biến
- 2.1. Marketing du kích ngoài trời (Outdoor guerrilla marketing)
- 2.2. Marketing du kích trong nhà (Indoor guerrilla marketing)
- 2.3. Marketing du kích sự kiện (Event ambush guerrilla marketing)
- 2.4. Marketing du kích trải nghiệm (Experiential guerrilla marketing)
- 2.5. Marketing du kích kỹ thuật số (Digital guerilla marketing)
- 3. Đánh giá ưu điểm và nhược điểm của chiến lược marketing du kích
- 3.1. Ưu điểm
- 3.2. Nhược điểm
- 4. Kết luận
Marketing du kích là chiến thuật tiếp thị sáng tạo, độc đáo và tiết kiệm chi phí. Do vậy, đây là lựa chọn tiếp thị yêu thích của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy marketing du kích là gì? Làm thế nào để triển khai hoạt động marketing du kích? Trong bài viết dưới đây, Trường Doanh Nhân HBR sẽ bật mí 5 chiến thuật marketing du kích bất bại giúp doanh nghiệp ghi điểm trọn vẹn trong mắt khách hàng.
1. Sơ lược về marketing du kích
Trước khi tìm hiểu các chiến thuật marketing du kích, doanh nghiệp cần được trang bị kiến thức cơ bản về định nghĩa cũng như các đặc điểm nổi bật của loại hình tiếp thị này.
1.1. Định nghĩa marketing du kích
Marketing du kích có nguồn gốc từ thuật ngữ tiếng anh “Guerrilla marketing”, xuất hiện lần đầu trong cuốn sách Guerilla Marketing của tác giả Jay Conrad Levinson vào năm 1984.
Marketing du kích là một giải pháp sáng tạo nhằm thay thế hình thức tiếp thị truyền thống, trong đó doanh nghiệp sẽ sử dụng những cách thức tương tác khác thường nhằm gây bất ngờ cho khách hàng, từ đó giúp quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.
Đúng như tên gọi, hình thức marketing này được lấy cảm hứng từ lối đánh du kích trong thời kỳ chiến tranh. Lối đánh du kích bao gồm các hình thức phục kích, đánh úp bất ngờ, đánh nhanh chớp nhoáng và rút lui khẩn trương, vì vậy khiến đối phương không kịp trở tay.
Mục đích cốt lõi của marketing du kích là tập trung tạo ra những yếu tố bất ngờ bằng những cách thức độc đáo, không theo nguyên tắc thông thường nhằm làm cho đối tượng tiếp xúc phải vỡ oà vì ngạc nhiên, thậm chí cảm thấy sốc. Từ đó, họ sẽ có có ấn tượng sâu sắc và khó quên về sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang muốn quảng bá.
Nền tảng của marketing du kích là suy nghĩ sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ của chuẩn mực thông thường. Do đó, để thực hiện marketing du kích, doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ phương thức nào miễn là nó độc đáo, tiết kiệm chi phí và phù hợp với mục tiêu marketing chung của doanh nghiệp.
1.2. Đặc điểm của marketing du kích
Theo tác giả Jay Conrad Levinson trong cuốn “Guerrilla Marketing”, loại hình marketing du kích có những đặc điểm nổi bật sau:
- Kinh phí thấp: So với tiếp thị truyền thống, chi phí để triển khai chiến lược marketing du kích thấp hơn rất nhiều, vì vậy đây là lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Tính bất ngờ: Marketing du kích sử dụng yếu tố bất ngờ để gây ngạc nhiên tột độ cho người tiêu dùng, khiến họ “đứng hình” vì không thể tin những gì đang diễn ra trước mắt mình. Do đó, nó có khả năng tác động mạnh mẽ đến trí tưởng tượng của người tiêu dùng, khiến họ đi từ ngạc nhiên đến thích thú và ấn tượng
- Tính sáng tạo: Marketing du kích không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc cố định nào, vì vậy nó cho phép những người làm marketing sáng tạo ra những điều không tưởng
- Sự kết nối: Đặc điểm của chiến lược marketing du kích là đánh giá mức độ thành công dựa trên khả năng thiết lập mối quan hệ và sự gắn kết với khách hàng
