Mục lục [Ẩn]
- 1. Sơ đồ tư duy là gì?
- 2. Lợi ích của việc sử dụng sơ đồ tư duy
- 3. Một số loại sơ đồ tư duy phổ biến hiện nay
- 3.1. Sơ đồ tư duy vòng tròn
- 3.2. Sơ đồ tư duy bong bóng
- 3.3. Sơ đồ tư duy bong bóng kép
- 3.4. Sơ đồ tư duy cây
- 3.5. Sơ đồ tư duy mạng nhện
- 4. Hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy chi tiết
- 4.1. Xác định chủ đề chính của sơ đồ tư duy
- 4.2. Vẽ các nhánh cấp 1 cho sơ đồ tư duy
- 4.3. Vẽ thêm thêm các nhánh phụ cấp 2, cấp 3
- 4.4. Tô màu và kết hợp hình ảnh minh họa
- 5. 6 sai lầm phổ biến cần tránh khi vẽ sơ đồ tư duy
- 5.1. Sử dụng quá nhiều chữ
- 5.3. Thiếu hình ảnh minh họa
- 5.4. Thiếu sự liên kết rõ ràng giữa các nhánh
- 5.5. Không giới hạn số lượng nhánh phụ
- 5.6. Thiếu cập nhật và điều chỉnh thông tin trong sơ đồ tư duy
- 6. Gợi ý top 4 công cụ AI vẽ sơ đồ tư duy miễn phí
- 6.1. yEd Live
- 6.2. DiagramGPT
- 6.3. Draw.io
- 6.4. ChatUML
Sơ đồ tư duy là một công cụ mạnh mẽ giúp hệ thống hóa thông tin một cách trực quan, từ đó cải thiện khả năng ghi nhớ và khuyến khích tư duy sáng tạo. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Trường Doanh Nhân HBR tìm hiểu sơ đồ tư duy là gì, có mấy loại sơ đồ tư duy và cách vẽ sơ đồ tư duy nhanh chóng chỉ với 4 bước cơ bản.
1. Sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy (Mindmap) là một công cụ giúp tổ chức thông tin một cách trực quan, dễ hiểu và dễ ghi nhớ. Khái niệm này được phát triển bởi Tony Buzan và nhanh chóng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, quản lý dự án, và sáng tạo nội dung.
Không giống như cách ghi chú truyền thống với các đoạn văn bản dài, sơ đồ tư duy cho phép sử dụng từ khóa và hình ảnh để liên kết các ý tưởng, từ đó kích thích trí nhớ và tư duy sáng tạo. Sơ đồ tư duy bao gồm một từ khóa hoặc chủ đề trung tâm, từ đó phát triển thành các nhánh con thể hiện các ý tưởng, thông tin phụ. Sự liên kết giữa các nhánh này không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng mà còn giúp tạo ra một cái nhìn tổng quan về toàn bộ vấn đề đang được xem xét.
Với cấu trúc phi tuyến tính, sơ đồ tư duy cho phép người dùng sáng tạo và sắp xếp thông tin một cách tự nhiên.
2. Lợi ích của việc sử dụng sơ đồ tư duy
Khi đã hiểu rõ sơ đồ tư duy là gì, hãy cùng xem xét những lợi ích cụ thể mà nó mang lại:
- Tăng cường khả năng ghi nhớ: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng sơ đồ tư duy giúp cải thiện khả năng ghi nhớ lên đến 10-15%. Nhờ vào sự kết hợp của màu sắc, hình ảnh và từ khóa, thông tin được trình bày một cách trực quan, sống động, từ đó hỗ trợ ghi nhớ thông tin tốt hơn
- Khuyến khích kỹ năng tư duy sáng tạo: Với sơ đồ tư duy, người dùng không bị ràng buộc bởi một cấu trúc cố định. Bạn có thể tự do sắp xếp, phát triển các ý tưởng theo cách riêng của mình, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo
- Giúp tổ chức thông tin hiệu quả: Thay vì phải ghi chép thông tin theo dạng đoạn văn dài dòng, sơ đồ tư duy giúp người dùng tổ chức thông tin một cách rõ ràng và logic. Điều này rất hữu ích khi bạn cần hệ thống hóa một lượng lớn thông tin và cần xem xét mối liên hệ tổng thể giữa chúng
- Cải thiện kỹ năng quản lý dự án: Đối với những người làm việc trong lĩnh vực quản lý dự án, sơ đồ tư duy là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc lập kế hoạch, xác định các bước cần thực hiện và theo dõi tiến độ một cách dễ dàng
3. Một số loại sơ đồ tư duy phổ biến hiện nay
Sơ đồ tư duy là gì mà lại có nhiều biến thể khác nhau? Trên thực tế, tùy thuộc vào mục tiêu và lĩnh vực sử dụng, người ta đã phát triển nhiều loại sơ đồ tư duy khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng. Dưới đây là 5 loại sơ đồ tư duy phổ biến nhất hiện nay.
