Mục lục [Ẩn]
- 1. Nguồn gốc của thuyết con nhím
- 2. Cấu trúc 3 vòng của thuyết con nhím
- 3. Ý nghĩa của thuyết con nhím trong kinh doanh
- 4. Các bước áp dụng thuyết con nhím trong kinh doanh
- 4.1. Hiểu rõ ba yếu tố cốt lõi của thuyết con nhím
- 4.2. Phân tích và đánh giá hiện trạng doanh nghiệp
- 4.3. Xác định giao điểm của ba yếu tố
- 4.4. Định hình chiến lược dài hạn
- 4.5. Tái cấu trúc nguồn lực và đội ngũ
- 4.6. Đo lường và tối ưu hóa
- 4.7. Duy trì sự kiên định và loại bỏ sự xao lãng
Thuyết con nhím là một trong những mô hình chiến lược kinh doanh nổi bật, giúp doanh nghiệp tập trung vào những giá trị cốt lõi để tạo ra thành công bền vững. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Trường Doanh Nhân HBR khám phá cách áp dụng chiến lược con nhím để nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa doanh nghiệp vươn lên dẫn đầu.
1. Nguồn gốc của thuyết con nhím
Thuyết con nhím được hình thành dựa trên một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại với thông điệp chính là: “Cáo là loài tinh ranh và biết nhiều cách thức khác nhau, nhưng Nhím lại chỉ tập trung vào một điều duy nhất mà nó thực sự thành thạo.”
Trong câu chuyện, Cáo không ngừng nghĩ ra các mưu kế như rình rập, tấn công bất ngờ, hoặc thậm chí giả chết để bắt Nhím. Dù vậy, lần nào cũng vậy, Nhím chỉ cần cuộn tròn và xù gai tự vệ, khiến Cáo phải rút lui với cơ thể đầy thương tích. Cáo, mặc dù thông minh và nhiều chiêu trò, vẫn không thể hiểu rằng chính sự đơn giản và nhất quán của Nhím mới là yếu tố giúp nó chiến thắng.
Triết gia Isaiah Berlin đã lấy cảm hứng từ câu chuyện này và giới thiệu trong bài luận nổi tiếng của mình vào năm 1953 (“The Hedgehog and the Fox” - tạm dịch: Cáo và Nhím). Berlin đã phân loại con người thành hai kiểu tư duy: Cáo, đại diện cho những người theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng vì phân tâm nên khó đạt thành tựu lớn; và Nhím, biểu tượng cho sự tập trung cao độ vào một ý tưởng trọng tâm, giúp họ đạt được thành công bền vững.
Sau đó, Jim Collins đã phát triển ý tưởng này trong cuốn sách kinh điển năm 2001 của ông, “Good to Great” (Tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại). Collins lập luận rằng những tổ chức vĩ đại thường hành động giống như Nhím - họ chọn một mục tiêu duy nhất mà họ giỏi nhất và tập trung toàn lực để thực hiện nó. Nhờ đó, họ không chỉ đánh bại đối thủ mà còn đạt được sự thành công vượt trội trong dài hạn. Trong những thời điểm khó khăn nhất, những doanh nghiệp kiên định với thế mạnh cốt lõi của mình, thay vì mải mê tìm kiếm các chiến lược thay thế mới có khả năng trụ vững và đạt được sự phát triển bền vững.
Điều này cũng được Mr. Tony Dzung, chủ tịch Hội đồng quản trị HBR Holdings khẳng định như sau: “Một vấn đề phổ biến mà các doanh nghiệp thường mắc phải là đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khi có nguồn lực tài chính dồi dào. Tuy nhiên, càng rời xa lĩnh vực thế mạnh của mình, khả năng thành công càng thấp. Hơn nữa, nếu quá mải mê với những lĩnh vực mới, khi quay trở về lĩnh vực chính, doanh nghiệp có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh ban đầu của mình.”