- Tập trung vào một đối tượng: Chiến lược marketing du kích tập trung tiếp thị cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, đảm bảo khách hàng sẽ dành toàn bộ sự quan tâm cho sản phẩm, dịch vụ đó mà không bị phân tán bởi các mặt hàng khác
- Xuất hiện mọi lúc mọi nơi: Để tăng tính bất ngờ, hình thức tiếp thị du kích có thể được triển khai ở bất kỳ địa điểm nào và tại bất kỳ thời điểm nào mà khách hàng không thể ngờ tới. Đó có thể là trên đường phố, ga tàu, bến xe buýt, bãi, trung tâm mua sắm, sự kiện cộng đồng…
- Đánh nhanh rút nhanh: Các chiến lược marketing du kích thường được triển khai trong thời gian ngắn, vì vậy doanh nghiệp sẽ chuyển sang hình thức tiếp thị mới ngay sau khi chiến lược marketing du kích đạt được thành công vang dội
>>> XEM THÊM: INBOUND MARKETING LÀ GÌ? TẤT TẦN TẬT KIẾN THỨC VỀ INBOUND MARKETING
2. 5 chiến thuật marketing du kích phổ biến
Trên thực tế, marketing du kích có nhiều biến thể khác nhau và được ứng dụng linh hoạt, sáng tạo nhằm mang đến hiệu quả tiếp thị cao nhất. Tuy nhiên, về cơ bản, marketing du kích được chia thành 5 loại chiến thuật phổ biến. Đó là marketing du kích ngoài trời, marketing du kích trong nhà, marketing du kích sự kiện, marketing du kích trải nghiệm và marketing du kích kỹ thuật số.
2.1. Marketing du kích ngoài trời (Outdoor guerrilla marketing)
Marketing du kích ngoài trời hay Outdoor guerilla marketing là chiến thuật tiếp thị được triển khai ở không gian bên ngoài bằng cách thêm thắt những yếu tố khác thường vào môi trường xung quanh. Hình thức marketing này thường diễn ra ở những khu vực đô thị với mật độ dân cư đông đúc, nhiều người qua lại. Đó có thể là trên đường phố, trạm dừng xe buýt, công viên hay tượng đài,...tất cả những nơi có khả năng thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo khách hàng.
Nhằm tạo ra yếu tố khác thường cho một môi trường vốn đã quá quen thuộc, đội ngũ marketing có thể sáng tạo các chi tiết mới lạ ngay trên chính cảnh quan đô thị có sẵn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách vẽ thêm các chi tiết mới lạ trên các bức tượng trong thành phố, đặt một vật thể với kích thước lớn hoặc nhỏ bất thường trong công viên hay đặt các tác phẩm nghệ thuật độc đáo ngay trên vỉa hè và đường phố.
Dưới đây là một số loại hình phổ biến của chiến thuật tiếp thị du kích ngoài trời:
1 - Graffiti
Graffiti là một loại hình nghệ thuật đường phố phổ biến, dùng để chỉ các bức tranh phun sơn được vẽ trên mặt tường ở các khu phố, khu dân cư. Tranh vẽ Graffiti được tạo thành bởi những hình thù hoặc chữ viết nguệch ngoạc, đầy màu sắc, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người xem.
Chẳng hạn như ở Somali, không khó để bắt gặp các banner hay biển hiệu được phủ kín màu sắc bởi các bức tranh Graffiti hài hước, vui nhộn.
2 - Stencil graffiti
Stencil graffiti là một kỹ thuật vẽ độc đáo trong loại hình graffiti nói chung. Theo đó, người vẽ sẽ sử dụng một khung cố định (thường được làm bằng giấy), sau đó áp sát vào tường và phun sơn trực tiếp lên phần khung giấy đó. Bằng cách này, hình vẽ trên khung giấy sẽ ngay lập tức xuất hiện trên tường.
Thay vì thuê các họa sĩ chuyên nghiệp với mức chi phí cao, doanh nghiệp có thể sử dụng các khung giấy có sẵn và bắt tay vào việc sáng tạo các hình vẽ độc đáo trên tường nhằm quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.
3 - Reverse Graffiti
Reverse Graffiti hay Graffiti ngược là hình thức loại bỏ một lớp sơn và một lớp bụi để tạo nên các hình vẽ có khả năng bám tạm thời trên tường. Do vậy, Graffiti ngược được đánh giá là một giải pháp tuyệt vời không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và còn nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường.
