Mục lục [Ẩn]
- 1. Chỉ số ROI là gì?
- 2. Ý nghĩa của ROI đối với doanh nghiệp
- 2.1. Xác định phương hướng đầu tư chính xác
- 2.2. So sánh hiệu quả giữa các dự án và chiến dịch
- 3. Cách tính chỉ số ROI chi tiết nhất
- 3.1. Công thức tính chỉ số ROI tổng quát
- 3.2. Công thức tính chỉ số ROI trong Marketing
- 3.3. Cách tính ROI trong quảng cáo Google Ads và Facebook Ads
- 3.4. Cách tính ROI trong SEO Website
- 4. Chỉ số ROI bao nhiêu là tốt?
- 5. Cách cải thiện chỉ số roi marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
- 5.1. Phân bổ ngân sách hợp lý
- 5.2. Đa dạng hóa kênh tiếp thị & thử nghiệm A/B Testing
- 5.3. Tạo kế hoạch theo dõi ROI chặt chẽ
- 5.4. Tập trung vào chỉ số quan trọng thay vì chỉ nhìn vào lượt hiển thị
- 5.5. Sử dụng công cụ phân tích & tự động hóa
- 6. Nhược điểm của chỉ số ROI
- 7. Những sai lầm cần tránh khi đo lường chỉ số ROI
ROI là một chỉ số quan trọng giúp doanh nghiệp đo lường hiệu quả đầu tư và tối ưu hóa ngân sách kinh doanh, marketing. Bài viết dưới đây từ Trường Doanh Nhân HBR sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn chỉ số ROI là gì, cách tính và tối ưu hoá ROI để nâng cao hiệu quả các chiến dịch marketing.
1. Chỉ số ROI là gì?
ROI (Return On Investment) hay tỷ suất hoàn vốn, tỷ lệ thu hồi vốn là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đo lường lợi nhuận thu được từ một khoản đầu tư so với chi phí bỏ ra. Đây là công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư phổ biến trong kinh doanh, tài chính và marketing, giúp doanh nghiệp xác định mức độ sinh lời của từng dự án.
Vậy roi là gì trong marketing? Trong lĩnh vực Marketing, ROI được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị.
Mr. Tony Dzung, Chủ tịch Trường Doanh Nhân HBR cho rằng: “Nó phản ánh mức độ đóng góp của từng hoạt động marketing vào tăng trưởng doanh thu tổng thể, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách, cải thiện hiệu suất quảng cáo và tăng lợi nhuận.”

>>> Xem thêm: TỶ SUẤT LỢI NHUẬN LÀ GÌ? CÁCH TÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ SỐ
2. Ý nghĩa của ROI đối với doanh nghiệp
Việc đo lường ROI không chỉ giúp doanh nghiệp xác định mức độ hiệu quả của các khoản đầu tư mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý tài chính và chiến lược phát triển.
Theo Mr. Tony Dzung, nhờ chỉ số này, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về việc mở rộng, điều chỉnh hoặc cắt giảm ngân sách một cách hợp lý.

2.1. Xác định phương hướng đầu tư chính xác
ROI là một thước đo giúp doanh nghiệp đánh giá xem một khoản đầu tư có thực sự đáng giá hay không.
- Nếu chỉ số ROI cao, điều đó cho thấy chiến lược đầu tư đang hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn so với chi phí bỏ ra. Khi đó, doanh nghiệp có thể tự tin mở rộng quy mô, tiếp tục đầu tư để gia tăng doanh thu.
- Ngược lại, nếu ROI thấp hoặc âm, nghĩa là lợi nhuận thu được không bù đắp được chi phí đầu tư. Khi đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng đánh giá lại chiến lược để điều chỉnh kịp thời hoặc dừng đầu tư để tránh lãng phí ngân sách.
Ví dụ: Công ty A triển khai chiến dịch quảng cáo Google Ads với chi phí 10 triệu đồng, nhưng sau một thời gian chạy quảng cáo, doanh thu mang lại chỉ đạt 8 triệu đồng. Khi tính toán, ROI của chiến dịch này là -20%, cho thấy chiến dịch đang thua lỗ.