2. Cấu trúc 3 vòng của thuyết con nhím
Trong khóa học dành cho CEO, cấu trúc của thuyết con nhím được Mr. Tony Dzung giới thiệu như sau:
Thuyết con nhím được cấu tạo từ 3 vòng tròn chính:
- Điều bạn làm giỏi nhất: Lĩnh vực mà bạn có thể thực hiện xuất sắc với ít nỗ lực hơn so với người khác.
- Điều bạn đam mê nhất: Những hoạt động mà bạn luôn tận tâm, cống hiến hết mình.
- Yếu tố tạo ra lợi nhuận: Những yếu tố giúp vận hành "cỗ máy kiếm tiền" của bạn và mang lại nguồn thu bền vững.
Con đường đúng đắn nhất dành cho doanh nghiệp nằm tại điểm giao thoa của ba yếu tố trên, được xem như "tâm chấn" (năng lực lõi của doanh nghiệp). Điểm giao này là trọng tâm giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động kinh doanh của mình
Khi đã xác định rõ chiến lược con nhím, lãnh đạo cần tập trung mọi nguồn lực và năng lượng vào việc phát huy điều mà tổ chức làm tốt nhất thay vì cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế ngắn hạn.
Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng "Chiến lược con nhím" thông qua việc trả lời ba câu hỏi chính:
- Điều gì thực sự tạo động lực và đam mê cho tổ chức?
- Lĩnh vực nào doanh nghiệp có thể làm tốt nhất trên thị trường?
- Yếu tố nào có thể giúp tổ chức tạo ra lợi nhuận bền vững?
>>> Xem thêm: VÒNG TRÒN NĂNG LỰC - TRIẾT LÝ LÀM CHỦ THÀNH CÔNG CỦA LÃNH ĐẠO TÀI BA
3. Ý nghĩa của thuyết con nhím trong kinh doanh
Thuyết con nhím có những ý nghĩa nổi bật sau đối với doanh nghiệp:
- Tập trung chiến lược: Thuyết con nhím giúp doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu cốt lõi và tập trung vào những lĩnh vực mà họ có tiềm năng phát triển vượt trội nhất. Việc tập trung này giúp doanh nghiệp tránh phân tán nguồn lực vào các mục tiêu không mang lại giá trị dài hạn, từ đó tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực.
- Quản trị rủi ro hiệu quả: Bằng cách chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tổ chức giảm thiểu khả năng thất bại trong những ngành không thuộc thế mạnh của mình. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và hạn chế tổn thất khi phải đối mặt với những thay đổi hoặc khó khăn trong thị trường.
- Tăng trưởng bền vững: Thuyết Con Nhím cung cấp một định hướng rõ ràng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên năng lực cốt lõi và giá trị kinh tế. Dù thị trường có biến động, doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sự phát triển lâu dài nhờ vào nền tảng vững chắc từ chiến lược này.
- Tạo động lực và gắn kết nhân viên: Khi doanh nghiệp tập trung vào sứ mệnh và giá trị cốt lõi, điều này tạo nên một môi trường làm việc tích cực, nơi các nhân viên cảm thấy được truyền cảm hứng và có ý nghĩa trong công việc.
Đặc biẹt, đối với những cá nhân đang muốn khởi nghiệp kinh doanh, Mr. Tony Dzung khuyên rằng: “Bạn phải xây dựng cho mình một móng nhà vững chắc, làm sao để tận dụng được thế mạnh, đam mê của mình để làm đòn bẩy cho những lĩnh vực khác. Điều này đảm bảo rằng, nếu không may thất bại ở những lĩnh vực không phải thế mạnh, khi quay trở lại với lĩnh vực lõi, bạn vẫn có thể tự vực dậy.”