3.1. Sơ đồ tư duy vòng tròn
Sơ đồ tư duy vòng tròn (Circle Map) là loại sơ đồ đơn giản và dễ hiểu. Cấu trúc của sơ đồ này bao gồm một vòng tròn lớn bên ngoài và một vòng tròn nhỏ hơn bên trong. Vòng tròn nhỏ ở trung tâm chứa chủ đề chính, trong khi vòng tròn lớn bao quanh là nơi phát triển các ý tưởng phụ hoặc thông tin bổ trợ. Loại sơ đồ này rất phù hợp khi bạn cần hình dung và khai phá các khía cạnh liên quan đến một chủ đề lớn.
3.2. Sơ đồ tư duy bong bóng
Sơ đồ tư duy bong bóng (Bubble Map) là một dạng sơ đồ biểu thị các ý tưởng xung quanh một chủ đề trung tâm. Ở đây, chủ đề chính được đặt trong một hình tròn nhỏ ở giữa. Từ đó phát triển ra các bong bóng phụ, mỗi bong bóng chứa một ý tưởng, khía cạnh hoặc hành động bổ sung cho chủ đề chính.
Sơ đồ bong bóng phù hợp cho các hoạt động lập kế hoạch, thiết lập mục tiêu hoặc phân tích các khía cạnh khác nhau của một chủ đề. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong việc xác định phân khúc khách hàng mục tiêu hoặc mô tả các yếu tố chính của một dự án.
3.3. Sơ đồ tư duy bong bóng kép
Sơ đồ tư duy bong bóng kép (Double Bubble Map) là một loại sơ đồ được thiết kế để so sánh và đối chiếu hai chủ đề hoặc hai khái niệm khác nhau. Sơ đồ này bao gồm hai vòng tròn trung tâm đại diện cho hai chủ đề, với các bong bóng con xung quanh thể hiện các điểm tương đồng hoặc khác biệt.
Phần giao nhau giữa hai vòng tròn trung tâm sẽ chứa các điểm tương đồng, trong khi các bong bóng bên ngoài chứa các điểm khác biệt giữa hai chủ đề. Loại sơ đồ này rất hữu ích trong các tình huống phân tích so sánh, giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt và tương đồng giữa các chủ đề khác nhau.
3.4. Sơ đồ tư duy cây
Sơ đồ tư duy cây (Tree Map) có cấu trúc giống như một cái cây với chủ đề chính nằm ở phần trên cùng. Từ đó, các nhánh con tỏa ra dưới dạng các ý phụ hoặc thông tin chi tiết bổ sung. Mỗi nhánh con có thể tiếp tục phân nhánh nhỏ hơn, tùy thuộc vào mức độ thông tin chi tiết cần khai thác.
Sơ đồ tư duy cây thường được sử dụng để lập kế hoạch, sắp xếp các nhiệm vụ hoặc phân chia một chủ đề lớn thành nhiều chủ đề nhỏ hơn. Điều này giúp bạn dễ dàng theo dõi, quản lý và tổ chức thông tin.
3.5. Sơ đồ tư duy mạng nhện
Sơ đồ tư duy mạng nhện (Spider Map), còn được gọi là Spider Diagram hoặc sơ đồ radar là một loại sơ đồ giúp biểu thị thông tin đa chiều. Sơ đồ này tập trung vào một chủ đề trung tâm ở giữa và các nhánh phụ tỏa ra giống như chân của một con nhện. Mỗi nhánh phụ có thể tiếp tục mở rộng thành nhiều nhánh nhỏ hơn, giúp phân tích chi tiết các khía cạnh khác nhau của chủ đề.