Nike có lẽ là một trong những thương hiệu tiên phong và thành công rực rỡ khi ứng dụng loại hình nghệ thuật này trong marketing du kích. Nhận thấy sự liên kết giữa dòng giày Air Max với nghệ thuật đường phố, năm 2019, Nike đã thực hiện một chiến dịch marketing mang tên “Air Max Graffiti Stores” tại São Paulo, Brazil.
Sao Paulo được mệnh danh là thủ phủ của những bức tranh tường. Tuy nhiên, hầu hết các nhân vật trong những bức tranh tường ở thành phố này đều không mang giày. Do đó, Nike đã chiêu mộ các họa sĩ đến và vẽ thêm những đôi giày Air Max cho các nhân vật trên những bức tường có sẵn này. Kết quả là, ý tưởng độc đáo này đã giúp Nike bán hết toàn bộ dòng giày đôi giày Air Max và tăng doanh số bán hàng 32%.
Một ví dụ điển hình khác có lẽ là Green Works - một thương hiệu sản xuất chất tẩy rửa và làm sạch tự nhiên. Năm 2008, hoạ sĩ Moose đã hợp tác cùng Green Works trong chiến dịch vẽ một bức tranh tường dài tới 140 foo nhằm quảng bá cho một sản phẩm tẩy rửa. Nhằm làm nổi bật tính năng của sản phẩm, thương hiệu này đã lựa chọn đoạn bê tông gần đường hầm Broadway của San Francisco - một trong những địa điểm ô nhiễm nhất của thành phố. Theo Ads of the World, bức tranh này đã tạo được tiếng vang lớn và vẫn tồn tại hơn một năm sau ngày hoàn thành.
4 - Miếng dán
Bên cạnh tranh tường, những miếng dán hay sticker cũng là một ý tưởng sáng tạo mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tiếp thị cho sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của mình.
Không chỉ các sticker truyền thống, ngày nay nhiều doanh nghiệp còn sáng tạo ra các sticker có khả năng chuyển động trực tuyến. Doanh nghiệp có thể thiết kế logo thương hiệu dưới dạng sticker, miếng dán, sau đó gắn lên cửa kính oto hay đặt trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm. Điều này giúp thu hút sự chú ý của nhiều người, đồng thời giúp lan tỏa thương hiệu một cách nhanh chóng.
Folger - một thương hiệu cà phê nổi tiếng đã thực hiện một ý tưởng hết sức độc đáo khi sử dụng những miếng dán để lấp đầy hố ga trên đường. Tại New York, Folger đã trang trí cho những hố ga vốn xấu xí và bẩn thỉu bằng những miếng dán hình miệng cốc cà phê. Do đó, khi những hố ga này bốc hơi nước lên, nó sẽ trông giống những cốc cà phê thơm ngon, nóng hổi trên khắp đường phố New York. Sự kết hợp hoàn hảo giữa miếng dán và hơi nước của hố ga đã giúp Folger ghi dấu sâu đậm trong tâm trí người tiêu dùng. Bất cứ khi nào nhìn thấy một hố ga trên đường, khách hàng sẽ liên tưởng ngay đến thương hiệu cà phê nổi tiếng mang tên Folger.
2.2. Marketing du kích trong nhà (Indoor guerrilla marketing)
Trái ngược với marketing du kích ngoài trời, marketing du kích trong nhà là hình thức tiếp thị được triển khai ở những không gian công cộng khép kín. Những địa điểm lý tưởng để triển khai hình thức này có thể là các cửa hàng, khuôn viên trường đại học, bảo tàng, nhà ga, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim...
Năm 2009, IKEA - một hãng nội thất đến từ Thuỵ Điển đã tận dụng những chiếc cầu thang để triển khai chiến lược marketing du kích. Theo đó, IKEA đã thiết kế cầu thang tại các cửa hàng giống như những ngăn kéo tủ mà khi mở ra, khách hàng sẽ nhìn thấy rất nhiều quần áo được sắp xếp gọn gàng. Bằng cách này, IKEA đã khéo léo khẳng định rằng sản phẩm nội thất của họ được thiết kế thông minh, giúp người sử dụng tận dụng tối đa không gian trong nhà.
