TRƯỜNG DOANH NHÂN HBR - HBR BUSINESS SCHOOL ×

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? CÁCH TÍNH VÀ HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN

Mục lục [Ẩn]

  • 1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Các loại thuế doanh nghiệp cần nộp
    • 1.1. Thuế thu nhập doanh nghiệp
    • 1.2. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp
  • 2. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất hiện nay
    • 2.1. Hướng dẫn chi tiết công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp
    • 2.2. Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
  • 3. Hướng dẫn làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
  • 4. Một số câu hỏi về thuế thu nhập doanh nghiệp 2024
    • 4.1. Những đối tượng nào cần nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp?
    • 4.2. Kỳ tính thuế TNDN là gì?
    • 4.3. Hạn nộp thuế TNDN như thế nào?
    • 4.4. Trong trường hợp nào thì doanh nghiệp được miễn, giảm thuế TNDN?
    • 4.5. Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi nộp thuế TNDN 2024?

Nộp thuế đầy đủ, đúng hạn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên có nhiều chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nắm bắt và thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong bài viết này, Trường Doanh nhân HBR sẽ chia sẻ về các loại thuế cần nộp, cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, quy trình quyết toán và giải đáp các thắc mắc về thuế.

1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Các loại thuế doanh nghiệp cần nộp

Trước tiên, hãy cùng Trường Doanh nhân HBR tìm hiểu về các loại thuế doanh nghiệp cần phải nộp.

1.1. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là khoản thuế trực thu, được tính trên thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, bao gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh hàng hóa/ dịch vụ và thu nhập khác sau khi đã trừ đi các khoản chi được trừ theo quy định của Luật Thuế TNDN 2023.

Trong đó, thu nhập chịu thuế là doanh thu sau khi đã trừ đi các khoản chi được trừ theo quy định của Luật Thuế TNDN 2023. Các khoản chi được trừ bao gồm các khoản chi hợp lý, hợp pháp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thuế TNDN là khoản thuế trực thu quan trọng của Nhà nước
Thuế TNDN là khoản thuế trực thu quan trọng của Nhà nước

Thuế TNDN là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước: Góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước như: quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế,.. Thuế TNDN còn được xem như một công cụ điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội, hạn chế khoảng cách giàu nghèo, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phân bổ nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội..

Nộp thuế là trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với cộng đồng và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Doanh nghiệp nộp thuế theo đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực thi đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước sẽ tăng thêm mức độ uy tín thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, các khách hàng và đối tác.

1.2. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp

Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp còn phải nộp một số loại thuế khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

Các loại thuế khác doanh nghiệp phải nộp
Các loại thuế khác doanh nghiệp phải nộp
  • Thuế giá trị gia tăng (VAT): Là khoản thuế được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh. 

Cách tính: Thuế VAT = Giá trị gia tăng x Thuế suất. 

Trong đó thuế suất có 03 mức thuế suất giá trị gia tăng là 0%, 5% và 10% (Theo Điều 9, Điều 10 và Điều 11, Thông tư 219/2013/TT-BTC)

  • Thuế tiêu thụ đặc biệt: Là khoản thuế chỉ dành cho một số hàng hóa, dịch vụ xa xỉ hoặc có tiềm ẩn những tác động không nhằm điều tiết việc sản xuất, tiêu dùng, nhập khẩu của xã hội. Ví dụ như như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, xe ô tô, xổ số, vũ trường... 

Cách tính: Thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá trị hàng hóa, dịch vụ chịu thuế x Thuế suất

Trong đó thuế suất chi tiết cho từng mặt hàng, dịch vụ được quy định trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Chính phủ.

  • Thuế xuất khẩu: Là khoản thuế được tính trên giá trị hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà Nhà nước muốn hạn chế xuất khẩu. 