Sơ đồ mạng nhện rất hữu ích khi bạn cần tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau hoặc khi bạn cần phân tích một chủ đề đa chiều với nhiều yếu tố tác động.
4. Hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy chi tiết
Vẽ sơ đồ tư duy là một kỹ năng cần thiết giúp bạn hệ thống hóa và tổ chức thông tin một cách hiệu quả, từ đó kích thích khả năng ghi nhớ và tư duy sáng tạo. Để vẽ sơ đồ tư duy, bạn không cần phải là một họa sĩ chuyên nghiệp, chỉ cần nắm vững 4 bước cơ bản dưới đây:
4.1. Xác định chủ đề chính của sơ đồ tư duy
Bước đầu tiên và quan trọng nhất khi vẽ sơ đồ tư duy là xác định chủ đề hoặc ý chính cho sơ đồ. Đây là điểm khởi đầu cho việc phát triển các ý tưởng, thông tin khác của sơ đồ. Chủ đề chính có thể là một từ khóa, khái niệm hoặc một vấn đề mà bạn cần phân tích.
- Xác định chủ đề rõ ràng và cụ thể: Tránh chọn những chủ đề quá chung chung hoặc quá phức tạp vì điều này có thể khiến bạn lạc hướng trong quá trình phát triển sơ đồ.
Ví dụ, thay vì chọn chủ đề “Kinh doanh”, hãy chọn một chủ đề cụ thể hơn như “Chiến lược marketing trong kinh doanh”.
- Đặt chủ đề tại trung tâm trang giấy: Khi vẽ sơ đồ tư duy, hãy đặt chủ đề chính ở trọng tâm trang giấy bởi đây là điểm bắt đầu của tất cả các nhánh nhỏ khác. Việc đặt chủ đề ở trung tâm giúp bạn dễ dàng phát triển các ý tưởng phụ xung quanh và giữ cho sơ đồ cân đối
4.2. Vẽ các nhánh cấp 1 cho sơ đồ tư duy
Sau khi vẽ chủ đề trung tâm, bước tiếp theo là vẽ các nhánh cấp 1 tỏa ra từ trung tâm. Các nhánh này đại diện cho các ý phụ hoặc các khía cạnh chính liên quan trực tiếp đến chủ đề. Bạn có thể tưởng tượng các nhánh cấp 1 như các chương hoặc phần chính của một cuốn sách, trong khi chủ đề trung tâm chính là tiêu đề của cuốn sách đó. Trong đó, bạn cần lưu ý những điểm sau khi vẽ nhánh cấp 1 cho sơ đồ:
- Sử dụng từ khóa ngắn gọn: Mỗi nhánh cấp 1 chỉ nên chứa một từ khóa ngắn gọn và súc tích. Điều này giúp bạn dễ dàng theo dõi và ghi nhớ nội dung mà không bị rối bởi quá nhiều chi tiết
Ví dụ, nếu chủ đề là "Chiến lược marketing", các nhánh cấp 1 có thể là "Nội dung SEO", "Quảng cáo trả phí" và "Social Media".
- Vẽ các nhánh tự do và linh hoạt: Các nhánh cấp 1 nên được vẽ một cách linh hoạt, không nhất thiết phải theo thứ tự từ trái qua phải hay từ trên xuống dưới. Hãy để trí tưởng tượng dẫn dắt bạn, miễn là mọi thứ đều liên quan đến chủ đề chính. Điều này giúp sơ đồ tư duy giữ được tính sáng tạo và không gò bó theo khuôn khổ
4.3. Vẽ thêm thêm các nhánh phụ cấp 2, cấp 3
Sau khi hoàn thành các nhánh cấp 1, bạn cần tiếp tục mở rộng sơ đồ bằng cách vẽ thêm các nhánh phụ cấp 2, cấp 3, thậm chí nhiều hơn tùy thuộc vào độ phức tạp của nội dung. Các nhánh phụ này giúp làm rõ các ý chính, cho phép bạn khai thác sâu hơn từng khía cạnh của chủ đề trung tâm.