4. Các bước áp dụng thuyết con nhím trong kinh doanh
Để áp dụng hiệu quả thuyết con nhím trong kinh doanh, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng 3 yếu tố cốt lõi và tập trung vào trọng tâm chiến lược. Dưới đây là các bước chi tiết giúp tổ chức áp dụng thuyết con nhím hiệu quả:
4.1. Hiểu rõ ba yếu tố cốt lõi của thuyết con nhím
Theo Mr. Tony Dzung, điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là xác định rõ ba yếu tố tạo nên thuyết con nhím, đó là:
1 - Điều doanh nghiệp đam mê nhất:
Ở bước này, doanh nghiệp cần xác định lĩnh vực mà lãnh đạo và đội ngũ nhân sự cảm thấy có niềm đam mê mãnh liệt nhất.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- "Chúng ta thực sự yêu thích điều gì?"
- "Nhân viên cảm thấy có động lực và hứng thú với hoạt động nào nhất?"
Ví dụ: Starbucks đam mê việc cung cấp trải nghiệm thưởng thức cà phê đẳng cấp, không chỉ là bán đồ uống mà còn tạo không gian trải nghiệm cho khách hàng.
2 - Điều doanh nghiệp có thể làm tốt nhất:
Tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định năng lực lõi hoặc lĩnh vực mà mình có thể dẫn đầu thị trường. MR. Tony Dzung nhấn mạnh đây là bước cực kỳ quan trọng vì nó quyết định lĩnh vực thế mạnh mà doanh nghiệp cần tập trung phát triển.
Lĩnh vực thế mạnh không nhất thiết phải là lĩnh vực hiện tại mà doanh nghiệp đang kinh doanh mà là lĩnh vực điều có tiềm năng phát triển vượt trội.
Doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi sau:
- "Chúng ta có thể làm gì tốt hơn tất cả đối thủ cạnh tranh?"
- "Hoạt động nào tận dụng tối đa năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp?"
Ví dụ: Nike đã tập trung vào thiết kế và tiếp thị giày thể thao, một lĩnh vực mà họ luôn dẫn đầu toàn cầu.
3 - Yếu tố thúc đẩy cỗ máy kinh tế của doanh nghiệp:
Cuối cùng, doanh nghiệp cần xác định các yếu tố sinh lời hay yếu tố điều khiển cỗ máy kiếm tiền của doanh nghiệp - Mr. Tony Dzung nhận định.
Ở bước này, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- "Chỉ số tài chính nào quan trọng nhất trong việc thúc đẩy lợi nhuận lâu dài?"
- "Chúng ta kiếm tiền hiệu quả nhất bằng cách nào?"
Ví dụ: Amazon tối ưu hóa lợi nhuận từ sự tiện lợi và hiệu suất cao trong chuỗi cung ứng, đồng thời tập trung vào chiến lược chi phí thấp và giao hàng nhanh.
4.2. Phân tích và đánh giá hiện trạng doanh nghiệp
Tiếp theo, để bắt đầu áp dụng thuyết Con Nhím, Mr. Tony Dzung cho rằng doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng thể về thực trạng của mình thông qua các công cụ phân tích sau
1 - Phân tích SWOT:
- S: Điểm mạnh của doanh nghiệp hiện tại? (Strengths)
- W: Điểm yếu của doanh nghiệp? (Weaknesses)
- O: Những cơ hội phát triển tiềm năng? (Opportunities)
- T: Thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt? (Threats)
2 - Đánh giá ba yếu tố cốt lõi: Doanh nghiệp cần xem xét các lĩnh vực kinh doanh hiện tại, từ đó xác định xem lĩnh vực kinh doanh nào phù hợp với đam mê, năng lực vượt trội, và hiệu quả kinh tế.
3 - Thu thập ý kiến đội ngũ: Điều quan trọng là lãnh đạo phải tổ chức các buổi thảo luận để lắng nghe quan điểm của các phòng ban, đảm bảo toàn bộ doanh nghiệp cùng hướng đến một mục tiêu chung.
4.3. Xác định giao điểm của ba yếu tố
Khi đã có dữ liệu, doanh nghiệp cần xác định giao điểm của ba yếu tố trên để hình thành "ý tưởng lớn" (Big Idea). Đây chính là lĩnh vực mà doanh nghiệp nên tập trung mọi nguồn lực để phát triển.