Chỉ số ROI này phản ánh rằng công ty A cần cân nhắc cắt giảm ngân sách chạy quảng cáo hoặc thay đổi chiến lược để cải thiện hiệu quả.
2.2. So sánh hiệu quả giữa các dự án và chiến dịch
Một trong những lợi ích lớn nhất của ROI là giúp doanh nghiệp so sánh hiệu suất của các chiến dịch, dự án hoặc kênh đầu tư khác nhau.
Ví dụ, một công ty có thể chạy đồng thời nhiều chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng như Google Ads, Facebook Ads:
- Chiến dịch Google Ads có ROI = 150%, tức là cứ mỗi 1 triệu đồng đầu tư, doanh nghiệp thu về 1,5 triệu đồng lợi nhuận.
- Chiến dịch Facebook Ads có ROI = 90%, nghĩa là mỗi 1 triệu đồng đầu tư chỉ tạo ra 900.000 đồng lợi nhuận.
Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng Google Ads đang mang lại hiệu suất tốt hơn so với chiến dịch Facebook Ads.
3. Cách tính chỉ số ROI chi tiết nhất
Để đo lường hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp có thể áp dụng công thức tính ROI (Return on Investment) nhằm xác định tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư.
3.1. Công thức tính chỉ số ROI tổng quát
Công thức chung để tính ROI như sau: ROI = (Lợi nhuận ròng / Chi phí đầu tư) x 100
Trong đó:
- Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu - Tổng chi phí đầu tư
- Chi phí đầu tư = Chi phí cố định + Chi phí biến đổi
Ví dụ:
Một công ty đầu tư 100 triệu đồng vào một dự án kinh doanh. Sau một thời gian, công ty thu được tổng doanh thu là 250 triệu đồng, trong đó chi phí vận hành là 50 triệu đồng.
Khi đó, lợi nhuận ròng = 250 triệu - 100 triệu - 50 triệu = 100 triệu đồng.
Áp dụng công thức ROI: ROI = (100 triệu / 100 triệu) x 100 = 100%
Theo Mr. Tony Dzung, điều này có nghĩa là cứ mỗi 1 đồng đầu tư, công ty thu về 2 đồng, trong đó 1 đồng là lợi nhuận.

3.2. Công thức tính chỉ số ROI trong Marketing
Trong lĩnh vực Marketing, ROI thường được sử dụng để đo lường hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị. Công thức tính ROI Marketing như sau:
ROI Marketing = (Tổng doanh thu - Chi phí Marketing) / Chi phí Marketing x 100
Các chi phí Marketing có thể bao gồm:
- Chi phí quảng cáo (Facebook Ads, Google Ads, TikTok Ads,...)
- Chi phí sản xuất nội dung (bài viết, video, hình ảnh,...)
- Chi phí SEO và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm
- Chi phí thuê nhân sự Marketing hoặc Agency
Ví dụ: Một doanh nghiệp chi 10 triệu đồng cho chiến dịch quảng cáo Facebook. Sau chiến dịch, doanh nghiệp thu về 50 triệu đồng doanh thu từ quảng cáo.
Khi đó, ROI được tính như sau: ROI Marketing = (50 triệu - 10 triệu) / 10 triệu x 100 = 400%
Điều này có nghĩa là cứ mỗi 1 đồng đầu tư vào quảng cáo, doanh nghiệp thu về 5 đồng, trong đó 4 đồng là lợi nhuận.

Bên cạnh phương pháp tính trên, các chuyên gia tiếp thị còn sử dụng một phương pháp khác để đo lường ROI thông qua giá trị vòng đời của khách hàng (Customer Lifetime Value). Công thức này giúp đánh giá ROI trong dài hạn, phản ánh giá trị mà khách hàng mang lại suốt quá trình mối quan hệ của họ với doanh nghiệp.
Công thức tính CLV: CLV = (Tỷ lệ giữ chân) / (1 + Tỷ lệ chiết khấu / Tỷ lệ duy trì)
3.3. Cách tính ROI trong quảng cáo Google Ads và Facebook Ads
ROI có thể áp dụng để đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo Google Ads và Facebook Ads, giúp doanh nghiệp xác định chiến dịch nào mang lại lợi nhuận cao hơn và tối ưu ngân sách quảng cáo.