Coca Cola là một ví dụ thành công khác của chiến lược tiếp thị du kích trong nhà. Thương hiệu này đã lắp đặt một máy bán hàng tự động với kích thước siêu lớn tại một trường học. khuôn viên trường đại học. Đặc biệt, máy bán hàng tự động này có một chiếc nút “mua 2 tặng 1” nhưng nó được đặt ở vị trí “xa tầm với”. Do đó, để chạm tới nút “mua 2 tặng 1”, các học sinh phải hợp sức để nâng bạn mình lên. Thông qua đó, chiếc máy bán hàng kỳ quặc này đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết và hợp tác ăn ý của các học sinh trong trường.
Kết quả là, Coca Cola đã ghi nhận những phản ứng rất tích cực từ học sinh trong trường đối với chiến lược tiếp thị ấn tượng này.
>>> XEM THÊM: EMAIL MARKETING LÀ GÌ? CÁC BƯỚC XÂY DỰNG EMAIL MARKETING ĐẠT HIỆU QUẢ CAO
2.3. Marketing du kích sự kiện (Event ambush guerrilla marketing)
Marketing du kích sự kiện là chiến thuật tiếp thị phục kích tại những sự kiện công cộng, ví dụ như buổi hòa nhạc, ngày hội thể thao, lễ hội nhằm cạnh tranh sự hiện diện thương hiệu với những nhà quảng cáo khác. Mục đích của chiến thuật này là tận dụng sự có mặt của một lượng lớn khán giả ở các sự kiện để gia tăng sự chú ý đến thương hiệu.
Đúng như tên gọi, để thực hiện chiến thuật này, doanh nghiệp cần bám sát các sự kiện lớn và phục kích tại đó để tung ra những hoạt động marketing bất ngờ nhằm khiến khách hàng và các đối thủ cạnh tranh phải ngỡ ngàng bật ngửa. Doanh nghiệp có thể tổ chức các gian hàng ở khu vực tập trung nhiều người qua lại trong sự kiện, sau đó tặng mẫu thử miễn phí hoặc các voucher ưu đãi cho khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội này để thực hiện các chiến dịch marketing nhằm công kích hay “cà khịa” các đối thủ cạnh tranh.
Năm 2010, trong bối cảnh diễn ra giải đấu World Championship được tổ chức tại Nam Phi, Nike đã thực hiện chiến dịch marketing với thông điệp “Viết nên tương lai”. Adidas là nhà tài trợ chính của sự kiện thể thao này. Để cạnh tranh thương hiệu với Adidas, Nike đã chiêu mộ những tên tuổi lớn như Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney tham gia vào chiến dịch “Viết nên tương lai”. Chiến dịch của Nike đã tạo được tiếng vang lớn, thậm chí hiệu ứng của nó tốt đến nỗi khiến khán giả nghĩ rằng Nike mới chính là nhà tài trợ của World Championship.
Đối với chiến thuật marketing du kích sự kiện, trình diễn Flashmob hay Publicity Stunts cũng là hai hình thức marketing thú vị mà doanh nghiệp có thể tham khảo:
Trình diễn Flashmob
Flash Mob là hoạt động nhảy tập thể tại những địa điểm công cộng. Hoạt động này có thể được lên kế hoạch từ trước hoặc chỉ đơn giản là những giây phút nhảy múa ngẫu hứng. Nhảy tập thể có khả năng tạo ra hiệu ứng đám đông mạnh mẽ, từ đó giúp truyền tải thông điệp quảng cáo một cách nhanh chóng.
Doanh nghiệp có thể thuê các dancer chuyên nghiệp, các tình nguyện viên hoặc sử dụng chính nhân viên trong công ty để thực hiện các bài nhảy flashmob sôi động, vui tươi. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể kêu gọi mọi người cùng đăng ký tham gia nhảy flashmob trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tăng cường hiệu ứng đám đông. Trình diễn flashmob có thể diễn ra trong các dịp lễ hội, buổi khai trương hay ra mắt sản phẩm mới nhằm tạo không khí vui tươi và lôi kéo người xem chú ý tới sản phẩm của doanh nghiệp.
Năm 2009, T-Moblie - một nhà mạng nổi tiếng của Mỹ đã dàn dựng một màn trình diễn Flashmob ấn tượng tại nhà ga ở thành phố Liverpool. Với âm thanh sôi động cùng những vũ đạo có phần kỳ quặc, màn trình diễn nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người có mặt tại nhà ga và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Video ghi lại phần trình diễn này đã giúp T-Moblie thắng giải quảng cáo truyền hình của năm tại Giải thưởng Quảng cáo Truyền hình Anh. Không chỉ vậy, nó còn giúp T-mobile tăng doanh thu lên 52% - một con số đáng mơ ước của nhiều thương hiệu.