Dưới đây là cách vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3 mà bạn có thể tham khảo:
- Mỗi nhánh phụ giải thích một khía cạnh nhỏ hơn: Nhánh cấp 2 sẽ phát triển từ nhánh cấp 1 với mục đích bổ sung thêm thông tin chi tiết. Tương tự, nhánh cấp 3 sẽ tiếp tục phát triển từ nhánh cấp 2 và tương tự như vậy cho đến khi phát triển hết các ý
Ví dụ, nếu nhánh cấp 1 là "Social Media" thì nhánh cấp 2 có thể là “Xây dựng fanpage” và nhánh cấp 3 sẽ là "Viết bài viral", "Edit video", "Thiết kế đồ họa".
- Tập trung vào các từ khóa quan trọng: Ở mỗi nhánh phụ, hãy cố gắng sử dụng từ khóa chính để mô tả ý tưởng mà không cần viết quá dài dòng. Điều này giúp thông tin được truyền đạt một cách ngắn gọn và hiệu quả
4.4. Tô màu và kết hợp hình ảnh minh họa
Màu sắc và hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng trong sơ đồ tư duy. Chúng không chỉ giúp sơ đồ trở nên bắt mắt và sinh động hơn mà còn tăng cường khả năng ghi nhớ của người xem. Bước này đòi hỏi sự sáng tạo của bạn để biến sơ đồ tư duy trở nên hấp dẫn hơn:
- Sử dụng màu sắc khác nhau cho từng nhánh: Mỗi nhánh trong sơ đồ tư duy nên có một màu sắc riêng biệt. Điều này giúp phân biệt rõ ràng các ý tưởng khác nhau và tạo sự khác biệt trực quan giữa các nhánh
Ví dụ, nhánh cấp 1 có thể sử dụng màu đỏ, trong khi nhánh cấp 2 có màu xanh lá và nhánh cấp 3 có màu xanh dương.
- Thêm hình ảnh minh họa: Hình ảnh có sức mạnh kích thích trí não và làm tăng khả năng ghi nhớ. Bạn có thể vẽ thêm các biểu tượng hoặc hình ảnh minh họa để làm rõ thông tin trong sơ đồ
Ví dụ, khi nói về "Nội dung SEO", bạn có thể vẽ biểu tượng của một chiếc kính lúp đại diện cho việc tìm kiếm nội dung trên Google.
- Sử dụng ký hiệu: Các ký hiệu đơn giản như dấu mũi tên, dấu chấm hỏi, dấu cộng, hoặc dấu ngoặc có thể giúp làm rõ mối quan hệ giữa các nhánh và nhấn mạnh các thông tin quan trọng. Điều này giúp sơ đồ tư duy trở nên trực quan và dễ hiểu hơn
5. 6 sai lầm phổ biến cần tránh khi vẽ sơ đồ tư duy
Mặc dù vẽ sơ đồ tư duy là một công việc sáng tạo và linh hoạt, nhưng có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải. Những lỗi này có thể làm giảm hiệu quả của sơ đồ, khiến thông tin trở nên khó tiếp thu và ghi nhớ.
5.1. Sử dụng quá nhiều chữ
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi vẽ sơ đồ tư duy là sử dụng quá nhiều chữ. Sơ đồ tư duy cần tập trung vào từ khóa ngắn gọn và súc tích. Việc sử dụng quá nhiều chữ sẽ làm mất đi tính trực quan và khiến người xem bị "quá tải" thông tin. Khi quá nhiều từ ngữ xuất hiện trên các nhánh, sơ đồ sẽ trông giống như một bài viết hơn là một công cụ giúp tư duy nhanh chóng.
Vì vậy, hãy tập trung vào từ khóa chính hoặc các cụm từ diễn đạt ý tưởng ngắn gọn. Từ khóa cần có tính gợi mở và đủ súc tích để người dùng nhanh chóng liên tưởng đến thông tin cụ thể mà không cần phải đọc quá nhiều.