Ví dụ: Công ty A triển khai hai chiến dịch quảng cáo với chi phí đầu tư như nhau là 10.000.000 VNĐ cho mỗi chiến dịch. Kết quả thu về như sau:
- Google Ads: Tổng doanh thu đạt 75.000.000 VNĐ.
- Facebook Ads: Tổng doanh thu đạt 9.000.000 VNĐ.
Áp dụng công thức tính ROI:
Tính ROI Google Ads: ROI = (75.000.000 - 10.000.000) / 10.000.000 × 100 = 650%
=> Điều này có nghĩa là cứ mỗi 1 đồng chi cho Google Ads, công ty thu về 7,5 đồng (bao gồm cả vốn), trong đó 6,5 đồng là lợi nhuận.
Tính ROI cho Facebook Ads: ROI = (9.000.000 - 10.000.000) / 10.000.000 × 100 = -10%
=> ROI âm (-10%) cho thấy công ty đang lỗ 10% trên mỗi đồng đầu tư vào Facebook Ads.
3.4. Cách tính ROI trong SEO Website
SEO là một kênh tiếp thị bền vững giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng tự nhiên mà không phải trả phí quảng cáo liên tục.
Công thức tính ROI trong SEO: ROI SEO = (LTV - CAC) / CAC × 100
Trong đó:
- LTV (Lifetime Value): Giá trị trọn đời của một khách hàng mới.
- CAC (Customer Acquisition Cost): Chi phí để tạo ra một khách hàng mới.
1 - Cách tính LTV: LTV = Tổng thời gian mua hàng × Giá trị trung bình mỗi đơn hàng × Số lần mua hàng mỗi năm × Tỷ suất lợi nhuận
Ví dụ: LTV được tính bằng tổng lợi nhuận dự kiến mà khách hàng mang lại trong toàn bộ thời gian họ mua hàng. Giả sử một khách hàng có tổng thời gian mua hàng là 5 năm, với các dữ liệu sau:
- Giá trị trung bình mỗi lần mua hàng: 500.000 VNĐ
- Số lần mua hàng mỗi năm: 4 lần
- Tỷ suất lợi nhuận trên mỗi đơn hàng: 50%
Áp dụng công thức: LTV = 5 × 500.000 × 4 × 50% = 5.000.000 VNĐ
2 - Cách tính CAC: CAC = Tổng chi phí SEO / Số khách hàng mới. Điều này có nghĩa là tất cả các khoản chi phí đầu tư vào SEO (bao gồm chi phí cho công cụ SEO, đội ngũ nhân sự…) sẽ được chia cho số khách hàng mà doanh nghiệp thu hút được từ chiến dịch SEO.
Ví dụ:
- Tổng chi phí SEO: 20.000.000 VND
- Số khách hàng mới thu hút được từ chiến dịch SEO: 100 khách hàng
Ta tính CAC như sau: CAC = 20.000.000 / 100 = 200.000 VND/khách hàng
Như vậy, ROI SEO = (LTV - CAC) / CAC × 100 = (5.000.000 - 200.000) / 200.000 × 100 = 2400%

4. Chỉ số ROI bao nhiêu là tốt?
Không có một con số tuyệt đối để xác định ROI bao nhiêu là tốt, vì nó còn phụ thuộc vào ngành nghề, mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung giúp đánh giá mức ROI hợp lý.
ROI 2:1 – Chỉ đủ để hoàn vốn:
Chỉ số ROI 2:1 nghĩa là cứ đầu tư 1 đồng, doanh nghiệp thu về 2 đồng doanh thu, trong đó 1 đồng là chi phí sản xuất và vận hành, còn lại 1 đồng để hoàn vốn. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chưa thực sự tạo ra lợi nhuận.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất giày với chi phí sản xuất mỗi đôi giày là 500.000 VNĐ và bán với giá 1.000.000 VNĐ. Chỉ số ROI của doanh nghiệp này là 100% (tương ứng 2:1), tức là họ chỉ thu lại đủ số tiền đã bỏ ra để sản xuất chứ chưa tạo ra lợi nhuận thực sự.
ROI cao hay thấp phụ thuộc vào chi phí sản xuất:
- Nếu chi phí sản xuất chiếm dưới 50% giá bán, doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều vào Marketing vì biên lợi nhuận đã cao. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là ROI sẽ thấp hơn.