Publicity Stunts
Để nhấn mạnh yếu tố giật gân, bất ngờ, không có cách nào hiệu quả hơn việc tạo ra những pha hành động mạo hiểm, kịch tính. Publicity Stunts chính là những pha mạo hiểm được doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị nhằm khiến công chúng phải trầm trồ kinh ngạc. Mục đích của hoạt động này là hướng sự chú của công chúng tới thương hiệu đứng đằng sau các sự kiện lớn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đang tài trợ cho một sự kiện cộng cồng thì đây là một sáng kiến phù hợp.
>>> XEM THÊM: INFLUENCER MARKETING LÀ GÌ? 9 BƯỚC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC INFLUENCER MARKETING HIỆU QUẢ
2.4. Marketing du kích trải nghiệm (Experiential guerrilla marketing)
Marketing du kích trải nghiệm tập trung vào việc tạo ra các trải nghiệm thực tế cho phép người dùng có cơ hội tương tác trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Hình thức marketing này có thể được bắt gặp dễ dàng tại các quầy trải nghiệm sản phẩm ở trung tâm thương mại, buổi triển lãm sản phẩm, hội chợ hay các điểm bán lẻ.
Dưới đây là hai loại hình marketing du kích trải nghiệm sáng tạo mà doanh nghiệp có thể học hỏi:
Undercover Marketing (Stealth Marketing)
Đây là hình thức tiếp thị du kích bí mật, tàng hình. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiếp thị một khéo léo và tinh tế để khách hàng không nhận ra mục đích tiếp thị của mình.
Blackberry là một ví dụ điển hình của chiến thuật marketing tàng hình. Năm 2010, thương hiệu đã thuê các cô gái hấp dẫn và nóng bỏng để quảng cáo cho chiếc điện Blackberry sắp ra mắt. Những cô gái này sẽ tới các quán bar, rút điện thoại ra và cố gắng tán tỉnh những người đàn ông ở đó. Các cô gái sẽ yêu cầu những người đàn ông mà họ tán tỉnh nhập số điện thoại vào chiếc Blackberry và hứa sẽ gọi lại để hẹn hò.
Tuy nhiên, thực tế là chẳng có cô gái nào gọi điện lại cho những người đàn ông mà họ đã xin số. Tất cả những gì họ muốn là dụ dỗ các chàng trai thử trải nghiệm điện thoại Blackberry. Dĩ nhiên, không chàng trai nào nhận ra mục đích tiếp thị sản phẩm của các cô gái. Nhờ vậy, chiến lược tiếp thị này đã giúp điện thoại Blackberry trở nên phổ biến với độ phủ sóng rộng rãi.
Treasure Hunts
Hình thức marketing này được lấy cảm hứng từ những trò chơi truy tìm kho báu (tên tiếng anh là Treasure Hunts). Theo đó, để tổ chức trò chơi này, doanh nghiệp cần cung cấp những manh mối dẫn tới kho báu và yêu cầu người chơi thu thập chúng. Người tìm ra kho báu sẽ là người chiến thắng và có cơ hội sở hữu những phần quà hấp dẫn. Mục đích của hình thức marketing này là tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách hàng, từ đó tăng cường tương tác giữa khách hàng và thương hiệu.
Năm 2004, M&M - một thương hiệu kẹo nổi tiếng của Mỹ đã tổ chức cuộc thi mang tên “Great Color Quest”. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, thay vì bán những viên kẹo màu sắc như thông thường, M&M hầu như chỉ bán những viên kẹo có màu đen và màu trắng. Thương hiệu này chỉ sản xuất 6 túi kẹo đặc biệt có màu sắc. Khách hàng nào may mắn tìm thấy những túi kẹo màu sắc sẽ được trao giải thưởng đặc biệt. Đó là một chiếc Volkswagen Beetle có cùng màu với túi kẹo mà họ tìm thấy. Ngoài ra, họ còn có cơ hội bay tới Los Angeles để tham dự một buổi dạ tiệc đặc biệt.