Các bước thực hiện cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp cần lập biểu đồ Venn với ba vòng tròn đại diện cho ba yếu tố: Đam mê, Năng lực vượt trội và Hiệu quả kinh tế
- Phân tích và tìm giao điểm của ba vòng tròn.
- Giao điểm chính là trọng tâm chiến lược Con Nhím mà doanh nghiệp cần theo đuổi.
4.4. Định hình chiến lược dài hạn
Sau khi xác định giao điểm của 3 yếu tố, Mr. Tony Dzung đề xuất doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững. Các bước thực hiện như sau:
1 - Tập trung nguồn lực:
- Loại bỏ các hoạt động không nằm trong lĩnh vực cốt lõi.
- Dồn toàn bộ nguồn lực vào các hoạt động tại giao điểm.
2 - Định hình tầm nhìn:
- Tạo ra tầm nhìn rõ ràng và truyền đạt nó đến toàn bộ đội ngũ.
- Đảm bảo rằng tất cả nhân viên hiểu được mục tiêu chung.
3 - Đặt mục tiêu dài hạn:
- Xác định các mục tiêu cụ thể trong 3-5 năm tới.
- Liên tục theo dõi và điều chỉnh chiến lược để phù hợp với thị trường.
4.5. Tái cấu trúc nguồn lực và đội ngũ
Tiếp theo, doanh nghiệp cần tái cấu trúc nguồn lực và đội ngũ để đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược con nhím:
1 - Sắp xếp lại tổ chức:
- Phân bổ lại tài nguyên, con người, và quy trình theo chiến lược mới.
- Loại bỏ các bộ phận, dự án không phục vụ chiến lược Con Nhím.
2 - Xây dựng đội ngũ phù hợp:
- Tuyển dụng và đào tạo nhân sự có năng lực đáp ứng chiến lược cốt lõi.
- Xây dựng văn hóa làm việc gắn kết và hướng đến mục tiêu chung.
4.6. Đo lường và tối ưu hóa
Đo lường và tối ưu hóa là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo chiến lược con nhím đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ở bước này, Mr. Tony dzung đề xuất doanh nghiệp cần:
1 - Thiết lập KPIs: Xác định các chỉ số hiệu suất chính để đo lường sự tiến bộ, ví dụ như doanh thu trên mỗi khách hàng, lợi nhuận gộp từ lĩnh vực cốt lõi
2 - Đánh giá thường xuyên:
- Tổ chức các buổi đánh giá định kỳ để kiểm tra tiến độ thực hiện chiến lược
- Phân tích các kết quả đạt được và điều chỉnh chiến lược con nhím khi cần thiết
4.7. Duy trì sự kiên định và loại bỏ sự xao lãng
Để đảm bảo triển khai chiến lược con nhím hiệu quả, Mr. Tony Dzung nhấn mạnh rằng doanh nghiệp phải tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi thay vì đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực vệ tinh. Cụ thể như sau:
1 - Tập trung vào chiến lược Con Nhím:
- Tránh chạy theo các cơ hội bên ngoài không thuộc lĩnh vực cốt lõi.
- Duy trì tính nhất quán trong tầm nhìn và mục tiêu.
2 - Thích ứng nhưng không đi lệch hướng: Sẵn sàng điều chỉnh chi tiết chiến lược để phù hợp với biến động thị trường, nhưng vẫn phải kiên định với lĩnh vực đã chọn.
Thuyết con nhím không chỉ là một mô hình chiến lược mà còn là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng mục tiêu, tận dụng tối đa năng lực cốt lõi và đạt được lợi nhuận bền vững. Việc áp dụng thuyết này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đam mê, thế mạnh và nhu cầu của thị trường. Với cách tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả, Trường Doanh Nhân HBR tin rằng doanh nghiệp của bạn có thể tận dụng thuyết con nhím để dẫn đầu trong lĩnh vực của mình và phát triển một cách bền vững.