- Nếu chi phí sản xuất chiếm trên 50% giá bán, doanh nghiệp cần đẩy mạnh Marketing để tăng lượng khách hàng, bù đắp chi phí sản xuất cao. Trong trường hợp này, ROI thường cao hơn.
Vậy ROI lý tưởng là bao nhiêu?
Theo chuyên gia Tony Dzung, chỉ số ROI tối ưu thường rơi vào khoảng 5:1. Điều này có nghĩa là cứ 1 đồng đầu tư sẽ tạo ra 5 đồng doanh thu, trong đó 4 đồng là lợi nhuận.
Ví dụ:
- Một doanh nghiệp chi 10 triệu đồng cho quảng cáo và thu về 50 triệu đồng doanh thu.
- ROI = (50.000.000 - 10.000.000) / 10.000.000 × 100% = 400% (tương đương tỷ lệ ROI 5:1)
Đây là mức ROI lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp vì giúp đảm bảo lợi nhuận đủ cao để tái đầu tư và mở rộng kinh doanh.

5. Cách cải thiện chỉ số roi marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
Dưới đây là những cách hiệu quả mà Mr. Tony Dzung bật mí giúp doanh nghiệp cải thiện ROI trong hoạt động marketing.

5.1. Phân bổ ngân sách hợp lý
Một trong những yếu tố quan trọng giúp tối ưu ROI là phân bổ ngân sách đúng cách. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích dữ liệu từ các chiến dịch trước đó để xác định kênh nào mang lại hiệu quả cao nhất.
- Nếu một chiến dịch có ROI cao, doanh nghiệp có thể cân nhắc tăng ngân sách để mở rộng quy mô.
- Ngược lại, nếu một chiến dịch có ROI thấp, nên cắt giảm chi phí hoặc thay đổi cách tiếp cận để tối ưu nguồn lực.
5.2. Đa dạng hóa kênh tiếp thị & thử nghiệm A/B Testing
Không có một công thức cố định nào đảm bảo một kênh marketing luôn hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cần thử nghiệm nhiều kênh khác nhau như SEO, quảng cáo trả phí, tiếp thị qua email, social media, v.v.
- A/B Testing (Thử nghiệm A/B) giúp kiểm tra nhiều biến thể của quảng cáo, nội dung, CTA (Call to Action), tiêu đề email, từ đó xác định phương án mang lại ROI cao nhất.
- Tích hợp tiếp thị đa kênh (Omnichannel Marketing) giúp tiếp cận khách hàng theo nhiều cách, gia tăng chuyển đổi và tối ưu ROI.
5.3. Tạo kế hoạch theo dõi ROI chặt chẽ
Không theo dõi ROI thường xuyên là một trong những sai lầm phổ biến khiến doanh nghiệp không tối ưu được lợi nhuận. Một kế hoạch theo dõi ROI hiệu quả giúp:
- Xác định những chiến dịch mang lại giá trị cao nhất.
- Phát hiện sớm các chiến dịch kém hiệu quả để điều chỉnh kịp thời.
- Định hướng ngân sách hợp lý hơn dựa trên dữ liệu thực tế.
5.4. Tập trung vào chỉ số quan trọng thay vì chỉ nhìn vào lượt hiển thị
Một sai lầm phổ biến trong marketing là chỉ tập trung vào lượt hiển thị hoặc tương tác, mà không đánh giá chuyển đổi thực sự.
Ví dụ:
- Một quảng cáo Facebook có 100.000 lượt hiển thị nhưng chỉ tạo ra 10 đơn hàng → Không tối ưu ROI.
- Một chiến dịch Google Ads có ít lượt nhấp nhưng mang lại 50 đơn hàng → Đáng để đầu tư.
Như vậy, Mr. Tony Dzung chỉ ra rằng chỉ số quan trọng cần theo dõi là tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ giữ chân khách hàng (retention rate) và giá trị vòng đời khách hàng (CLV) thay vì chỉ dựa vào số lượt xem hay lượt tương tác.
5.5. Sử dụng công cụ phân tích & tự động hóa
Hiện nay, có rất nhiều công cụ giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu suất marketing và tối ưu ROI hiệu quả. Mr. Tony dzung gợi ý một trong số đó là:
- Google Analytics: Theo dõi lưu lượng truy cập, tỷ lệ thoát trang, hành vi người dùng.