Cách tính: Thuế xuất khẩu = Giá trị hàng hóa xuất khẩu x Thuế suất

Trong đó, thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng được quy định tại phụ lục I & II đính kèm nghị định 26/2023/NĐ-CP và có thể thay đổi theo thời gian.

  • Thuế nhập khẩu: Là khoản thuế được tính trên giá trị hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác và chỉ đánh vào hàng hoá, không đánh vào dịch vụ.

Cách tính: Thuế nhập khẩu = Giá trị hàng hóa nhập khẩu x Thuế suất. 

Trong đó thuế xuất nhập khẩu có 3 loại thuế suất ưu đãi, thuế suất đặc biệt ưu đãi và thuế suất thông thường được quy định tại Điều 11, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016.

  • Thuế môn bài: Thuế môn bài (lệ phí môn bài) là một loại thuế trực thu mà các tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn bán từng chuyến hàng đều phải nộp theo Pháp lệnh Thuế Công thương nghiệp 1983. 

Mức thu lệ phí môn bài 2024 được quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP. Trường hợp được miễn thuế môn bài trong 03 năm đầu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân: Là khoản thuế được tính trên thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân. 

Cách tính: Thuế TNCN = Thu nhập từ hoạt động kinh doanh x Thuế suất. 

Trong đó thuế suất được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 đối với cá nhân cư trú và Điều 25 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 đối với cá nhân không cư trú.

>>> XEM THÊM: CÁCH XÂY CƠ CHẾ VỐN HIỆU QUẢ TRONG DOANH NGHIỆP

2. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất hiện nay

Hiện tại chưa có thêm quy định sửa đổi nào về thuế TNDN trong năm 2024, vì vậy cách tính thuế TNDN năm nay vẫn được áp dụng theo quy định quy định của Luật Thuế TNDN 2008 được sửa đổi, bổ sung qua các năm. Cụ thể như sau:

2.1. Hướng dẫn chi tiết công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất 2024
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất 2024

[1] Thuế Thu nhập doanh nghiệp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích quỹ Khoa học & Công nghệ) x Thuế suất thuế TNDN.

[2] Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)

  • Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Các chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
  • Thu nhập được miễn thuế gồm có 11 loại khác nhau, được quy định tại Điều 4 Luật Thuế TNDN 2023
  • Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: theo Điều 38 Luật Thuế TNDN 2023, doanh nghiệp được kết chuyển lỗ sang các năm tiếp theo để giảm thuế TNDN trong trường hợp doanh nghiệp bị lỗ.

[3] Phần trích quỹ Khoa học & Công nghệ: căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, phần trích quỹ này do doanh nghiệp tự quyết định hằng năm nhưng không được vượt quá 10% thu nhập tính thuế.

[4] Thuế suất thuế TNDN được Căn cứ khoản 3 Điều 10 Luật Thuế tTNDNvà Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC:

  • Thuế suất TNDN thông thường: 20%.
  • Thuế suất TNDN đối với hoạt động dầu khí: từ 25% đến 50%.
  • Thuế suất TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm khác: từ 32% đến 50%.
  • Thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất: gồm có 3 mức là 10%, 15% và 17%.

2.2. Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp trường hợp 1: Công ty Cổ phần Sản xuất Xây dựng Thương mại Dịch vụ A (Công ty A)

  • Lĩnh vực hoạt động: Xây dựng
  • Mức thuế suất: 20% (mức thuế suất thông thường)
  • Giả định số liệu:
    • Doanh thu: 100 tỷ đồng
    • Chi phí được trừ: 85 tỷ đồng
    • Phần trích quỹ Khoa học & Công nghệ: 1,3 tỷ đồng (tối đa 10% thu nhập tính thuế)
    • Thu nhập miễn thuế: 0,7 tỷ đồng
    • Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: 0
    • Các khoản thu nhập khác: 0

Tính toán: 

  • Thu nhập chịu thuế: 100 tỷ đồng - 85 tỷ đồng + 0 = 15 tỷ đồng
  • Thu nhập tính thuế: 15 tỷ đồng - (0,7 tỷ đồng + 0) = 14,3 tỷ đồng
  • Thuế TNDN = (14,3 tỷ đồng - 1,3 tỷ đồng) x 20% = 2,6 tỷ đồng

Vậy Công ty A phải nộp thuế TNDN cho năm 2024 là 2,6 tỷ đồng.