Không dừng lại ở đó, năm 2010, M&M's đã hợp tác với Google Street View để triển khai cuộc thi “Find Red” ở Canada. Theo đó, cuộc thi yêu cầu người chơi tìm kiếm những viên kẹo M&M được cất giấu ở khắp đường phố Canada trong Google Street View. Đây là một trò chơi truy tìm kho báu dưới định dạng kỹ thuật số. Để tìm ra những viên kẹo này, người chơi phải thu thập manh mối mà thương hiệu cung cấp trên các nền tảng mạng xã hội, website và poster. Người chiến thắng sẽ nhận được một chiếc xe oto thông minh nhỏ. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng và tạo ra hơn 8 triệu lượt hiển thị trên mạng xã hội cùng với 225.000 lượt đề cập về thương hiệu trên Twitter.
>>> XEM THÊM: CHIẾN LƯỢC LÀM VIDEO MARKETING BẤT BẠI GIÚP CHUYỂN ĐỔI KHÁCH HÀNG HIỆU QUẢ
2.5. Marketing du kích kỹ thuật số (Digital guerilla marketing)
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet, những người làm marketing đã sáng tạo ra một biến thể mới của marketing du kích, đó chính là marketing du kích kỹ thuật số. Trong đó, Marketing du kích kỹ thuật số bao gồm nhiều hình thức phát sinh như viral marketing, buzz marketing hay user generated content marketing.
Viral hay buzz marketing
Trong marketing, worth of mouth (WOM) là khái niệm dùng để chỉ hình thức tiếp thị truyền miệng. Nhận thấy sức mạnh của tiếp thị truyền miệng, những nhà tiếp thị đã sáng tạo ra hình thức viral marketing hay buzz marketing. Theo đó, doanh nghiệp cần tạo ra những câu chuyện, sự kiện bất ngờ liên quan đến sản phẩm hay thương hiệu, từ đó khơi dậy sự bàn tán, tranh luận sôi nổi của công chúng trên mạng xã hội. Chính sự bàn luận này sẽ giúp tên tuổi của thương hiệu trở nên viral trên nhiều nền tảng.
Vietjet Air là một trong những thương hiệu thực hiện buzz marketing thành công nhất hiện nay. Năm 2013, Vietjet Air đã mời Ngọc Trinh cùng nhiều người mẫu khác mặc bikini và tạo dáng trên máy bay của hãng. Hành động này thể hiện sự phản cảm - một trong những điều tối kỵ đối với văn hoá Việt Nam. Ngay lập tức, thương hiệu này đã trở thành tiêu điểm công kích của báo chí và công chúng. Tuy nhiên, chính nhờ vào sự chỉ trích của công chúng mà độ nhận diện thương hiệu của VietJet Air đã tăng đến 98% sau chiến dịch này.
Nối tiếp thành công ấy, năm 2018, Vietjet Air tiếp tục khai thác sức nóng của giải vô địch U23 châu Á để thực hiện chiến dịch marketing táo bạo và điên rồ. Trong chuyến bay đưa đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trở về nước, VietJet Air đã đưa một dàn người mẫu lên máy bay và thực hiện những động tác nhảy múa phản cảm. Sự kiện này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt từ người hâm mộ. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, thương hiệu này đã rất thông minh khi nắm bắt cơ hội để trở nên viral theo một cách khá mạo hiểm.
User generated content
User generated content được hiểu là nội dung do chính người dùng tạo ra. Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, các doanh nghiệp nên tận dụng sức mạnh của nền tảng này để khuyến khích người dùng sáng tự sáng tạo các nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Những nội dung này được thể hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ như video review (đánh giá sản phẩm), video unboxing (đập hộp sản phẩm mới) hay thử thách nấu ăn, thử thách trang trí sản phẩm…
Năm 2020, thương hiệu sữa đậu nành Fami đã phát động một cuộc thi sáng tạo với hashtag đính kèm là #NhaLaNoi. Theo đó, Fami đã hợp tác cùng TikTok nhằm khuyến khích người dùng chia sẻ những video thể hiện tình yêu thương gia đình trên nền tảng này. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người dùng trên TikTok và giúp Fami đạt hơn 400 triệu lượt xem trên nền tảng số này.
Khám phá ngay cách ứng dụng hình thức Marketing mới mẻ đầy tính đột phá này với chương trình Tăng trưởng thần tốc với kinh doanh online đa nền tảng được tổ chức bởi Trường Doanh Nhân HBR.