- Facebook Ads Manager: Kiểm tra hiệu suất chiến dịch quảng cáo Facebook.
- Hệ thống CRM: Theo dõi dữ liệu hành vi khách hàng, cải thiện chiến lược chăm sóc.
- Marketing Automation: Tự động hóa email marketing, quảng cáo remarketing, cá nhân hóa nội dung dựa trên dữ liệu khách hàng.
6. Nhược điểm của chỉ số ROI
Theo Mr. Tony Dzung, Khi áp dụng chỉ số ROI để đánh giá hiệu quả của các chiến lược và dự án, doanh nghiệp có thể thu được những thông tin hữu ích. Tuy nhiên, chỉ số này cũng tồn tại một số nhược điểm cần được lưu ý:
- Chỉ phát huy tốt với những dự án có thời gian ngắn: ROI chủ yếu được thiết kế để đánh giá hiệu quả trong ngắn hạn. Khi áp dụng cho những dự án dài hạn, chỉ số này có thể không phản ánh chính xác tác động lâu dài của chiến lược.
- Chỉ mang tính chất tương đối: ROI không phải là một chỉ số tuyệt đối mà chỉ mang tính so sánh. Điều này có nghĩa là, mặc dù ROI có thể cho thấy sự thành công của một chiến dịch so với chi phí, nhưng nó không thể đưa ra một bức tranh toàn diện về hiệu quả tổng thể.
- Cần nhiều công cụ hỗ trợ đo lường: Để tính toán chính xác ROI, doanh nghiệp cần kết hợp nhiều công cụ và phương pháp hỗ trợ đo lường, đặc biệt là trong các chiến dịch marketing phức tạp.
- Không chỉ ra vì sao chỉ số ROI lại thấp hoặc cao: Mặc dù ROI cung cấp tỷ lệ lợi nhuận trên chi phí đầu tư, nhưng nó không giải thích lý do tại sao chỉ số này lại cao hoặc thấp. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề.
- Không đóng vai trò quyết định trong việc có nên đầu tư không: ROI là một chỉ số quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất để quyết định đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp cần xem xét nhiều yếu tố khác.
7. Những sai lầm cần tránh khi đo lường chỉ số ROI
Đo lường ROI là một bước quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư, nhưng nếu thực hiện sai cách, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định không chính xác, gây lãng phí ngân sách. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà Mr. Tony Dzung lưu ý doanh nghiệp cần tránh mắc phải:
- Đo lường quá sớm: Việc đánh giá ROI khi chiến dịch chưa đạt đến giai đoạn tối ưu có thể dẫn đến kết quả sai lệch. Do đó, doanh nghiệp cần xác định đúng thời điểm để đo lường, tránh đánh giá vội vàng và điều chỉnh chiến lược không hợp lý.
- Nhầm lẫn giữa ROI và KPI: ROI đo lường lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư, trong khi KPI chỉ phản ánh hiệu suất của một hoạt động cụ thể như số lượt nhấp chuột hay tỷ lệ chuyển đổi. Nếu chỉ dựa vào KPI mà không xem xét ROI, doanh nghiệp có thể bị đánh lừa bởi những con số đẹp mắt nhưng không thực sự tạo ra lợi nhuận.
- Áp lực từ ban lãnh đạo: Nhiều doanh nghiệp chịu áp lực phải báo cáo kết quả nhanh chóng, dẫn đến việc đo lường ROI không chính xác hoặc điều chỉnh số liệu để làm hài lòng cấp trên. Điều này có thể khiến doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các chiến dịch không hiệu quả.
- Không tự tin về chỉ số ROI: Nếu không có quy trình đo lường chuẩn hóa và công cụ phân tích phù hợp, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng thiếu chắc chắn khi đánh giá ROI.

Hiểu rõ ROI là gì và áp dụng đúng cách tính ROI trong marketing là một yếu tố then chốt để doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược và đạt được lợi nhuận cao hơn. Trường Doanh Nhân HBR hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức hữu ích để tối ưu hóa lợi nhuận cho các hạng mục đầu tư.