5.3. Thiếu hình ảnh minh họa
Khi sơ đồ tư duy thiếu hình ảnh minh họa, nó sẽ mất đi một phần sức mạnh trong việc giúp người dùng ghi nhớ và liên tưởng đến thông tin một cách nhanh chóng. Hình ảnh giúp kích thích trí tưởng tượng và làm cho sơ đồ trở nên trực quan hơn, đặc biệt là khi người dùng phải xử lý một lượng lớn thông tin phức tạp. Do đó, hãy sử dụng các biểu tượng, hình ảnh, ký hiệu để minh họa cho các ý tưởng trong sơ đồ.
5.4. Thiếu sự liên kết rõ ràng giữa các nhánh
Một sai lầm khác là thiếu sự liên kết rõ ràng giữa các nhánh. Nếu các nhánh không được sắp xếp một cách logic và dễ hiểu, người xem có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi thông tin.
Do đó, hãy đảm bảo rằng các nhánh được liên kết một cách mạch lạc và tuân theo một cấu trúc hợp lý. Các nhánh chính nên tỏa ra từ chủ đề trung tâm một cách cân đối, từ đó tiếp tục mở rộng thành các nhánh phụ theo trình tự logic. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các đường mũi tên hoặc ký hiệu để làm rõ mối quan hệ giữa các ý tưởng khác nhau, giúp sơ đồ logic hơn.
5.5. Không giới hạn số lượng nhánh phụ
Sơ đồ tư duy cho phép sự linh hoạt trong việc mở rộng các nhánh nhưng nếu mở rộng quá nhiều nhánh nhỏ, sơ đồ sẽ trở nên phức tạp, rối rắm. Đồng thời khiến người xem mất tập trung vào các ý tưởng chính.
Vì vậy, hãy giới hạn số lượng nhánh phụ ở mức hợp lý và chỉ mở rộng khi thật sự cần thiết. Nếu một ý tưởng quá phức tạp và đòi hỏi quá nhiều nhánh con, hãy xem xét việc vẽ nhiều sơ đồ tư duy riêng biệt để mỗi sơ đồ tập trung vào một khía cạnh cụ thể.
5.6. Thiếu cập nhật và điều chỉnh thông tin trong sơ đồ tư duy
Một sai lầm phổ biến khác là không cập nhật hoặc điều chỉnh sơ đồ tư duy theo thời gian. Nếu không cập nhật thông tin, sơ đồ sẽ trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với mục đích ban đầu.
Vì vậy, hãy liên tục cập nhật sơ đồ tư duy để đảm bảo rằng nó phản ánh kịp thời những thông tin hiện tại. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thông tin mới cần bổ sung, bạn có thể cân nhắc việc vẽ một sơ đồ tư duy khác để tránh làm sơ đồ hiện tại trở nên rối rắm.
6. Gợi ý top 4 công cụ AI vẽ sơ đồ tư duy miễn phí
Trong thời đại công nghệ, việc vẽ sơ đồ tư duy thủ công có thể tốn nhiều thời gian và không hiệu quả. Các công cụ AI hiện đại ra đời nhằm giúp vẽ sơ đồ tư duy một cách nhanh chóng và dễ dàng. Dưới đây là top 4 công cụ AI miễn phí giúp bạn dễ dàng tạo sơ đồ tư duy trong công việc và học tập.
6.1. yEd Live
yEd Live là một công cụ vẽ sơ đồ trực tuyến, nổi bật với tính năng AI giúp vẽ sơ đồ nhanh chóng và hiệu quả. yEd Live có khả năng chuyển đổi các mô tả đơn giản thành sơ đồ trực quan và sinh động. Công cụ này rất dễ sử dụng, bạn chỉ cần nhập các thông tin liên quan và AI sẽ tạo ra sơ đồ cho bạn, giống như việc trò chuyện với một người bạn thông minh.
Công cụ này có một số ưu điểm nổi bật sau:
- Dễ sử dụng: yEd Live có giao diện thân thiện, dễ sử dụng mà không cần phải có kiến thức kỹ thuật chuyên sâu
- Tính năng AI thông minh: Tính năng AI tự động xử lý và vẽ sơ đồ dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và công sức
Nhược điểm:
- Hạn chế chỉnh sửa: Một số tính năng nâng cao có thể bị hạn chế ở phiên bản miễn phí
6.2. DiagramGPT
DiagramGPT là một công cụ cho phép người dùng tạo sơ đồ đơn giản và nhanh chóng. Bạn chỉ cần mô tả những gì bạn cần, sau đó AI sẽ biến những mô tả đó thành một sơ đồ rõ ràng và trực quan.