3. Đánh giá ưu điểm và nhược điểm của chiến lược marketing du kích
Nhờ vào sức ảnh hưởng của marketing du kích, thương hiệu có khả năng ghi dấu ấn khó quên trong tâm trí khách hàng. Tuy vậy, loại hình marketing này cũng mang đến những rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, trước khi quyết định triển khai chiến lược tiếp thị du kích, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng những ưu điểm và hạn chế của hình thức này.
3.1. Ưu điểm
Chiến lược marketing du kích có những ưu điểm vượt so với chiến lược tiếp thị truyền thống. Do đó, khi thực hiện marketing du kích, doanh nghiệp sẽ nhận được những lợi ích nổi bật sau:
- Tiết kiệm chi phí: Với kinh phí triển khai thấp, chiến lược marketing du kích có thể được xem như một giải pháp thay thế lý tưởng cho các phương pháp tiếp thị truyền thống vốn đòi hỏi sự đầu tư lớn về ngân sách
- Tính lan truyền cao: Nếu chiến lược marketing du kích tạo ra hiệu ứng cộng đồng tốt, điều đó có nghĩa là nó sẽ được chia sẻ và lan truyền rộng rãi bởi người tiêu dùng trên nhiều mặt trận khác nhau. Từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng và gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu
- Thiết lập mối quan hệ: Để thực hiện chiến lược marketing du kích, doanh nghiệp cần phát triển mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với nhiều bên, ví dụ như những người quản lý thành phố hay các địa điểm công cộng, nhà quản lý mạng xã hội hay những nhà bán lẻ. Do đó, quá trình hợp tác này sẽ cho phép doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ chiến lược với nhiều đối tác tiềm năng
- Tác động cảm xúc tích cực: Tiếp thị du kích có khả năng tác động mạnh mẽ tới cảm xúc của người tiêu dùng, khiến họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như ngạc nhiên, vui vẻ, thích thú, phấn khích. Những cảm xúc tích cực này sẽ khiến người tiêu dùng có ấn tượng sâu đậm về thương hiệu và đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng
- Ghi nhận phản hồi: Căn cứ vào chiến lược marketing du kích, doanh nghiệp sẽ thu thập được những phản hồi chân thực nhất của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của họ. Trên cơ sở đó, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội trên, marketing du kích cũng tồn tại những điểm bất cập, hạn chế:
- Khó dự đoán kết quả: Mặc dù tiếp thị du kích có khả năng tạo ra hiệu ứng lan truyền lớn nhưng chiến lược này không đem lại kết quả chuyển đổi doanh số cao như chiến lược tiếp thị truyền thống. Bên cạnh đó, mặc dù tiếp thị du kích tạo ra hiệu ứng worth of mouth lớn nhưng doanh nghiệp khó có thể xác định liệu chiến dịch đó đủ sức hút với người tiêu dùng hay không
- Dễ gây tranh cãi: Một số chiến dịch marketing du kích có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm thông điệp của nó, từ đó gây tranh cãi và chỉ trích gay gắt. Điều này có thể gây phản tác dụng và khiến doanh nghiệp gặp rắc rối về mặt pháp lý
- Phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài: Những chiến dịch marketing du kích được thực hiện ngoài trời có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố bất ngờ như thời tiết, địa hình hay các tình huống khẩn cấp như cấp cứu, hoả hoạn
- Tác động cảm xúc tiêu cực: Bên cạnh việc mang đến những cảm xúc phấn khích cho người tiêu dùng, một số hình thức tiếp thị du kích có thể khiến đối tượng tiếp xúc cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí khó chịu. Điều này có thể khiến khách hàng có cái nhìn tiêu cực về thương hiệu
4. Kết luận
Như vậy, bài viết đã cung cấp kiến thức sơ lược về hoạt động marketing du kích, đồng thời gợi ý 5 chiến thuật marketing du kích và cách triển khai trong thực tế. Marketing du kích không dựa trên một công thức hay bộ quy tắc cố định, vì vậy tính sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích mà Trường Doanh Nhân HBR đã chia sẻ trong bài viết, cùng với sự sáng tạo không giới hạn, doanh nghiệp có thể thực hiện những chiến lược marketing du kích để đời.