Ví dụ tính thuế doanh nghiệp có thuế suất 20%
Ví dụ tính thuế doanh nghiệp có thuế suất 20%

Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp trường hợp 2: Doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Dầu khí B (Công ty B)

  • Lĩnh vực hoạt động: Khai thác dầu thô
  • Mức thuế suất: 35% (giả sử doanh nghiệp thuộc diện áp dụng thuế suất 35%)
  • Giả định số liệu:
    • Doanh thu: 200 tỷ đồng
    • Chi phí được trừ: 160 tỷ đồng
    • Phần trích quỹ Khoa học & Công nghệ: 4,5 tỷ đồng (tối đa 10% thu nhập tính thuế)
    • Thu nhập miễn thuế: 0 tỷ đồng
    • Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: 10 tỷ đồng
    • Các khoản thu nhập khác: 15 tỷ đồng

Tính toán:

  • Thu nhập chịu thuế: 200 tỷ đồng - 160 tỷ đồng + 15 tỷ đồng = 55 tỷ đồng
  • Thu nhập tính thuế: 55 tỷ đồng - (0 +10 tỷ đồng) = 45 tỷ đồng
  • Thuế TNDN = (45 tỷ đồng - 4,5 tỷ đồng) x 35% = 14,175 tỷ đồng

Vậy Công ty B phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp cho năm 2024 là 14,175 tỷ đồng.

Ví dụ tính thuế doanh nghiệp ngành dầu khí
Ví dụ tính thuế doanh nghiệp ngành dầu khí

Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp trường hợp 3: Doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Nông sản Z (Công ty Z)

  • Lĩnh vực hoạt động: Nông nghiệp
  • Mức thuế suất: 15% (ưu đãi thuế suất theo thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản)
  • Giả định số liệu:
    • Doanh thu: 50 tỷ đồng
    • Chi phí được trừ: 40 tỷ đồng
    • Phần trích quỹ Khoa học & Công nghệ: 0,5 tỷ đồng (tối đa 10% thu nhập tính thuế)
    • Thu nhập miễn thuế: 5 tỷ đồng
    • Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: 2 tỷ đồng
    • Các khoản thu nhập khác: 7 tỷ đồng

Tính toán:

  • Thu nhập chịu thuế: 50 tỷ đồng - 40 tỷ đồng + 7 tỷ đồng = 17 tỷ đồng
  • Thu nhập tính thuế: 17 tỷ đồng - (5 +7 tỷ đồng) = 5 tỷ đồng
  • Thuế TNDN = (5 tỷ đồng - 0,5 tỷ đồng) x 15% =  0,675 tỷ đồng

Vậy Công ty B phải nộp thuế TNDN cho năm 2024 là 0,675 tỷ đồng.

Ví dụ tính thuế doanh nghiệp thuộc trường hợp có thuế suất ưu đãi
Ví dụ tính thuế doanh nghiệp thuộc trường hợp có thuế suất ưu đãi

3. Hướng dẫn làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý theo Luật Thuế TNDN 2023; Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 22/12/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế TNDN và Thông tư số 40/2023/TT-BTC ngày 16/08/2023 hướng dẫn thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Hồ sơ quyết toán thuế TNDN bao gồm 5 loại như sau:

  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 40/2023/TT-BTC;
  • Báo cáo tài chính của năm quyết toán
  • Các chứng từ ghi nhận doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm quyết toán
  • Các tài liệu khác có liên quan đến việc xác định thu nhập chịu thuế, thuế TNDN phải nộp.