Công cụ này có một số ưu điểm nổi bật sau ưu điểm sau:
- Ngôn ngữ đơn giản: DiagramGPT dễ sử dụngngon ngữ đơn giản, giúp người dùng dễ dàng mô tả yêu cầu của mình
- Chỉnh sửa dễ dàng: Người dùng có thể dễ dàng tùy chỉnh sơ đồ theo ý muốn mà không lo giới hạn số lần chỉnh sửa
Nhược điểm:
- Hạn chế về độ phức tạp: Công cụ này chủ yếu phù hợp cho việc vẽ các sơ đồ đơn giản hơn là các sơ đồ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao
- Làm quen với ngôn ngữ Marco: Người dùng cần phải có kiến thức cơ bản để sử dụng ngôn ngữ Marco của DiagramGPT, đặc biệt là đối với những người mới làm quen với các ứng dụng AI vẽ sơ đồ
6.3. Draw.io
Draw.io là một công cụ vẽ sơ đồ trực tuyến miễn phí, cho phép bạn tạo và chỉnh sửa sơ đồ mà không cần kết nối Internet. Bạn có thể nhập thông tin và công cụ này sẽ giúp tạo ra sơ đồ theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chỉnh sửa một số chi tiết trong sơ đồ để phù hợp hơn với nhu cầu của mình.
Công cụ này có một số ưu điểm nổi bật sau ưu điểm sau:
- Miễn phí hoàn toàn: Người dùng hoàn toàn không cần trả phí để sử dụng các tính năng cơ bản
- Hoạt động ngoại tuyến: Bạn có thể sử dụng Draw.io ngay cả khi không có kết nối Internet
- Đa nền tảng: Người dùng có thể sử dụng ứng dụng này trên trình duyệt web mà không cần phải cài đặt phần mềm
Nhược điểm:
- AI cần được cải thiện: Tính năng AI cả ứng dụng này còn đang trong quá trình phát triển và đôi khi cần chỉnh sửa thủ công để hoàn thiện sơ đồ theo ý người dùng
- Hạn chế về độ phức tạp: Draw.io phù hợp với việc các sơ đồ đơn giản, không tối ưu cho những dự án kỹ thuật phức tạp
6.4. ChatUML
ChatUML là một công cụ trực tuyến có tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp bạn tạo sơ đồ nhanh chóng và dễ dàng. ChatUML không chỉ giúp tạo sơ đồ mà còn cho phép người dùng chỉnh sửa và lưu trữ sơ đồ để tiếp tục các phiên làm việc sau này.
Ưu điểm:
- Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ: Với sự hỗ trợ của AI, ứng dụng này giúp người dùng tạo sơ đồ một cách dễ dàng và tiết kiệm thời gian đáng kể
- Giao diện thân thiện: Ứng dụng này rất dễ sử dụng, ngay cả với những người không chuyên về kỹ thuật
Nhược điểm:
- Giới hạn ở phiên bản miễn phí: Người dùng chỉ có thể tạo một số lượng sơ đồ nhất định trong phiên bản miễn phí
- Phù hợp hơn với người làm công nghệ: ChatUML có thể không phù hợp với người dùng không có nền tảng về kỹ thuật vì nó tập trung vào các sơ đồ kỹ thuật phức tạp
Như vậy, bài viết đã chỉ ra khái niệm sơ đồ tư duy là gì và giới thiệu các loại sơ đồ tư duy phổ biến nhất hiện nay. Đồng thời, hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy nhanh chóng chỉ với 4 bức cơ bản. Ngoài ra gợi ý top 4 ứng dụng Ai hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy hiệu quả. Trường Doanh Nhân HBR hy vọng rằng, những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn biết cách hệ thống hoá thông tin hiệu quả hơn với sơ đồ tư duy trực quan, sinh động.
sơ đồ tư duy là gì
Sơ đồ tư duy (Mindmap) là một công cụ giúp tổ chức thông tin một cách trực quan, dễ hiểu và dễ ghi nhớ