Quy trình quyết toán thuế TNDN gồm 4 bước như sau:

Hướng dẫn chi tiết cách quyết toán thuế 2024
Hướng dẫn chi tiết cách quyết toán thuế 2024
  • Bước 1: Lập tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN. Lưu ý là cần điền đầy đủ, chính xác các thông tin trong tờ khai, bao gồm: Thông tin về doanh nghiệp; Doanh thu, chi phí, lợi nhuận trước thuế; Các khoản thu nhập được miễn thuế, giảm thuế; Các khoản chi phí được trừ; Thu nhập chịu thuế; Thuế TNDN phải nộp; Các khoản thuế đã nộp; Số thuế TNDN còn lại phải nộp.
  • Bước 2: Nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN: Doanh nghiệp nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn quy định.
  • Bước 3: Cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế TNDN: Cơ quan thuế sẽ kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế TNDN của doanh nghiệp để đảm bảo đầy đủ, chính xác theo quy định. Nếu hồ sơ quyết toán thuế TNDN thiếu sót hoặc không chính xác, cơ quan thuế sẽ thông báo cho doanh nghiệp để sửa chữa, bổ sung.
  • Bước 4: Thẩm định và ban hành quyết định hoàn thuế hoặc truy thuế: Sau khi kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế TNDN, cơ quan thuế sẽ thẩm định và ban hành quyết định hoàn thuế hoặc truy thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền khiếu nại đối với quyết định của cơ quan thuế nếu cho rằng quyết định không đúng.

4. Một số câu hỏi về thuế thu nhập doanh nghiệp 2024

Sau đây Trường Doanh nhân HBR sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp về thuế TNDN

4.1. Những đối tượng nào cần nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của Luật Thuế TNDN 2023, tất cả các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều phải nộp thuế TNDN, bao gồm:

  • Tất cả các doanh nghiệp theo quy định được thành lập và hoạt động của pháp luật.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, có hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thu nhập chịu thuế trong mọi lĩnh vực.
  • Tất cả các tổ chức khác được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã.
  • Doanh lập thành lập và hoạt động theo pháp luật của những quốc gia khác c(doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Cơ sở thường trú đồng thời là cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam
  • Tổ chức khác hoạt động sản xuất kinh doanh và có thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng có thể được miễn, giảm thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cần tra cứu kỹ lưỡng các quy định để biết mình có thuộc trường hợp được miễn, giảm thuế TNDN hay không.

Các đối tượng phải nộp thuế TNDN 2024
Các đối tượng phải nộp thuế TNDN 2024

4.2. Kỳ tính thuế TNDN là gì?

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là thời gian xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận và thuế TNDN phải nộp của doanh nghiệp, được xác định theo năm dương lịch (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12).

Trong trường hợp một số doanh nghiệp tư nhân áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính mà doanh nghiệp chọn áp dụng. Các doanh nghiệp tiến hành lựa chọn kỳ tính thuế khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp lần đầu với Phòng Đăng ký kinh doanh.

4.3. Hạn nộp thuế TNDN như thế nào?

Thuế TNDN tạm nộp theo quý có thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau (Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019). Cụ thể như sau:

  • Quý I (Tháng 1, 2 và 3): Doanh nghiệp nộp thuế chậm nhất vào ngày 02/5/2024 (do ngày 30/4/2024 và 01/5/2024 nghỉ lễ liên tiếp nên được tính vào ngày làm việc kế tiếp).
  • Quý II (Tháng 4, 5 và 6): Doanh nghiệp nộp thuế chậm nhất vào ngày 30/7/2024.
  • Quý III (Tháng 7, 8 và 9): Doanh nghiệp nộp thuế chậm nhất vào ngày 30/10/2024.
  • Quý IV (Tháng 10, 11 và 12): Doanh nghiệp nộp thuế chậm nhất vào ngày 30/01/2025.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dầu thô thì thuế TNDN theo lần xuất bán dầu thô là 35 ngày kể từ ngày xuất bán nội địa hoặc kể từ ngày hàng hoá được thông quan hàng. Còn doanh nghiệp kinh doanh khí thiên nhiên có thời hạn nộp thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tháng (Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

Doanh nghiệp chậm nộp thuế TNDN theo quy định sẽ bị phạt với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp (Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019).

Hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp quyết toán thuế theo năm dương lịch 2024
Hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp quyết toán thuế theo năm dương lịch 2024

4.4. Trong trường hợp nào thì doanh nghiệp được miễn, giảm thuế TNDN?

Có 12 trường hợp doanh nghiệp được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (quy định tịa Điều 4 Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn bởi Thông tư 78/2014/TT-BTC. Một số trường hợp phổ biến thường gặp là:

  • Thu nhập liên quan đến nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ hải sản
  • Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp nhằm để phục vụ nông nghiệp
  • Thu nhập có được nhờ thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ
  • Doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS và chiếm từ 30% trở lên
  • Thu nhập từ hoạt động dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện và 
  • Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn mà bên nhận góp vốn đã nộp thuế.
  • Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật…

4.5. Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi nộp thuế TNDN 2024?

Để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế một cách nhanh chóng, đầy đủ và hợp pháp các doanh nghiệp nên lưu ý các điều sau:

Lưu ý nộp thuế 2024 doanh nghiệp nến biết
Lưu ý nộp thuế 2024 doanh nghiệp nến biết
  • Cập nhật thay đổi về luật thuế: Luật Thuế TNDN 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2023, thay thế cho Luật Thuế TNDN 2008. Doanh nghiệp cần cập nhật đầy đủ các thay đổi về luật thuế, bao gồm mức thuế suất thuế TNDN, các thu nhập được miễn thuế, các khoản chi phí được trừ và tìm hiểu các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2023 được ban hành mới nhất để thực thi.
  • Kế toán đầy đủ, minh bạch: Doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kế toán theo quy định, đảm bảo sổ sách kế toán đầy đủ, chính xác, minh bạch để làm căn cứ tính thuế TNDN. Các chứng từ ghi nhận doanh thu, chi phí phải hợp pháp, đầy đủ và được lưu giữ đúng quy định
  • Kê khai thuế đúng hạn và nộp thuế đầy đủ: Doanh nghiệp cần kê khai thuế TNDN và các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo đúng kỳ tính thuế và nộp trong thời hạn quy định để tránh khoản nộp phạt chậm trễ. Để thuận tiện, doanh nghiệp có thể nộp thuế TNDN theo phương thức điện tử thông qua hệ thống thuế của Tổng cục Thuế. Doanh nghiệp cần thanh toán thuế TNDN đầy đủ theo số tiền đã kê khai, có thể thanh toán thuế bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc séc.
  • Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tham gia các khóa tập huấn về luật thuế để cập nhật kiến thức mới nhất, sử dụng phần mềm kế toán để hỗ trợ việc kê khai thuế và có thể cân nhắc thuê tư vấn thuế nếu cần thiết.

Như vậy, bài viết này đã cung cấp cho các quý doanh nghiệp những thông tin chi tiết về thuế TNDN mới nhất hiện nay, bao gồm ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế doanh nghiệp phải nộp và một số câu hỏi về thuế thường gặp. Hy vọng những thông tin này của Trường Doanh nhân HBR sẽ giúp ích cho các quý doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình một cách đầy đủ, chính xác và hiệu quả.

Thông tin tác giả

Trường doanh nhân HBR ra đời với sứ mệnh là cầu nối truyền cảm hứng và mang cơ hội học tập từ các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế, cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất về lãnh đạo và quản trị từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Wharton, Harvard, MIT Sloan, INSEAD, NUS, SMU… Nhờ vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi ra biển lớn, tạo nên con đường ngắn nhất và nhanh nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC CỦA HBR
Đăng ký ngay
Hotline
Zalo
Facebook messenger